Cắc Kéng - Nhịp điệu của ấm no

GD&TĐ - Tiết trời se lạnh cũng là lúc người dân xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên (Yên Bái) bước vào mùa mừng cơm mới (Khẩu Mảu). Những ngày này, bản làng vui như hội khi đâu đâu cũng vang vọng tiếng chày, tiếng cối giã cốm, tiếng trò chuyện râm ran. Tất cả những âm thanh đó tạo nên nhịp điệu Cắc Kéng rộn rã chỉ nơi đây mới có.

Giã cốm đã tạo nên nhịp điệu Cắc Kéng rộn rã. 	 Ảnh: T.G
Giã cốm đã tạo nên nhịp điệu Cắc Kéng rộn rã. Ảnh: T.G

Nhịp điệu giã cốm

Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Tày đã đi vào tiềm thức của người dân. Từ tấm bé, lũ trẻ được ông bà, cha mẹ kể cho nghe về sự tích ngày lễ này. Như một sự trao truyền, gửi gắm quá khứ vào hiện tại, tùy vào độ tuổi, lũ trẻ được giao công việc cụ thể trong ngày cả làng bản cùng Cắc Kéng (giã cốm).

Bà Quốc Thị Sỉnh, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên cho biết: Theo phong tục, khi lúa nếp vừa hết mầm sữa, người dân đi gặt về, đem sấy. Lúa sấy xong mang đi giã thành cốm và tạo nên nhịp điệu Cắc Kéng rộn ràng từ nhà này sang nhà khác. Mọi người trong làng cùng nhau giã cốm rồi chung tay làm vài mâm cơm cho lễ mừng cơm mới, cúng ông bà tổ tiên.

Cốm được làm từ thứ nếp cái hoa vàng được chính người dân gieo trồng trên mảnh ruộng quê mình. Giống nếp cái hoa vàng dẻo, thơm và có vị đậm đà đặc trưng riêng, đặc biệt ngon khi được đồ xôi hoặc làm cốm.

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, để làm ra những mẻ cốm dẻo, thơm ngon, đậm hương vị tiết trời thu, quan trọng nhất là khâu chọn thóc. Thóc nếp để làm cốm phải được làm từ giống nếp cái, đặc sản của địa phương, hạt mẩy, to, dài, vừa cô đọng sữa thì hạt cốm mới xanh, mịn, có độ dẻo và giữ được hương vị.

Thóc nếp non đang vào sữa gặt về còn ướt sương đêm được đem đi tuốt. Công đoạn tiếp theo là đãi hạt lép, để ráo rồi cho vào chảo rang. Đây là công đoạn gần như quyết định chất lượng của cốm, bởi lẽ, nếu rang già lửa cốm sẽ cháy, rang non lửa thì sẽ không thành cốm.

Từ những hạt cốm xanh, dẻo, người dân nơi đây tiến hành chế biến thành nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực riêng của người Tày. Thông thường, hạt cốm tươi dùng làm món tráng miệng ăn kèm với chuối chín.

Cốm xanh dẻo thơm quyện với hương vị ngọt ngào của chuối ngự cuối thu khiến cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Cốm tươi còn được nấu với nước luộc vịt, cho một thứ cháo sánh, ăn vừa thơm mát lại vừa ngậy. Cũng những hạt cốm tươi ấy, đem rang lên cho phồng, ăn vào giòn tan thơm ngọt. Rồi còn cả món cốm đồ xôi, gói lá dong xanh, để cả ngày vẫn dẻo thơm hương vị núi ngàn.

Nhìn chung, các món ăn chế biến từ hạt cốm xanh rất đặc biệt và chỉ có nếm thử mới cảm nhận hết vị thơm ngon và sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Tày ở vùng đất Lục Yên này. Có lẽ vậy mà cốm Khánh Thiện được người dân địa phương chọn làm món quà vừa dân dã vừa ngon để đem đi biếu bạn bè, người thân như một chút gợi nhớ về mùa thu với hương cốm mới.

Việc lựa chọn lúa nếp để làm cốm cũng rất tỉ mỉ
 Việc lựa chọn lúa nếp để làm cốm cũng rất tỉ mỉ

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Khi xưa cứ vào độ tháng 9, tháng 10 âm lịch, cả làng lại rộn lên tiếng cối, tiếng chày giã cốm. Hình ảnh các thiếu nữ, các mẹ, các bà cùng nhau giã cốm và tiếng chày, tiếng cối tạo thành một nhịp điệu rộn rã được người dân bản địa gọi là Cắc Kéng, để tạ ơn trời đất, mừng một mùa màng tươi tốt, bội thu.

Trải qua thời gian, Cắc Kéng trở thành một loại hình nghệ thuật cộng đồng của đồng bào Tày, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, trở thành điệu múa, đi vào câu khắp, câu cọi.

Tháng 9 mùa cốm non

Tháng 10 mùa cốm già

Em ra đồng gặt lúa

Anh lấy đòn đi gánh

Cùng nhau mang lúa về

Cối giã cốm có chiều dài khoảng 2 mét được đục từ thân của một cây gỗ cứng, lớn để tạo âm thanh vang. Chày giã có chiều dài khoảng 1,5 mét được làm bằng cây gỗ chắc, to bằng cổ tay, vừa tay người nắm. Khi giã mọi người đứng hai bên, có một người đứng đầu cối để làm cái. Khi giã phải đều tay, tạo nhịp đều, rộn rã.

Ông Dương Văn Giờ - xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên cho biết thêm: Giã cốm không chỉ để làm ra một món ăn mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh. Bởi sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa, đồng bào nơi đây muốn có hạt cốm thơm, dẻo để dâng lên tiên tổ, cầu mong trời đất luôn mưa thuận gió hòa, giúp người nông dân gặp nhiều may mắn trong lao động, sản xuất. Chính vì thế, nhịp Cắc Kéng cũng rất mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện sự vui mừng, phấn khởi.

Hiện nay, xã Khánh Thiện vẫn giữ được nghề làm cốm nhưng các công đoạn thủ công như giã, rang cốm được thay bằng máy móc giúp rút ngắn thời gian và công sức nhưng các mẻ cốm làm ra vẫn giữ được hương cốm thơm phức, ngào ngạt, đậm đà như tình cảm người dân dồn vào từng mẻ cốm.

Để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu những nét đẹp trong truyền thống, Cắc Kéng vẫn được người dân xã Khánh Thiện tái hiện trong những dịp lễ, tết, đặc biệt trong lễ mừng cơm mới. Để từ đó, nhịp điệu Cắc Kéng - nhịp điệu của sự no ấm, tốt tươi vẫn được vang lên khắp các bản làng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.