Các nước châu Á sử dụng sách giáo khoa như thế nào

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sách giáo khoa là tài liệu dạy học thiết yếu ở nhiều quốc gia châu Á và thường được phân phát miễn phí cho học sinh trường công lập.

Học sinh Hàn Quốc nghiên cứu sách giáo khoa. Ảnh Internet.
Học sinh Hàn Quốc nghiên cứu sách giáo khoa. Ảnh Internet.

Phát miễn phí cho học sinh công lập

Tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục chỉ quản lý và giám sát tiêu chuẩn của chương trình học nhưng không biên soạn sách giáo khoa. Do đó, sách được các nhà xuất bản tư nhân biên soạn, dựa trên Tiêu chuẩn Cấp phép Sách giáo khoa và Chương trình học do Bộ quy định.

Nhà xuất bản tư nhân được phép lựa chọn đội ngũ tác giả, biên tập sách. Điều này đồng nghĩa có rất nhiều bộ sách giáo khoa do các nhà xuất bản khác nhau thực hiện dựa trên khung chương trình học của Bộ Giáo dục.

Sau khi hoàn thiện, nhà xuất bản sẽ nộp đơn xin cấp phép sách giáo khoa cho Hội đồng Nghiên cứu Cấp phép Sách giáo khoa, cơ quan tư vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhằm thẩm định chất lượng và nội dung sách. Ngoài ra, Hội đồng chuyên gia về sách giáo khoa thuộc Bộ Giáo dục sẽ tiến hành khảo sát sách.

Sách giáo khoa môn Tiếng Anh tại Nhật Bản. Ảnh Internet.

Sách giáo khoa môn Tiếng Anh tại Nhật Bản. Ảnh Internet.

Sau khi Hội đồng lập báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên ngành và học thuật, Bộ trưởng sẽ tiến hành thẩm tra và uỷ quyền xuất bản sách giáo khoa dựa trên báo cáo. Việc một cuốn sách có phù hợp trở thành sách giáo khoa hay không được đánh giá dựa trên các Tiêu chuẩn Cấp phép Sách giáo khoa.

Sách giáo khoa là bắt buộc và có nhiều bộ sách khác nhau. Do đó, cần phải lựa chọn một cuốn sách giáo khoa cho từng môn học trong số các đầu sách giáo khoa để sử dụng trong trường học.

Sách giáo khoa được phân phát miễn phí cho học sinh tại các trường công lập. Tại trường tư hoặc bán công, học sinh sẽ tự mua sách giáo khoa hoặc tiền sách được tính trong học phí. Vì vậy, học sinh có thể tự do sử dụng và ghi chú trong sách.

Hội đồng giáo dục địa phương có thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các trường công lập và hiệu trưởng các trường tư thục có thể chọn sách giáo khoa cho trường mình. Sau khi lựa chọn, các bên phải nộp báo cáo về Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Căn cứ vào số liệu báo cáo, Bộ Giáo dục sẽ ban hành hướng dẫn về danh mục và số lượng sách giáo khoa cho các nhà xuất bản tương ứng. Các nhà xuất bản sẽ in ấn sách và phân phối đến các trường học thông qua kênh phân phối.

Hàng năm, các nhà xuất bản thường cập nhật mới nội dung sách giáo khoa nên sách cũ chỉ mang tính chất tham khảo. Ngoài ra, từ năm 2024, Nhật Bản sẽ chuyển sang sử dụng sách giáo khoa kỹ thuật số trên toàn quốc. Môn học đầu tiên thay sách là Tiếng Anh dành cho học sinh lớp 5, 6 và THCS và Toán học.

Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất và Sức khoẻ tại Malaysia. Ảnh: The Star.

Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất và Sức khoẻ tại Malaysia. Ảnh: The Star.

Bám sát khung chương trình phổ thông

Còn tại Malaysia, sách giáo khoa là tài liệu học thiết yếu trong chương trình phổ thông, được xây dựng bám sát vào khung chương trình do Bộ Giáo dục nước này quy định.

Từ năm 2008, Malaysia thực hiện chương trình cho vay sách giáo khoa. Theo đó, sách được cấp miễn phí cho tất cả học sinh công lập. Học sinh các trường tư thục, quốc tế phải trả tiền mua sách giáo khoa và các tài liệu, công cụ học tập khác. Khoản phí này có thể lên đến 200 USD (khoảng 4,7 triệu đồng) mỗi năm tuỳ thuộc vào số lượng sách và bậc học.

Năm 1956, Bộ Giáo dục Malaysia thành lập Cơ quan Ngôn ngữ và Văn học (DBP), chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa cho bậc phổ thông. Thời điểm đó, Malaysia có ít nhà xuất bản tư nhân nên DBP chịu trách nhiệm xây dựng và biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, sau khi nền kinh tế phát triển, các nhà xuất bản tư nhân bắt đầu tham gia vào quá trình biên soạn.

Mỗi tổ biên soạn được thành lập từ nhóm giáo viên, giảng viên, chuyên gia giáo dục. Sách sau khi hoàn thành được gửi đến Ban Sách giáo khoa, thuộc Bộ Giáo dục Malaysia, để thẩm định, góp ý và phản biện. Bộ sách chỉ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra của Ban Sách giáo khoa và được người đứng đầu Bộ Giáo dục phê duyệt.

Ngoài ra, Ban Sách giáo khoa được giao nhiệm vụ kiểm soát chuẩn của sách; sử dụng sách trong nhà trường, giá và các nhà phân phối sách.

Sách học tiếng Hàn. Ảnh Internet.

Sách học tiếng Hàn. Ảnh Internet.

Tương tự Malaysia, sách giáo khoa là tài liệu quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông tại Hàn Quốc, được phát triển dựa trên cấu trúc của chương trình giáo dục quốc gia.

Sách giáo khoa được Bộ Giáo dục Hàn Quốc phê duyệt và chia thành ba nhóm. Một là sách do Bộ Giáo dục biên soạn và giữ bản quyền. Hai là sách do các nhà xuất bản tư nhân xuất bản được Bộ Giáo dục cấp phép. Cuối cùng là sách do Bộ Giáo dục công nhận là phù hợp hoặc hữu ích đối với chương trình học.

Các bộ sách giáo khoa được Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc, thuộc Bộ Giáo dục, thẩm định và đánh giá trước khi được phổ biến rộng rãi. Chính quyền địa phương sẽ lựa chọn sách giáo khoa từ các bộ sách được Bộ Giáo dục phê duyệt cho các trường công lập trên địa bàn. Trường tư, trường quốc tế có thể tự do lựa chọn sách phù hợp.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu chuyển đổi sách giáo khoa sang phiên bản kỹ thuật số từ năm 2015. Sách có thể được cài đặt trên máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại di động. Phòng học được trang bị WiFi để học sinh truy cập vào tài liệu học tập kỹ thuật số bất cứ lúc nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).