Một ngày, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trầm tĩnh bày tỏ suy nghĩ của ông sau khi nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, bạn viết về hoạt động thiếu chuyên nghiệp của các câu lạc bộ thơ, trong đó có câu lạc bộ Văn chương thuộc quyền quản lý của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày khác, một nhà thơ ngạc nhiên thông tin về cuộc thi thơ “Tổ quốc gọi tên mình” lần thứ nhất năm 2022. Theo đó, các tác giả được giải hay có tác phẩm in sách đều phải chi trả một số tiền không nhỏ.
Rồi cũng một ngày nọ, một sự kiện chưa được cấp phép tổ chức bỗng diễn ra thật hoành tráng, tôn vinh nhân vật gắn với những thành tích những danh xưng lớn lao, khiến giới làm thơ trong nước ngỡ ngàng.
Từ khi việc in ấn trở nên dễ dàng, nhiều nhà xuất bản chủ yếu sống bằng việc cấp giấy phép, thì lượng thơ in hằng năm nhiều vô kể. Một người viết bình thường, thậm chí dưới mức bình thường, nếu có bản thảo, có nhu cầu, sẽ dễ dàng được cấp phép. Đó là chưa kể những hình thức in theo kiểu photocopy, truyền tay nhau.
Đa phần những cuốn sách đó dành để biếu, tặng, cho. Người tặng đầy hào hứng, tin tưởng. Người nhận thì hưởng ứng, khen ngợi theo kiểu “cho vừa lòng nhau”. Thơ in nhiều đến nỗi có người từng giễu nhại rằng làm thơ là tiếp tay cho phá rừng.
Đó là chưa kể thơ in báo giấy, thơ trên các trang web, blog. Nếu thơ không hay, kẻ làm thơ không thực tài, lại lạ lẫm thiếu mối thân quen thì muốn in một bài hay một chùm thơ - dẫu trên mạng ảo ảo thế thôi, thường cũng phải móc nối, “quan hệ” để được xuất hiện.
Cùng với “lạm phát” thơ, là hoạt động của các câu lạc bộ thơ, cấp phường xã có, cấp quận huyện có, cấp tỉnh thành phố cũng có. Khó có thể thống kê được cả nước có bao nhiêu câu lạc bộ.
Quan sát những ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời điểm trước dịch Covid-19, mới thấy độ phủ rộng của họ, quy mô nhỏ thì vài chục người, quy mô lớn lên đến hơn chục nghìn người.
Và điều đáng nói ở đây, là không ít cá nhân đã trục lợi dễ dàng từ chính các sinh hoạt thơ ấy, thu về số tiền lớn từ việc bình thơ, in thơ, lệ phí hội viên, mua bán giải thưởng, kỉ niệm chương…
Trong không khí sôi nổi của phong trào câu lạc bộ thơ, không ít người cảm thấy tự hào rằng “Việt Nam là cường quốc thơ ca”.
Cuộc sống có cần thơ không? Cần chứ. Luôn cần. Nhưng đó đúng là thơ, và thơ hay. Thơ nhàn nhạt vốn nhiều. Thơ dở còn nhiều hơn. Người đọc thơ, làm thơ phải có trình độ, thẩm mỹ. Ảo tưởng văn mình vợ người, thẩm bình tung hô lấy được sẽ đem về những rác phẩm.
Sự đào thải vốn rất nhanh chóng. Một nền văn hóa muốn phát triển cần luôn tỉnh thức với chính mình và hướng thượng. Thơ cũng vậy. Cần tinh chứ không cần nhiều. Cái tinh ấy đến từ thực tài và sẽ neo lại, ở một khoảnh khắc nào đó.