Các nhà thơ bàn cách… bán thơ

GD&TĐ - Kể cả là tự in nhưng sẵn sàng nói không với việc cho, tặng thơ... bởi không được để đứa con tinh thần 'mang nặng đẻ đau' bị coi thường, dè bỉu.

Các nhà thơ cùng bàn cách… bán thơ tại buổi giao lưu 'Thơ và xuất bản - những câu chuyện chưa kể'. Ảnh: Bình Thanh.
Các nhà thơ cùng bàn cách… bán thơ tại buổi giao lưu 'Thơ và xuất bản - những câu chuyện chưa kể'. Ảnh: Bình Thanh.

Từ quyết tâm ấy, trong buổi giao lưu “Thơ và xuất bản - những câu chuyện chưa kể”, nhóm nhà thơ, đơn vị liên kết xuất bản cùng bàn cách… bán thơ.

Dị ứng việc… tặng thơ

“Trong gần 20 năm hoạt động xuất bản, dù việc phát hành thơ rất khó khăn giữa thị trường sách ngày càng đa dạng, phong phú nhưng tôi vẫn rất kỳ vọng và hy vọng thời gian tới Tri Thức Trẻ Books sẽ có những sách thơ bán vài chục nghìn bản. Chúng ta phải có ước mơ như vậy, nó không xa thực tế đâu”, ông Đỗ Kim Cơ - Giám đốc Công ty TNHH Sách và Truyền thông – Tri Thức Trẻ Books gieo những hy vọng tươi mới.

Hẳn rằng, không ít người sẽ bật cười về sự “ảo mộng” của cuộc bàn bạc này. Có cơ sở lắm chứ. Chẳng phải, nhiều năm nay, người người nhà nhà kêu ca về sự “bội thực” thơ khiến cho thơ được đem cho, tặng ào ào và ít ai muốn nhận.

Dân gian còn đặt hò vè: “Gặp nhau tay bắt mừng/Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ…”. Vậy mà, hòa vào “Nhịp điệu mới” của thi ca, các nhà thơ: Phố Hoa, Băng Ngọc, Đào Phi Cường lại cùng với ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam - Tri Thức Trẻ Books, dám ngồi lại bàn cách… bán thơ!

Tác giả Phố Hoa bắt đầu sáng tác cách đây chừng 4 - 5 năm. Chị viết những câu thơ đầu tiên bằng bản năng cùng sự hối thúc của cảm xúc chảy trong huyết quản, chứ không phải là những gieo vần theo công thức niêm luật.

Thật mừng khi ngay từ tập thơ đầu tay “Hà Nội bốn mùa yêu”, Phố Hoa đã bán được bản quyền cho Tri Thức Trẻ Books. Năm 2018, ngay trong buổi ra mắt tập thơ, chị đã kết nối và bán được 200 cuốn, sau đó là 400 cuốn và đến giờ thì có thể chờ… tái bản.

“Tới đây, tôi sẽ tự chủ tự in tập mới và tiếp tục bán thơ. Tôi rất dị ứng với kiểu những người đã có quá trình hoạt động và thành tựu văn học đáng kể mà vẫn in thơ chỉ để tặng, cho…”, tác giả Phố Hoa bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến này, tác giả Băng Ngọc cũng chia sẻ chị đã tự in tập thơ đầu tay “Dấu vết thiên di” của mình vào năm 2019. Dù tác giả không quá đặt nặng việc bán thơ song cũng nhất định… không tặng, cho vì như thế “bạn bè sẽ không trân trọng”. Đến giờ, tập thơ đầu tay của Băng Ngọc cũng đã được bán hết.

Về cơ bản, khi thơ không còn được độc giả để tâm, nhiều đơn vị xuất bản chuyển việc in thơ sang dòng sách dịch vụ, tức là tác giả tự bỏ tiền ra in. Nhiều nhà sách không có chỗ xếp sách thơ, hoặc nếu có thì chỉ là sự trộn lẫn và lẩn khuất đâu đó. Nghĩa là, lâu nay thơ bị thờ ơ, “ghẻ lạnh” ngay từ các “bà đỡ” nên cơ hội để những tập thơ chất lượng đến được với bạn đọc thực sự có nhu cầu ngày càng hiếm hoi.

Vậy nên, chuyện để được bên xuất bản bỏ tiền mua bản quyền tập thơ của mình là rất khó, nếu như họ không nhìn thấy tiềm năng phát hành, chí ít… hòa vốn từ đó. Nhà thơ Đào Phi Cường, đồng quản trị Quán Chiêu Văn cho rằng, việc đưa thơ đến với bạn đọc là cả một con đường dài, nhọc nhằn.

