“Con em 8 tháng, em rất muốn thử áp dụng các phương pháp để cho con tự ngủ nhưng không dám để con khóc vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Tuy vậy, em cũng không muốn con em phụ thuộc vào mẹ. Giờ, cứ phải mẹ bế ru thì con mới ngủ. Em nên làm gì bây giờ?”.
Đó là câu hỏi chắc sẽ trùng với thắc mắc của rất nhiều bà mẹ khác. Những bà mẹ luôn băn khoăn liệu mình có đang làm điều tốt nhất cho con hay không?
Khi em bé khóc có nghĩa là bé muốn nói “Mẹ ơi mẹ giúp con với". Bé ướt, nóng, nếp nhăn trên quần áo làm bé khó chịu, đói, mơ ác mộng, con gì đốt, không yên tâm vì không thấy mẹ... Ngôn ngữ giao tiếp của bé khi chưa biết nói là tiếng khóc.
Khi bé khóc mẹ không đáp lại sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về cảm xúc, về lòng tin của bé với mọi người xung quanh, về sự phát triển ngôn ngữ vì bé nói mà không có ai nghe thì sau này bé học nói để làm gì.
Thế nên khi bé khóc, việc của bố mẹ là kiểm tra xem có chuyện gì, đôi khi bé cần nghe giọng nói của mẹ, cần nghe nhịp tim của mẹ để cảm thấy yên tâm. Đó là những nhu cầu chính đáng của một em bé. Nhất là những em bé mẹ chọn ngày sinh mổ vì bé chưa chuẩn bị sẵn sàng để ra ngoài thế giới mà bị can thiệp đột ngột và bị tách ra khỏi mẹ ngoài ý muốn.
Ở hầu hết các nước phát triển, học phí nhà trẻ bằng thu nhập của một người đi làm, do đó các mẹ thường chọn ở nhà chăm con hoặc đi làm nửa ngày. Như thế có nghĩa là em bé đã được chơi với mẹ, nói chuyện với mẹ, được mẹ chăm sóc, vuốt ve, âu yếm, nựng nịu. Bé yên tâm là mẹ luôn ở đó khi mình cần.
Ở Việt Nam đó là một điều chẳng mấy bà mẹ và em bé được hưởng nên việc chiều con, yêu con, dành hết thời gian một hai tiếng buổi tối với con một cách khoa học để bù đắp tình cảm thiếu hụt cả ngày là chuyện nên làm, nhất là với những bà mẹ đến bảy giờ tối mới về được đến nhà.
Trẻ có thể tự ngủ không cần ai giúp không? Câu trả lời là có. Mọi em bé mới sinh ra ở bất cứ góc nào trên trái đất này đều giống nhau. Tất cả các em bé sẽ có nếp ăn, ngủ, đi vệ sinh giống nhau. Đói thì khóc báo cho mẹ biết. Mệt thì lăn ra ngủ. Khi đầy thì xả. Đó là bản năng.
Vừa mới ra đời, mọi thứ xung quanh đều mới mẻ, cái gì cũng phải học, bé tự thu thập thông tin, lắng nghe mọi âm thanh, quan sát mọi thứ trong môi trường, cảm nhận các sắc thái tình cảm của mọi người xung quanh... khi thấy đã đủ và mệt, bé tự ngủ để xử lý thông tin, lưu lại vào vùng trí nhớ dài hạn. Ngay từ khi mới ra đời, bé đã biết tự học và tự dừng lại khi học đủ. Bé hoàn toàn có thể tự ngủ không cần trợ giúp.
Vậy làm thế nào để bố mẹ duy trì thói quen tự ngủ cho bé?
Luôn để bé tự đi ngủ và tự dậy ngay từ khi mới ra đời. Không bao giờ được ép bé đi ngủ theo giờ của người lớn, hay đánh thức một em bé đang ngủ dậy để làm việc này việc kia theo lịch dù ở độ tuổi nào.
Khi bé ngủ có nghĩa là cơ thể bé cần được nghỉ ngơi. Nếu bạn phải đánh thức con dậy vào buổi sáng để đi nhà trẻ có nghĩa là bé đã không ngủ đủ số giờ cần thiết. Bố mẹ nên thay đổi lịch sinh hoạt để bé đi ngủ sớm hơn vào buổi tối. Chỉ khi bé ngủ đủ, tự dậy, bé mới có thể bắt đầu ngày mới bằng một nụ cười và cả ngày vui vẻ.
Hình thành nếp sinh hoạt khoa học ngay từ khi bé mới ra đời: ngày nào cũng dành thời gian cho bé tắm, mát xa toàn thân nhẹ nhàng, mặc đồ thoải mái, bú mẹ, vệ sinh răng miệng, đọc truyện hay hát ru, thơm con chúc ngủ ngon rồi đặt con vào nôi để bé tự đi ngủ. Tryptophan có trong sữa mẹ, giọng hát ru, đọc truyện êm êm của mẹ sẽ giúp bé chìm vào giấc ngủ.
