Các 'nút thắt' cần tháo gỡ khi dạy môn tích hợp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, chủ trương dạy tích hợp là đúng nhưng nhiều trường đang bị thiếu cơ sở vật chất và giáo viên nên triển khai chưa hiệu quả.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Thiếu điều kiện để dạy - học tích hợp

Mới đây, tại buổi gặp gỡ giáo viên, CBQL, nhân viên toàn quốc năm 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề cập đến việc dạy môn tích hợp. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề dạy học môn tích hợp là điểm nghẽn khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về cách dạy.

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định, ở nước ta từ những năm 50 của thế kỷ trước, dạy tích hợp đã xuất hiện thông qua khẩu hiệu "học đi đôi với hành". Vì khi thực hành, chúng ta không bao giờ sử dụng kiến thức đơn môn mà phải kết hợp liên môn.

Trên thế giới, tất cả nghiên cứu chỉ ra rằng các nền giáo dục phát triển cũng theo hướng dạy tích hợp, bởi đây là phương pháp hiệu quả để phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Trên thực tế, nhiều kiến thức ở bậc phổ thông được thể hiện dưới dạng liên môn. Khi được dạy tích hợp, học sinh có cái nhìn toàn diện, biết cách ứng dụng kiến thức vào đời sống một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trải nghiệm. Học sinh học tích hợp sẽ được cung cấp bối cảnh đầy đủ, toàn diện để hiểu về từng sự việc.

Mỗi nhà trường đều có các giải pháp khác nhau để dạy môn tích hợp.

Mỗi nhà trường đều có các giải pháp khác nhau để dạy môn tích hợp.

"Đây là lợi ích không thể chối cãi của dạy tích hợp. Đưa tích hợp vào chương trình mới là chủ trương đúng đắn. Tôi thấy rằng tích hợp có gì sai mà phải sửa? Cái cần sửa là những điều chưa đúng khi thực hiện dạy tích hợp. Tôi rất tiếc nếu môn tích hợp bị tách về các môn đơn lẻ" - PGS Chu Cẩm Thơ bày tỏ.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới việc này là điều kiện dạy và học chưa được đảm bảo. Hiện, hầu hết trường phổ thông chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học. Điều này khiến giáo viên và học sinh chỉ có thể dạy chay, học chay, không được làm thí nghiệm hay có bài tập thực hành. Do đó, thầy trò không thể hình dung thế nào là tích hợp.

Chương trình mới đã được nghiên cứu, chuẩn bị từ khoảng năm 2012, nhưng sau 10 năm, các địa phương và nhà trường gần như vẫn "giậm chân tại chỗ" về cơ sở vật chất. 2023 là năm thứ ba triển khai chương trình mới, trang thiết bị của các trường cũng gần như không có nhiều thay đổi.

"Tiếp xúc với hàng nghìn giáo viên, tôi thấy rằng họ đều phấn khởi nếu có điều kiện triển khai dạy tích hợp. Ngược lại, khi những điều kiện cần về dạy học chưa đến, họ ngại thay đổi. Điều này kéo dài vài năm khiến giáo viên mất niềm tin và động lực cá nhân để đổi mới. Tóm lại, chương trình mới đang không đủ điều kiện để triển khai", PGS.TS Chu Cẩm Thơ phân tích.

Các nút thắt cần tháo gỡ

Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018.

Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018.

Theo quy định hiện nay, trừ trường tư thục, các trường phổ thông công lập phải chờ ngân sách địa phương. Trong nguồn chi tài chính của các tỉnh thành, quận huyện trong 4-5 năm nay, bao nhiêu đơn vị đã hoàn thành việc trang bị cơ sở vật chất, nguồn lực con người cho các trường?

Hầu hết địa phương cũng chưa đào tạo giáo viên theo cam kết, quá phụ thuộc vào chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT. Bộ chỉ đào tạo lần đầu, còn thực chiến ở các trường phải là do giáo viên chủ động chia sẻ, hướng dẫn đồng nghiệp của mình.

Trách nhiệm này thuộc về cam kết của các địa phương trong đầu tư cho giáo dục, không thể nói đó chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục.

PGS Chu Cẩm Thơ cũng khẳng định, việc chưa có giáo viên được đào tạo chính quy về dạy tích hợp hay các giáo viên chưa được bồi dưỡng, tập huấn để họ tự tin từng bước dạy ở thực tế cũng là một nút thắt cần tháo gỡ. Sự thành công của các trường học đã làm tốt chính là họ chuẩn bị được điều kiện cơ sở vật chất và năng lực cho giáo viên.

Các giáo viên, đặc biệt là những người tốt nghiệp cao đẳng trước kia, đều được đào tạo tích hợp, chương trình học của họ cũng có các phần liên môn, dù đầu ra là dạy đơn môn.

Bản chất câu chuyện quay về việc điều kiện đảm bảo hỗ trợ việc triển khai chương trình. Bởi nếu có đủ đồ thí nghiệm, thiết bị dạy học, giáo viên không quá bị lệ thuộc vào kiến thức và hoàn toàn có thể dạy tích hợp, đồng thời họ mới thực hành dạy học trong quá trình tập huấn, để tập huấn không phải là tập huấn chay.

Không nên kỳ vọng mọi nơi phải làm đồng loạt. Thách thức đặt ra là để những nơi đang làm tốt tiếp tục làm và giúp những nơi gặp khó khăn. Nếu cứ trùm chung một nhận định là chỉnh sửa, rồi tất cả phải theo thì sẽ là rất đáng tiếc cho sự đổi mới.

PGS Chu Cẩm Thơ kiến nghị ngành Giáo dục cần tạo điều kiện để các trường được tự chủ trong điều kiện của mình. Thực tế nhiều trường ở TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng cho thấy, các địa phương này khá chú trọng dạy tích hợp và được đầu tư thiết bị. Còn những đơn vị, địa phương không đủ nguồn lực thì cần trung ương hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.