Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, tê tê là một trong những loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất tại châu Á, bởi thịt của nó được coi là món ngon giàu chất dinh dưỡng, trong khi vảy của tê tê thường được sử dụng trong y học cổ truyền.
Trong một tuyên bố trên trang web, Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc - tổ chức dẫn đầu nghiên cứu này, khẳng định, phát hiện mới này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc ngăn chặn và kiểm soát nguồn gốc của nCoV.
Dịch bệnh do virus corona gây ra được cho là xuất phát từ một khu chợ hải sản - nơi bày bán nhiều động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Các chuyên gia y tế nhận định, nCoV có thể có nguồn gốc từ dơi và được lây truyền sang người thông qua một loài khác. Theo hãng Tân Hoa Xã, trình tự bộ gen của chủng coronavirus mới được tách ra từ tê tê trong nghiên cứu giống 99% với người nhiễm bệnh. Do đó, nghiên cứu cho rằng, tê tê là vật chủ trung gian có khả năng cao nhất.
Tuy nhiên, theo ông Dirk Pfeiffer - giáo sư thú y tại Trường Đại học Thành phố Hồng Kông, nghiên cứu này vẫn chưa thể chứng minh được tê tê đã truyền nCoV cho con người.
"Bạn chỉ có thể đưa ra kết luận dứt khoát hơn nếu so sánh tỷ lệ hiện hành (của coronavirus) giữa các loài khác nhau dựa trên các mẫu thử", ông Pfeiffer nói.
Cũng theo vị giáo sư này, một mối liên hệ đến con người thông qua các thị trường thực phẩm vẫn cần phải được thiết lập.