“Nhưng, nếu có đam mê làm thơ thì các cây bút hãy mạnh dạn in ra và gửi đến các đơn vị xuất bản để được tư vấn. Giờ đây, xung quanh người viết còn có những diễn đàn văn học nghệ thuật như Quán Chiêu Văn, các báo, tạp chí văn nghệ… Trước khi chính thức xuất bản thành sách thì các tác phẩm được chọn đăng trên diễn đàn, báo, tạp chí… cũng là sự động viên, khuyến khích cho người viết”, ông Cường cổ vũ.

Thơ trừu tượng nên càng cần phải có nấc thang kiểm định cụ thể rõ ràng? (Trong ảnh: Trang thơ trong truyện thơ 'Động hoa vàng' của Phạm Thiên Thư). Ảnh: Bình Thanh.

Thơ trừu tượng nên càng cần phải có nấc thang kiểm định cụ thể rõ ràng? (Trong ảnh: Trang thơ trong truyện thơ 'Động hoa vàng' của Phạm Thiên Thư). Ảnh: Bình Thanh.

Bay bổng bằng đôi chân bước dưới đất!

“Việc tôi tham gia vào tọa đàm “Thơ và những chuyện chưa kể” là để đóng góp ý tưởng, cùng mọi người xây dựng cộng đồng liên quan đến thi ca chất lượng, không phải cộng đồng “tôi hát bạn nghe”. Thơ là cái gì đó rất lãng mạn, trừu tượng nhưng vì thế mà càng cần phải có nấc thang kiểm định cụ thể rõ ràng. Việc này nhà thơ không thể tự mình làm được nhưng có thể góp sức…”, tác giả Băng Ngọc nhấn mạnh.

Từ niềm tự hào về đứa con tinh thần đầu tay “mang nặng đẻ đau” may mắn được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, không bị ế ẩm, tác giả Phố Hoa chia sẻ rằng, nếu chỉ trên cương vị người viết thì chị chỉ ước được trải nghiệm cuộc sống, ấp ủ cảm xúc, nuôi dưỡng và thăng hoa, không phải nghĩ đến việc làm thế nào để in ấn, xuất bản và bán được tác phẩm.

Nhưng, ở cuộc sống này, mọi người phải năng động nên nhà thơ, nhà văn và các nghệ sĩ cũng cần vận động, linh hoạt để đứng được giữa vòng xoáy kinh tế thị trường. Khi viết thơ dù bay bổng, lãng mạn ở tầng nào đó thì “vẫn phải thực tế, chân đi trên mặt đất và luôn quan tâm đến việc bán hàng”, tác giả Phố Hoa lưu ý.

Có thể thấy, các trang mạng xã hội, như Facebook, Zalo là nơi dễ dàng gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ. Trước khi in thơ, tác giả cần chăm chỉ giới thiệu sáng tác mới trên các trang mạng xã hội (hiệu quả nhất là Facebook) và cầu thị lắng nghe những góp ý cũng như tinh tế nắm bắt xu hướng, mong muốn của độc giả để tự điều chỉnh, hoàn thiện.

Bằng việc chia sẻ, bình luận, trao đổi… tác giả đã cuốn độc giả vào thế giới thơ của mình để từ đó được yêu mến, đồng cảm và có nhu cầu thực sự với thi ca. Đến khi thơ được phát hành thì gần như đã có được một lượng độc giả đăng ký mua.

Cùng với đó, việc ra mắt tập thơ cũng rất quan trọng, vừa là cơ hội để tác giả và độc giả được gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện trực tiếp mà tỏ lòng, tỏ ý. Khi đã đạt được điều đó thì việc phát hành thơ không quá khó…

Theo tác giả Phố Hoa, dẫu biết rằng chặng đường bán… thơ rất dài và chưa bao giờ là dễ vì từ nguồn cảm xúc viết thành tác phẩm đã khó, lên được báo, in sách càng khó hơn, nhất là làm thế nào để sách đến được tay người có nhu cầu thực sự lại khó bội phần.

Bởi vậy, phòng marketing của nhà xuất bản, công ty sách vô cùng quan trọng, không thể thiếu, không có họ sách sẽ mãi ở trong kho. Cùng với đó, việc phát hành thơ còn cần được bắt đầu ngay từ chính mỗi người viết qua việc gieo dần sự cảm mến, tìm dần sự đồng cảm của độc giả xung quanh mình.

Ở tập thơ tới đây, tác giả Phố Hoa dự định sẽ tiếp tục chung tay với đơn vị phát hành bằng việc tận dụng mạng xã hội triệt để, không thể nào cứ rong chơi Facebook vô thưởng vô phạt... Như tập “Hà Nội bốn mùa yêu”, trước khi được ấn hành, tác giả đã truyền thông nhẹ nhàng đi đến trái tim của độc giả qua việc chia sẻ những bài thơ gợi cảm xúc cũng như đầu tư hình ảnh phục vụ cho nội dung tập thơ… Những hoạt động này sẽ dần thu hút sự quan tâm và cuốn độc giả vào guồng cảm xúc cho đến khi tập thơ được ra mắt.

