Các nhà khoa học Việt nuôi tôm tít trong hộp tuần hoàn khép kín

GD&TĐ - Mô hình nuôi tôm tít tuần hoàn tránh được hoàn toàn các rủi ro thiên tai và tiết kiệm nước.

Mô hình nuôi tôm tít khép kín trong nhà cho hiệu quả cao.
Mô hình nuôi tôm tít khép kín trong nhà cho hiệu quả cao.

Chất lượng tôm thơm ngon, đặc biệt có thể nuôi ở nhiều quy mô, kể cả nhà ống, nhà đô thị.

Tiết kiệm nước, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết

Hầu hết tôm tít ở Việt Nam hiện nay được nuôi trong ao đất hoặc lồng lưới, gỗ nhựa… Ưu điểm của nuôi ao đất là tốn ít chi phí, nhưng lại khó kiểm soát chất lượng, dễ thất thoát, tôm đào hang nên khó thu hoạch. Ngược lại, nuôi tôm tít trong lồng tuy dễ chăm sóc và thu hoạch song chi phí đầu tư lại cao hơn ao đất.

“Thử nghiệm nuôi tôm tít Harpiosquilla harpax (de Haan, 1844) trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn tại TPHCM” được các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chủ trì thực hiện.

Chủ nhiệm nhóm, ThS Lê Ngọc Hạnh cho biết, nhóm đã tiến hành tính toán, thiết kế lắp đặt và vận hành hệ thống tuần hoàn nuôi tôm tít trong nhà. Mấu chốt công nghệ là hệ thống lọc tuần hoàn RAS. Đây là mô hình nuôi tuần hoàn thiết kế khép kín nhằm kiểm soát chặt chẽ môi trường các bể nuôi trong nhà.

Thành phần gồm hệ thống hộp nuôi, thiết bị lọc cơ học, thiết bị diệt khuẩn bằng tia UV, thiết bị khử CO2, thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy, thiết bị lọc sinh học và hệ thống giám sát.

Phần lọc cơ học có các lưới lọc để xử lý nước thải đầu vào (lọc chất thải trước khi lọc sinh học), còn chlorine chỉ được dùng để xử lý nước bên ngoài bể chứa (để diệt mầm bệnh), sau đó oxy hóa dư lượng rồi mới đưa vào hệ thống.

Mô hình hoạt động theo nguyên lý: Nước thải từ hệ thống nuôi sẽ được lọc qua trống lọc để loại bỏ chất thải rắn có kích thước lớn, sau đó đưa qua bể tách đạm để loại bỏ chất dầu mỡ từ thức ăn và các chất thải có kích thước nhỏ.

Hệ thống bể lọc sinh học có tác dụng loại bỏ các loại chất thải hoà tan (amoniac, nitrite) sinh ra từ sự bài tiết của tôm và phân huỷ từ phân hoặc thức ăn dư thừa.

Nước thải sau khi được làm sạch sẽ đưa qua hệ thống đèn UV diệt khuẩn, qua bồn trộn để làm tăng hàm lượng oxy cho nước trước khi cấp lại bể nuôi. Đây là quá trình xử lý sinh học rất hiệu quả và tái sử dụng trong thời gian dài, không phải dùng đến hóa chất.

Mô hình hệ thống nuôi tôm tít tuần hoàn được thiết kế để sản xuất 200 - 300kg tôm tít thương phẩm, trọng lượng trung bình từ 250g trở lên, với khẩu phần ăn 5 %/ngày tổng lượng thức ăn tối đa 10 kg/ngày.

Có thể nuôi trong khu đô thị

Ở quy mô thử nghiệm, nuôi tôm tít trong hộp bằng công nghệ nuôi tuần hoàn cho hiệu quả kinh tế 12,1 triệu đồng/1.000 con/vụ. Tôm tít tăng trưởng tốt trong hệ thống RAS với thức ăn là cá nục trong chu kỳ 120 ngày nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm (>150 g/con).

Tốc độ tăng trưởng đặc trưng (DWG) đạt 0,76 g/ngày, tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) đạt 1,0 %/ngày. Tỷ lệ sống của tôm tít nuôi trong hệ thống RAS đạt 83,4%, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) 23,29.

Trong quá trình nuôi thí nghiệm, cơ sở sản xuất đã sử dụng 20m3 nước biển cho cả vụ nuôi 120 ngày. Sản lượng tôm tít thu hoạch được 130,9kg. Tính toán lượng nước sử dụng trong vụ nuôi là 152,8 lít/kg tôm.

ThS Lê Ngọc Hạnh cho biết, công nghệ nuôi tôm tít trong hệ thống tuần hoàn, hạn chế thay nước, không sử dụng các loại hóa chất độc hại và các loại kháng sinh.

Hệ thống nuôi không có bùn đáy nên chất lượng tôm thương phẩm thơm ngon, màu sắc tươi sáng, được thị trường ưa chuộng. Kết quả phân tích các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm trong tôm tít thương phẩm đạt 100%, theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Hệ thống được thiết kế linh hoạt, có thể đặt hệ thống lọc âm dưới đất hoặc nổi trên sân thượng, sàn nhà. Theo nhóm tác giả, mô hình nuôi tôm tít trong hộp bằng hệ thống tuần hoàn có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng hệ thống này vào trong lòng khu đô thị, khu dân cư tạo ra sản phẩm tươi sống chất lượng cao phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Nuôi tôm tít trong nhà đơn giản, dễ áp dụng, vừa giảm thiểu rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tôm tít có thể thu hoạch bằng cách bỏ từng con vào ống nilon, cấp oxy là có thể vận chuyển đi xa mà vẫn duy trì tỉ lệ sống cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