'Gỡ khó' cho dạy học tích hợp

GD&TĐ - Một số địa phương gặp khó khăn khi bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp Chương trình GDPT 2018. 

Để giáo viên dạy đơn môn chuyển sang giảng dạy tích hợp cần có quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Ảnh: Minh Thịnh
Để giáo viên dạy đơn môn chuyển sang giảng dạy tích hợp cần có quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Ảnh: Minh Thịnh

Để giáo viên dạy đơn môn chuyển sang giảng dạy tích hợp cần có quá trình đào tạo, bồi dưỡng...

Khó khăn bố trí giáo viên

Trong Chương trình GDPT 2018, môn tích hợp gồm Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ hai phân môn Lịch sử, Địa lý); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Đối với đội ngũ nhà giáo được đào tạo giảng dạy đơn môn, việc dạy học tích hợp còn khó khăn nhất định. Để gỡ khó, nhiều trường học đã bố trí giáo viên đào tạo chuyên ngành nào phụ trách phân môn đó để đảm bảo chất lượng.

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, các cơ sở giáo dục phổ thông đã thực hiện dạy môn tích hợp, môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở một số trường THCS vẫn phải bố trí giáo viên dạy Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy các chủ đề thuộc chuyên ngành đào tạo.

Mặt khác, các đơn vị vẫn gặp khó khăn trong bố trí giáo viên giảng dạy. Ngành Giáo dục địa phương đang tham mưu cấp thẩm quyền cho phép bồi dưỡng ngắn hạn các môn tổ hợp cho đội ngũ giáo viên trong biên chế hiện có để bố trí dạy các môn tích hợp đạt hiệu quả hơn.

Tại Trà Vinh, việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp cấp tiểu học, giáo viên Tin học sẽ dạy môn Tin học và Công nghệ. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương cử giáo viên Tin học tham gia chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ.

Cấp THCS, thực hiện giảng dạy các bộ môn tích hợp như môn Khoa học tự nhiên, giáo viên sẽ dạy từng phần Vật lý, Hóa học, Sinh học. Cũng tương tự với môn Lịch sử và Địa lý, giáo viên cũng dạy từng phần Lịch sử, Địa lý. Ngoài ra, tỉnh khẩn trương cử giáo viên đi bồi dưỡng để một giáo viên có thể giảng dạy được môn học tích hợp.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, giáo viên giảng dạy các môn tích hợp trước đây dạy từng môn riêng lẻ, nay dạy tích hợp gặp nhiều khó khăn. Do phân phối chương trình các môn không đều nhau nên giáo viên từng môn có tuần dạy quá nhiều tiết, tuần lại ít tiết. Giáo viên trước đây chuyên sâu một môn sau khi bồi dưỡng kiến thức để dạy môn tích hợp thì phần kiến thức không phải môn chuyên sâu dạy không đạt chất lượng cao.

Các môn tích hợp, đa số các đơn vị đều phân công giáo viên từng bộ môn giảng dạy; chưa thể thực hiện một giáo viên đảm nhận hoàn toàn môn học. Giáo viên cũng chưa đáp ứng yêu cầu dạy cuốn chiếu theo chương trình biên soạn có tính logic của bộ SGK môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý...

Cô trò Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) trong giờ học môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Cô trò Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) trong giờ học môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo

Theo thầy Sơn Minh Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), để giảng dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018, trường phân công giáo viên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phụ trách môn Khoa học tự nhiên và tổ chức giảng dạy theo các chủ đề được quy định trong chương trình.

Cụ thể, mỗi khối có 2 giáo viên đảm nhận giảng dạy. Với môn Lịch sử và Địa lý, 2 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý đảm nhận các chủ đề theo chương trình. Môn Nghệ thuật, 2 giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật phụ trách. Nội dung Giáo dục địa phương có 3 giáo viên Tổ Xã hội phụ trách thực hiện giảng dạy các chủ đề theo quy định…

Trao đổi về việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới theo Chương trình GDPT 2018, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Đối với cấp tiểu học, số lượng giáo viên đáp ứng việc triển khai Chương trình GDPT 2018, kể cả đối với giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ được triển khai bắt buộc đối với lớp 3 từ năm học 2021 - 2022.

Tuy nhiên, đối với cấp THCS, Chương trình GDPT 2018 có môn mới và hoạt động mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung Giáo dục địa phương nên việc sắp xếp bố trí giáo viên gặp không ít khó khăn. Với cấp THPT, việc lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp bước đầu chưa quen nên gặp một số khó khăn.

Về giải pháp khắc phục khó khăn trong dạy học môn tích hợp, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, tỉnh tiếp tục tuyển dụng giáo viên ở những vị trí còn thiếu theo biên chế được giao; Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn các môn học tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ cho giáo viên trong biên chế; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với chuyên ngành Tin học, Ngoại ngữ.

Mặt khác, tỉnh đặt hàng đào tạo giáo viên đối với những môn thiếu nhưng không có nguồn để tuyển dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên hằng năm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và có chất lượng...

Các địa phương cũng đang khẩn trương đánh giá hiệu quả, chất lượng giảng dạy của giáo viên theo Chương trình GDPT 2018 để làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc thay thế các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Triển khai kế hoạch nâng chuẩn trình độ giáo viên theo lộ trình; Đào tạo văn bằng 2, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của cấp học đối với giáo viên các môn thừa sang dạy các môn, cấp học còn thiếu; Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp; bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình, SGK theo các mô-đun và lộ trình bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT 2018…

“Cần tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng về đổi mới Chương trình, SGK dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Thời điểm tổ chức triển khai bồi dưỡng nên bố trí vào dịp Hè để không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục”, thầy Sơn Minh Sang kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.