Hải Dương là địa phương tiêm chủng vaccine COVID-19 đầu tiên cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong sáng nay 8/3.
Mỗi điểm tiêm chỉ tiêm dưới 100 người/buổi tiêm chủng để thực hiện đầy đủ các bước khám sàng lọc, hỏi tiền sử, người có sốt, ho sẽ tạm hoãn đợi buổi tiêm kế tiếp.
Tại Hà Nội, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết sáng 8/3 sẽ có 100 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19.
Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Buổi tiêm dự kiến bắt đầu diễn ra từ 8h tại cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) của Bệnh viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn sẽ trực tiếp có mặt giám sát buổi tiêm.
Theo Quyết định số 1469 QĐ-BYT ngày 6/3 về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 được phân bổ 450 liều vaccine AstraZeneca.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sẽ là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 trong đợt này.
Theo đó, sẽ có hơn 900 nhân viên y tế của bệnh viện, là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ. Dự kiến 900 người này thuộc 7 nhóm đối tượng của Bệnh viện sẽ được tiêm vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca trong 1 tuần. Tuỳ tiến độ, dự kiến trong ngày 8/3 sẽ có khoảng 100 nhân viên Bệnh viện sẽ tiêm.
7 nhóm đối tượng bao gồm: đội ngũ y, bác sĩ Khoa nhiễm D, Khoa cấp cứu, Khoa khám bệnh, Phòng công tác xã hội, Phòng xét nghiệm sinh học phân tử, Phòng hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban giám đốc bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, vốn là nơi thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa cho người dân, do đó quy trình tổ chức tiêm vaccine tại đây được đánh giá đảm bảo, bởi có nhân sự giàu kinh nghiệm; có các phác đồ chống sốc cùng các trang thiết bị để hồi sức.
Trước khi tiêm vaccine, ban giám đốc bệnh viện đã có các "kịch bản" và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.
Trong buổi tiên ngày 8/3, bệnh viện sẽ bố trí 3 bàn tiêm tại Phòng Tiêm chủng, Trung Tâm Phòng chống dịch của bệnh viện.
Buổi tiêm sáng 8/3 tại Bệnh viện này sẽ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã gửi Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP.HCM kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn. TP.HCM hiện không có ổ dịch trong cộng đồng nên không xác định địa bàn ưu tiên tiêm chủng.
TP.HCM xác định có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trong đợt đầu tiên này với 44.175 người, bao gồm: 285 nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện; 388 thành viên tổ truy vết; 1.362 nhân viên tham gia điều tra dịch tễ; 600 người thuộc lực lượng quân đội; 1.042 công an; 38.000 người tổ COVID-19 cộng đồng; 1.710 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; 513 nhân viên khu cách ly tập trung; 275 cán bộ trực tiếp tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tỉnh Hải Dương sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở 2 địa điểm trong ngày 8/3 trước. Sau đó sẽ triển khai tiêm ở các địa phương khác.
2 điểm tiêm là ở Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành. Sau đó sẽ triển khai ra toàn tỉnh.
Dự kiến, trong đợt đầu tiên Hải Dương sẽ có khoảng 40.000 người được tiêm vaccine ngừa COVID-19
Theo kế hoạch, tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành sẽ có 30 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, con số này ở Trung tâm Y tế TP Hải Dương là 50 người.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ trực tiếp giám sát buổi tiêm này.
Cũng theo Quyết định số 1469, tại Hải Dương có 5 đơn vị được phân bổ nguồn vaccine AstraZeneca với tổng cộng 33.000 liều.
Trong đó Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương được phân bổ 32.000 liều vaccine; Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương 300; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 được phân bổ 500; Trung tâm Y tế TP Chí Linh 100 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương được phân bổ 100 liều.
Trước đó, ngày 5/3, Sở Y tế Hải Dương có công văn yêu cầu bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị địa điểm, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo nghiêm quy trình tiêm chủng như: khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm, thực hiện tiêm chủng theo đúng quy định.
Ngoài ra, phải theo dõi sát sao quá trình tiêm chủng, ít nhất là 30 phút sau khi tiêm và hướng dẫn người được tiêm tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm.
Các đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ thuốc, các trang thiết bị sẵn sàng cấp cứu nếu xảy ra các phản ứng sau tiêm. Mỗi đơn vị phải cử ít nhất một tổ cấp cứu lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có kinh nghiệm và xe cứu thương, thuốc, phương tiện để cấp cứu, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong tình huống khẩn cấp.
Sở Y tế Hải Dương cũng yêu cầu các đơn vị khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine phải thực hiện đúng các bước theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời thành lập các tổ giám sát, kiểm tra sát sao quá trình tiêm chủng tại địa phương. Riêng bệnh viện đa khoa tỉnh, ngoài việc thực hiện nghiêm các yêu cầu trên phải chuẩn bị ít nhất 5 giường bệnh để kịp thời cấp cứu, điều trị kịp thời cho các trường hợp không may sốc phản vệ sau tiêm.