Các nhà khoa học hiến kế phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Ngày 27-9, hàng trăm nhà khoa học có uy tính và tâm huyết trong nước và quốc tế đã tề tựu về “Hội nghị Diên Hồng” để cùng hiến kế cho sự phát triển của vùng đất "chín rồng" trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt.

Cần có quy hoạch lại đồng bộ, tích hợp và đổi mới từ tư duy đến mô hình sản xuất để phát triển ĐBSCL
Cần có quy hoạch lại đồng bộ, tích hợp và đổi mới từ tư duy đến mô hình sản xuất để phát triển ĐBSCL

Đổi mới từ tư duy đến mô hình

Theo TS Hoàng Ngọc Phong, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng ĐBSCL đóng góp 18% GDP, với 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và gần 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL đạt được trong thời gian qua rất to lớn, nhưng đang phải trả giá cho những hệ lụy từ khai thác của con người và những quy hoạch đi ngược lại tự nhiên. Cho nên, trong tình hình mới đòi hỏi phải thích ứng chuyển đổi mô hình kinh tế, tìm hướng cho ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững nhưng vẫn thích ứng với biến đổi khí hậu.

GS, TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp vùng ĐBSCL chỉ ra những bất cập hiện nay, như: Nhà nước hầu hết chỉ đầu tư tổ chức sản xuất nông nghiệp cho cây lúa. Từ hệ thống thủy lợi dẫn ngọt và ngăn mặn, không màng gì đến phí tổn rất cao của Nhà nước mà không hiệu quả kinh tế và thiệt hại về lợi tức của nông dân trồng lúa.

“Nông dân phần lớn sản xuất lúa theo quán tính, chỉ lúa và lúa vì Nhà nước tổ chức hạ tầng để trồng lúa. Trong khi diện tích thì nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, kỹ thuật không phù hợp trong thời biến đổi khí hậu. Một số ít nông dân trồng cây ăn quả, nuôi tôm, cá nhưng cũng là tự phát, kỹ thuật cũng tự phát, không thân thiện môi trường, không được hệ thống nhà nước đầu tư vì trái chủ trương an ninh lương thực”, Giáo sư Xuân thẳng thắn.

Trong khi đó, TS Cao Thăng Bình, Chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới tiếp tục chỉ ra những vấn đề nội tại trong sự phát triển của ĐBSCL. Ông Bình đưa ra một kết quả khảo sát: để sản xuất được một 1kg lúa, người nông dân phải sử dụng từ 1.000-1.400 lít nước.

“Như vậy toàn vùng ĐBSCL sản xuất 45 triệu tấn lúa thì cần phải có bao nhiêu nước? Một con số rất khủng khiếp. Nhưng chúng ta lấy nước sạch sản xuất lúa rồi thải ra môi trường nước có phân bón, thuốc trừ sâu. Cho nên chuyện ô nhiễm môi trường nước không có gì là ngạc nhiên”, ông Bình nêu thực trạng.

Vị chuyên viên của Ngân hàng thế giới tiếp tục đưa ra kết quả khảo sát rằng, ĐBSCL bón phân vừa phải, sử dụng thuốc trừ sâu hợp lý thì mỗi năm tiết kiệm khoảng 700 triệu USD.

“Trong khi mỗi năm chúng ta đi vay một dự án vài trăm triệu USD, nhưng chúng ta lại lãng phí như thế. Còn thủy sản, chúng ta tăng sản lượng đánh bắt khai thác từ vài trăm nghìn tấn đến 2,5 triệu tấn/năm, nhưng chúng ta không có phương tiện bảo quản sau thu hoạch nên thất thoát rất lớn. Mỗi 1kg lãng phí 1 USD thì tính ra đến hàng tỷ USD”, ông Bình dẫn chứng.

Quy hoạch tích hợp, thuận tự nhiên

GS, TS Võ Tòng Xuân nêu thực trạng trong quy hoạch nông nghiệp thường là duy ý chí, thay vì theo nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất đồng bộ theo chuỗi giá trị.

“Do đó, bản đồ quy hoạch thường là để trang trí cho đẹp hơn là để sử dụng. Nhược điểm của chúng ta là quy hoạch từng ngành riêng lẻ, không tích hợp đồng bộ, ngành nào cũng quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất. Rất tốn kém, nhưng cuối cùng vẫn khó, không thực hiện được. Cần có một “chỉ huy” tài giỏi điều khiển cho hài hòa, tích hợp, “chỉ huy” kém sẽ làm cho kết quả tổng hợp mạnh ai nấy làm, không đi tới đâu”, GS Xuân chỉ rõ.

TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, trong nền kinh tế hội nhập có cạnh tranh thì phải tập trung cho chất lượng. Chất lượng sản phẩm là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, trong đó tạo ra sản phẩm hàng hóa đó.

Từ lâu lắm, người dân đã truyền miệng “Cần Thơ gạo trắng nước trong”, cái đó là thương hiệu dân gian. Nhưng cũng phải hiểu rằng cả trăm năm trước, người ta đã định hình nên những vùng sản xuất hàng hóa mà không thể nhầm lẫn được ở nơi nào khác. Đó là cái độc đáo nhất của ĐBSCL.

“Bấy lâu nay, chúng ta cào bằng và chạy theo số lượng, bỏ quên những tính đặc biệt đó. Thí dụ, chúng ta không xây dựng nên vùng gạo thơm Nàng hương Chợ Đào chẳng hạn, thì đó là khuyết điểm của mình. Lúa có thể trồng được bất cứ nơi nào, nhưng để có chất lượng gạo thơm như vậy thì không phải nơi nào cũng trồng được. Như vậy chúng ta phải quy hoạch lại, mà là quy hoạch thuận theo tự nhiên. Tự nhiên đã cho mình những vùng đất đặc biệt như vậy, và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc biệt như vậy thì chúng ta phải coi nó là thế mạnh. Dứt khoát phải làm được chuyện đó nếu muốn cạnh tranh toàn cầu”, TS Dương Văn Ni lý giải.

Theo NDĐT

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