Bố mẹ có thể tự đặt ra nguyên tắc cho mình, mỗi ngày đọc truyện cho con trong bao lâu? Bố đọc hay mẹ đọc? Nếu mẹ đã dành nhiều thời gian cho con vào ban ngày, bố nên dành thời gian cho con vào buổi tối.
Các ông bố nên dành thời gian chăm sóc con hơn để tạo sợi dây liên kết tình cảm. Và khi đã giao cho bố việc gì thì bố sẽ luôn làm việc đó hằng ngày để hình thành tính trật tự cho bé. Thế là sau một thời gian nhìn thấy bố, bé đã đoán trước được chuyện gì sắp xảy ra tiếp theo.
Giúp bé thiết lập đồng hồ sinh học 24 giờ. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi những thứ không nhìn thấy nhiều hơn những thứ có nhìn thấy nên cần tuân theo các quy luật tự nhiên. Khi mặt trời mọc kéo rèm để ánh sáng tự nhiên vào nhà cho bé tự dậy, mẹ để bé tham gia vào mọi việc cùng mình và khi mặt trời lặn, bé đi ngủ.
Thế nên, ban ngày khi bé ngủ không nên che rèm tối mịt vì bé sẽ không nhận biết được đâu là ban ngày ban đêm. Khi bé khóc giữa đêm, chỉ nên bật đèn ngủ, hạn chế di chuyển bé, kiểm tra xem bé có ổn không, nói chuyện thì thầm với bé, bé vẫn khóc, chạm tay vào tay bé, chỉ sau khi thử mọi thứ mà bé vẫn khóc thì mới ôm bé cho bú. Bé bú no đặt lại bé vào giường của mình để bé tự ngủ lại.
Nếu áp dụng phương pháp Montessori, sáu tuần đầu em bé sơ sinh sẽ ngủ trong nôi để cạnh giường mẹ để có cảm giác được ôm như khi trong bụng mẹ.
Sau đó bé sẽ ngủ một mình trên một cái đệm kê dưới sàn nhà trong phòng mình để bé khi lớn hơn một chút, bé buồn ngủ thì tự bò lên giường ngủ, thức dậy thì tự bò đi khám phá mọi thứ xung quanh mình. Trong phòng sẽ có một cái ghế bành thoải mái nơi mẹ ngồi cho con bú, ôm con vào lòng nói chuyện, đọc sách cho con nghe, cùng lắng nghe một bản nhạc...
Mẹ sẽ chỉ cho con bú ở cái ghế đó, những khoảnh khắc đó chỉ là của riêng hai mẹ con. Mẹ không bao giờ nằm lên giường con. Nếu bé không có phòng riêng, bé vẫn nên có một cái đệm riêng cho mình với một cái giá thấp để một vài món đồ chơi để khi thức dậy bé có thể tự do chọn cái mình muốn học.
Nếu bạn đã không áp dụng được những gợi ý trên từ khi bé mới ra đời và bây giờ muốn giúp bé không phụ thuộc vào bất cứ ai hay cái gì thì cần giúp con loại bỏ các phản xạ có điều kiện như cho ngậm ti, ôm bé rung, xoa lưng, ngậm ti giả, bế ru đi vòng vòng quanh nhà....
Khi bạn định thay đổi bất cứ cái gì, cần chuẩn bị cho bé bằng việc nói chuyện với bé. “Con yêu, từ hôm nay trở đi mẹ sẽ không ôm con đi vòng quanh nhà ru nữa. Mẹ sẽ hát ru con khi con nằm trên giường nhé! Khi đi ngủ mình nằm trên giường con à. Giường của con êm thế này cơ mà”. Và bạn ru con, kể chuyện cho con nghe, thơm chúc con ngủ ngon rồi đứng dậy đi ra khỏi phòng.
Nếu bé khóc, đi vào, nói chuyện nhẹ nhàng với bé, bé nín, đóng cửa đi ra. Làm thế cho đến khi bé không khóc nữa và tự ngủ. Nhưng thường thì sau khi được hát ru, âu yếm vỗ về bé đã chìm vào giấc ngủ khi mẹ vẫn còn đang hát.
Chẳng phải đó là một cách đi ngủ tuyệt vời với mọi em bé hay sao? Một em bé lớn lên với những trải nghiệm yêu thương như vậy hằng ngày sẽ là một em bé luôn tự tin và hạnh phúc.
Hãy nhớ bạn cần kiên nhẫn. Thay đổi một thói quen sẽ mất thời gian nhưng đừng bao giờ quên từ khi sinh ra bé đã biết tự ngủ không cần ai, không cần cái gì trợ giúp. Và nếu bạn làm được như thế bé sẽ luôn tự lập, bố mẹ có nhiều thời gian cho nhau hơn, cuộc sống gia đình sẽ cân bằng và hạnh phúc hơn.
Vì con là quan trọng nhưng bạn cũng quan trọng không kém. Chỉ khi bạn hạnh phúc, vui vẻ, bạn mới kiên nhẫn hơn với con và giúp con tốt hơn.