Nhận diện đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, khóm Bến Lức, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi Bình Minh... là đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, những địa phương khác cũng có dạng tương tự. Nếu bạn muốn thưởng thức nó, cách chọn như thế nào?

Nhận diện đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long

Vị ngon sinh ra từ vùng đất... xấu!

Ai cũng hình dung về châu thổ sông Cửu Long như một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ vào loại nhất nước. Thế nhưng, đặc sản lại được trồng ở những vùng đất... xấu!

Chợ Đào thực ra là chợ Cầu Đào thuộc xã Mỹ Lệ. Nơi ấy còn ấp Rạch Đào. Rạch Đào là đoạn rạch cong queo nối từ kinh Xóm Bồ, bắt nguồn từ xã Long Cang, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, chảy ra biển Cần Giờ. Con rạch ấy trước kia không thông nhau, người dân khai thông nối liền, vì thế vùng đất này chỉ có 2 ấp Cầu Đào và Rạch Chùa khoảng 400 hecta, là nơi giáp nước giữa nước mặn và nước cỏ (nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng) của sông Vàm Cỏ Đông.

Khóm, ngon nhứt là khóm Lương Hòa, Bến Lức, Long An. Nhì là khóm Cầu Đúc, Tân Hiệp, Kiên Giang. Ba, khóm Tân Phước, Tiền Giang. Tất cả đều trồng ở vùng phèn nặng.

 Vú sữa Lò rèn

Vú sữa Vĩnh Kim lại sinh ra ở vùng đất Sầm Giang máu lửa. Lính Sài Gòn xưa còn truyền miệng câu ca dao: “Sầm Giang đi dễ, khó về / Khi đi xe thép, khi về xe cây”. Đó là vùng đất Rạch Gầm xưa, quê hương của Tả quân Lê Văn Duyệt, của Lê Thị Hồng Gấm thuộc các xã: Vĩnh Kim, Long Hưng, Bàn Long, Kim Sơn, Song Thuận, Phú Phong, Đông Hòa, Bình Trưng của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đó là cây vú sữa của ông Hồ Quang Lễ, thợ rèn, nên có tên vú sữa Lò rèn, chọn ra được từ giống vú sữa vàng vào 1932. Kỳ lạ là ngoài vùng này thì vú sữa không ngon bằng. Nhưng đó không phải là vùng đất tốt, mà là vùng đất Ba Giồng, một địa danh thời Nguyễn.

 Cuống xoài cát Hòa Lộc hình chân vạc

Xoài cát Hòa Lộc có quê hương ở làng Hòa Lộc xưa, nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Giống xoài này chỉ ngon trong vùng “thánh địa” có bán kính 1km, nếu lấy đình Hòa Lộc làm tâm, giữa hai con rạch Ông Bầu và Hòa Lộc, như hai cánh tay từ sông Tiền ôm vào vùng đất máu lửa qua hai cuộc kháng chiến này.

Cây cam sành Tam Bình, Vĩnh Long lại thích vùng “đất sét gan rùa”, vùng đất xấu nhất của Vĩnh Long, cách xa hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, nơi giáp nước, nơi vùng căn cứ kháng chiến cũ.

Cây bưởi Năm roi thích vùng đất máu lửa Mỹ Hòa, Bình Minh.

Nhận diện đặc sản

Lão nông 84 tuổi, ông Võ Văn Chuẩn, ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ kể tôi nghe vanh vách những giống lúa ngon thời kỳ xa xưa “gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”, nào là giống Cà Đung cả chục giống, nào lúa thơm, lúa sóc ngắn ngày và cây lúa Nàng Thơm được lựa ra từ lúa thơm nhỏ. Ông buồn buồn: “Bây giờ người ta làm đê bao ngọt hóa, nước mặn không lên, nước bạc không về, bón phân hóa học nhiều, gạo không còn ngon như xưa!”.

Vậy gạo Nàng Thơm Chợ Đào trên đường quốc lộ người ta bày bán như mê hồn trận thì như thế nào? Ông Chuẩn nói: “Người ta bày bán phần lớn là Nàng Thơm đột biến, sạ trong 3 tháng. Bây giờ đâu đâu người ta cũng trồng giống này, mà gán tên Chợ Đào thì oan quá. Đúng giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào thì thời gian sinh trưởng 6 tháng, hạt gạo nhỏ, suôn, có eo phía dưới, nhân đục, đưa ra nắng có màu hồng gọi là hạt lựu. Khi nấu rất thơm, cơm dẻo, không nở, để nguội vẫn thơm. Ngay cả Nàng Thơm Chợ Đào thứ thiệt, nếu lúc thu hoạch còn nước ninh trong ruộng, không chắc nước cho khô trước 20 ngày thì gạo cũng không có hạt lựu”.

Anh Nguyễn Văn Thơm, ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức cho biết: Khóm Bến Lức hình tháp, đầu nhỏ, ruột vàng, chín rất thơm, vị ngọt thanh.

Anh Nguyễn Văn Việt, chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Vĩnh Kim nói về đặc điểm trái vú sữa Lò rèn: “Trái chín bóng lưỡng, màu vàng pha sắc hồng óng ánh. Vỏ rất mỏng, có thể lột mà ăn như chuối, thịt ngọt, béo.”

Anh Ba Cò “chuyên gia” xoài cát Hòa Lộc ở xã Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang đưa ra 5 đặc điểm nhận dạng trái xoài cát Hòa Lộc “chính hiệu”: Một là, trái hình dạng thuỷ động học (như giọt nước mưa); hai là, cuống trái nhô lên ba gân hình chân vạc, có vòng đen nhạt quanh cuống; ba là từ phía dưới lên 2cm có một cái rốn (xoài khác không có); bốn là, vỏ khi trái già có lớp phấn trắng bao quanh, lúc gần chín vỏ ngả màu lòng đỏ trứng gà, có thâm kim “trứng rệp”, vỏ rất mỏng; năm là, cơm không xơ, hạt lép (15% thể tích trái).

Nếu xoài cát Hòa Lộc trồng ở vùng đất khác sẽ không có đủ 5 đặc điểm nêu trên!

Anh Lưu Quang Sang, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đưa ra nhận dạng của bưởi Năm roi Bình Minh: Về hình thức, trái có hình dạng quả lê, vỏ màu vàng sáng, lột tróc sạch, không dính, múi không có hạt, màu múi bưởi vàng rượm có pha chút xanh nhạt; Về chất lượng: độ rít (đường) 9-12%, tép no bóng, ăn giòn, hậu hơi chua.

Bưởi Năm Roi

Bưởi Năm Roi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