Trung Quốc
Tết cổ truyền của người Trung Quốc cũng giống như Tết ở Việt Nam, được tổ chức theo Âm lịch. Đây là dịp để các gia đình sum họp, chia tay năm cũ và đón năm mới. Trẻ con được nhận lì xì đỏ từ người lớn với những lời chúc sức khỏe, ngoan ngoãn, gặp nhiều may mắn.
Tùy theo truyền thống vùng miền, nhưng trong mâm cỗ Tết của người Trung Quốc thường không thể thiếu các món như sủi cảo, há cảo, salad cá (Yusheng), gà Kung Pao, vịt quay, thịt lợn chua ngọt, chả giò...
Ngoài ra, bánh tổ cũng là một món không thể bỏ qua khi tới mỗi gia đình Trung Quốc. Đây là loại bánh được làm từ gạo nếp loại tốt, dẻo và thơm, đường bát được thắng kỹ, loại bỏ hết tạp chất và bỏ ít gừng tươi để tạo hương vị.
Singapore
Dịp Tết Nguyên đán, mâm cỗ của người dân Singapore tập hợp rất nhiều món ăn truyền thống, giàu ý nghĩa dành cho gia đình, trong đó đặc biệt phải nhắc đến Yu Sheng, món gỏi làm từ 27 nguyên liệu như cá hồi, các loại rau, củ, nhiều loại nước sốt và gia vị. Mỗi thành phần đều chứa đựng ý nghĩa tốt lành như cá biểu trưng cho sự phồn vinh, cà rốt mang lại vận đỏ, củ cải xanh cho tuổi thọ, củ cải trắng chứa ý nghĩa về sự thăng tiến…
Món thịt khô Bak Kwa dùng để ăn chơi rất phổ biến tại Singapore và cũng được xem là ẩm thực truyền thống trong ngày Tết. Món ăn vặt này mang màu đỏ và được gói bằng loại giấy cũng màu đỏ để biểu trưng cho sự may mắn.
Xuất phát từ văn hóa Trung Hoa, món mì trường thọ nổi tiếng cũng được yêu chuộng tại Singapore trong năm mới với mong ước người ăn sẽ sống lâu và luôn khỏe mạnh. Món mì trường thọ phù hợp với cả gia đình, đặc biệt dành cho đấng sinh thành để thể hiện lòng hiếu thảo của con cái.
Hàn Quốc
Người Hàn Quốc cũng đón Tết dương lịch và Tết âm lịch cổ truyền (Seollal) như ở Việt Nam. Tết truyền thống Hàn thường kéo dài trong 3 ngày: Ngày 30 Tết, mùng 1 và mùng 2 Tết. Trong những ngày này, mọi người mặc những bộ hanbok (trang phục truyền thống), hành lễ trước tổ tiên, người lớn tuổi trong gia đình. Mọi người thường tụ tập ở nhà người trưởng nam, chuẩn bị sẵn một chiếc bàn thấp, trên đó đặt tờ sớ và nhiều món ăn theo nghi lễ.
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món canh bánh gạo (tteokguk) và món cay kim chi. Ngoài ra còn có các món khác như cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.
Món canh tteokguk được chế biến đơn giản với nước canh và bánh gạo thái mỏng. Nó là món ăn mang lại may mắn và đánh dấu một năm qua đi với người dân xứ sở kim chi.
Mông Cổ
Tết âm lịch tại Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar, kéo dài từ mùng 1 đến mùng 3 âm lịch. Mỗi gia đình phải chuẩn bị hàng trăm chiếc bánh nhân thịt cừu gọi là buuz, một món ăn truyền thống dịp năm mới.
Với người Mông Cổ, cừu là loài vật quan trọng nhất vì đây là nguồn lương thực chính của họ. Vì vậy vào những ngày này mọi người sẽ chúc nhau câu: "Chúc đàn cừu nhà anh ngày càng to béo". Trong bữa cơm mừng năm mới không thể thiếu thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa...
Món rượu sữa ngựa lên men cũng là một trong những món không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông Cổ.