“Mỗi tác giả cần đa di năng để đưa thơ đến với độc giả bằng đúng giá trị xứng đáng. Tôi đã bắt đầu từ Facebook rồi cuốn độc giả vào hành trình cảm xúc, đam mê của mình… Tất nhiên, phải được mọi người yêu thương, ủng hộ từ đó người yêu mến đặt mua ngay khi tập thơ ra mắt.

Sau đó, tôi tiếp tục cùng công ty tương tác, đăng bài giới thiệu nhẹ nhàng, lãng mạn, hiệu quả; tự tay ký sách và đóng gói gửi đi… Sự đồng hành này không những đem đến cho tôi niềm vui vì những đứa con tinh thần của mình được nhiều người quan tâm, đón đọc mà còn thêm “rủng rỉnh” với tiền bán bản quyền cùng chiết khấu phần trăm...”, tác giả Phố Hoa chia sẻ.

“Buôn có bạn, bán có phường”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ở góc độ là một người mưu sinh trong lĩnh vực marketing, tác giả Băng Ngọc cho rằng việc bán thơ từ sự ủng hộ của độc giả thân thiết là rất quý song chưa bền. Vậy nên, phải tạo dựng một cộng đồng quan tâm đến thơ như muôn mặt hàng khác.

Theo đó, nếu coi thơ là sản phẩm để làm truyền thông thì sản phẩm này cũng giống nhiều sản phẩm thiết thực khác trong đời sống như: Gạo dầu, mắm muối… Khi ấy, ngoài những yếu tố nhìn thấy để truyền thông về hình ảnh cùng các văn bản giới thiệu được gửi đến các đơn vị báo chí… còn cần một cơ sở dữ liệu về giá trị của tập thơ được xây dựng từ những tiêu chuẩn từ các đơn vị thẩm định, đánh giá.

Nội dung truyền thông không phải bịa ra mà phải trên cơ sở dữ liệu do một đơn vị đứng ra đảm bảo chất lượng. Có thể có tham vọng hơn khi hướng đến việc “buôn có bạn, bán có phường”, tạo ra cộng đồng có giá trị, chất lượng. Nếu xung quanh mình có nhiều nhà thơ và có nhiều người đọc thơ, bình thơ… thì tập thơ đó mới có cơ hội phát triển, còn nếu là một mình một cõi thì chỉ bán được ban đầu.

Theo quan sát của tác giả Băng Ngọc, thực tế hiện tại ở Việt Nam không có đơn vị, tổ chức cụ thể nào đánh giá, thẩm định giá trị của thơ. Nhà thơ tiếp cận với độc giả qua Facebook khá dễ nhưng các nhà bình thơ thực sự quan tâm, có khả năng, kiến thức, trình độ đánh giá thơ một cách cụ thể thì ít thấy họ tiếp cận với mạng xã hội, nên người đọc đang đi theo con đường không biết đâu mà lần.

Nếu chỉ dựa vào hình ảnh, một số thông tin về tác giả, có thể bán được đôi cuốn ban đầu vì sự ủng hộ của độc giả, người thân nhưng không phải là con đường lâu dài cho việc truyền thông cho thơ.

“Cách đây 4 năm khi xuất bản tập thơ “Dấu vết thiên di” tôi không quảng bá thơ của mình, đó là tự trọng của người làm thơ. Tuy nhiên, tôi không có nền tảng để làm truyền thông, dù là sản phẩm của mình nhưng cũng không thể bịa ra rằng nó giá trị thế nào. Vậy nên, cần phải có một nơi kiểm định, để bên marketting dựa vào đó lấy chất liệu làm truyền thông cho thơ”, tác giả Băng Ngọc nhấn mạnh.

Tán đồng với ý tưởng này, ông Đỗ Kim Cơ chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc lựa chọn bản thảo để mua bản quyền sao cho hiệu quả cũng chưa bao giờ dễ. Nhưng từ những tương tác với các tác giả mà đơn vị có thêm động lực để tiếp tục dấn thân.

Vì chính các tác giả sẽ gợi mở nhiều hướng liên kết phát hành mới. Chẳng hạn, có tác giả (mới là sinh viên đại học năm thứ 4) khi đưa bản thảo đến đã gợi ý rằng “trong thơ có họa, trong họa có nhạc”.

“Từ việc chúng tôi mua bản quyền thơ của tác giả nối tiếp đó là đơn vị sản xuất nhạc lại mua bản quyền từ chúng tôi. Đó là thêm cơ hội mới được mở ra cho tác giả thơ và cho cả chúng tôi. Cũng từ buổi trò chuyện này, tôi thấy sự gặp gỡ rất tự nhiên của các cô gái “bốn mùa hoa”, mong rằng tới đây sẽ có thêm cuốn thơ hay về Hà Nội”, ông Cơ bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.