Tranh cãi về nội dung đoạn video ông Ngô Đức Vượng đăng trên youtube về sữa bò

GD&TĐ - Một đoạn video clip được được đăng tải trên mạng xã hội Youtube có tiêu đề “Uống sữa bò, nên hay không?” có hàng nghìn lượt xem gây tranh cãi.

Một đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội Youtube có tiêu đề “Uống sữa bò, nên hay không?” có hơn 1.200 lượt xem. Theo hình ảnh đoạn video giới thiệu một người đàn ông là tiến sĩ Ngô Đức Vượng làm diễn giả về vấn đề nêu trên.

Đoạn video ông Ngô Đức Vượng đăng tải trên youtube về sữa bò gây tranh cãi. Ảnh chụp màn hình youtube.
Đoạn video ông Ngô Đức Vượng đăng tải trên youtube về sữa bò gây tranh cãi. Ảnh chụp màn hình youtube.

Trong đoạn video, ông Vượng cho rằng, canxi trong sữa bò nhiều là do tạo hóa cho sữa bò nhiều canxi để cho các con bò con có đôi chân cứng cáp để trốn chạy kẻ thù, khỏi sự nguy hiểm, bởi nếu chúng có đôi chân yếu chỉ nằm một chỗ thì sẽ bị loài khác ăn thịt. Trong sữa người có phốt pho đi vào não làm cho não con người thông minh lên, trong sữa bò hoàn toàn không có phốt pho.

Cũng theo lời ông Vượng: "Vì vậy, tôi đã hàng nghìn lần khuyên mọi người chớ có dại dột cho con mình ăn uống sữa bò. Cho chúng ăn sữa bò là đã biến đứa con thân yêu của mình trở thành cùng mẹ khác cha với con bò. Và chắc chắn trong sữa bò không có phốt pho như thế thì nó sẽ ngu thôi không có gì là lạ cả. Trẻ con ăn sữa bò thì sẽ sớm biết đi như con bò, nhưng lại chậm biết nói vì thần kinh không phát triển."

"Nhân tướng học đã nói, đứa trẻ nào biết biết đi trước khi biết nói nay mai sẽ chỉ làm tay sai cho người khác. Trái lại, đứa trẻ nào biết nói trước khi biết đi có nghĩa trí tuệ nó phát triển hơn, nay mai sẽ đi chỉ huy, điều khiển người khác.

Có muốn đứa con thân yêu của mình thành một nô lệ cho kẻ khác thì hãy cho nó ăn nhiều sữa bò vào" - ông Vượng nói trong đoạn video.

"Ngoài ra, để có sữa bò người ta phải tiêm chất kích dục cho con bò nó luôn luôn mang bầu quanh năm ngày tháng mới có sữa. Thứ hai, phải tiêm thuốc kích thích ra sữa. Thứ 3 phải nhốt không cho nó hoạt động, khi nó vùng vẫy thì phải tiêm thuốc an thần cho con bò nó ì ra. Những dư chất ấy đều vào sữa. Và đã làm biến đổi sinh lý của người ăn rất nhiều đặc biệt là giới nữ. Người ta thấy có những cháu gái 1 tuổi đã bắt đầu phát dục, 3 tuổi đầu vú đã to bằng đầu vú của đứa trẻ 14-15 tuổi,...” - ông Ngô Đức Vượng tiếp tục nói.

Ngay dưới phần bình luận của đoạn vieo, đã có rất nhiều người bày tỏ quan điểm, ý kiến trái chiều về vấn đề ông Ngô Đức Vượng đưa ra. Bên cạnh ý kiến đồng tình là rất nhiều cư dân mạng bày tỏ sự không đồng tình, cho rằng phát biểu của ông không dựa trên cơ sở khoa học, hay được kiểm chứng nào cả.

"Chúng ta vẫn luôn tin và cho rằng sữa tốt nhất cho trẻ là sữa mẹ, Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ chết hoặc không không có khả năng cho con bú hoặc không muốn cho con bú, thì giải pháp được đưa ra là sử dụng sữa của các động vật có vú khác. Điều này gây tranh cãi khiến một số người nghi ngờ về sức khỏe của chúng. Tuy nhiên, cần có cơ sở khoa học cụ thể, không phán theo góc nhìn cá nhân lại khiến mọi người tẩy chay các sản phẩm từ sữa";

“Uống sữa bò có lợi hay hại là đề tài gây nhiều tranh cãi với nhiều kết quả nghiên cứu trái ngược nhau, không phải nghiên cứu nào cũng có giá trị như nhau. Tuy nhiên, một số người vin vào đó, tranh cãi tới mức cực đoan, tôi không ủng hộ những điều ông nói”;

“Ông nói theo kiểu học 1 biết 1 hoàn toàn không có tư duy biện chứng khoa học. Cách ông nói hoàn toàn trái ngược thực tế, chẳng lẽ cả thế giới này uống sữa bò đều ngu hết? Hãy nhìn phương tây họ uống sữa mấy trăm năm rồi và trình độ của họ như thế nào?”;

“Đây chỉ là người đem kiến thức chắp vá của mình để mà nói chuyện như dân dã”, "Ông nói và đăng tải video trên mạng xã hội có nghĩa bất kì ai cũng có thể tiếp cận được lời nói của ông nhưng những lời nói đưa ra lại chỉ là lời chủ quan, một phía, rất nguy hiểm nếu người dân u mê tin theo";

“Thật phản khoa học, nói hoàn toàn dựa trên suy luận, là tiến sĩ đứng trước hàng trăm người dân, đăng video cho cộng đồng xem thì cần phải có những phát ngôn dựa trên kết quả của nghiên cứu khoa học từ các chuyên gia. Đề nghị cơ quan chức năng, các chuyên gia Ngành Y vào cuộc để làm rõ thực hư, tránh gây hoang mang trong dư luận”.... là hàng loạt những bình luận phản bác lại những điều mà ông Vượng nêu ra trong đoạn video như đề cập ở trên.

Tranh cãi về nội dung đoạn video ông Ngô Đức Vượng đăng trên youtube về sữa bò ảnh 2

Không chỉ có đoạn video gây bất ngờ về sữa, khi gõ tìm kiếm trên youtube còn ra rất nhiều đoạn video ông Ngô Đức Vượng nói chuyện với vai trò là diễn giả về dinh dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh ung thư,...

Cụ thể với các tiêu đề gây tò mò, thu hút sự chú ý như “Lương y Ngô Đức Vượng: Nhịn đói chữa tất cả các loại bệnh ung thư”; “Tiến sĩ, lương y Quốc Gia Ngô Đức Vượng tư vấn, chia sẻ kiến thức về bệnh u bướu, ung thư”; “Lương y Ngô Đức Vượng chia sẻ bí quyết ấn 5 huyệt quan trọng 15 phút mỗi ngày để trẻ lâu, mắt sáng, đẹp da”;...

Khi gõ tìm kiếm “tiến sĩ lương y Ngô Đức Vượng” trên google chỉ trong vòng 0,43 giây đã ra 385 nghìn kết quả cho thấy ông Ngô Đức Vượng có rất nhiều bài viết, từ khóa liên quan đến từ nhiều nguồn khác nhau như Youtube, facebook,...

Đáng chú ý, trên các trang mạng xã hội cái tên Ngô Đức Vượng đều được gắn trước đó là “lương y”, tuy nhiên, chưa có tài liệu nào, cơ sở nào cho thấy ông Ngô Đức Vượng được cấp giấy chứng nhận được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận là lương y.

Tranh cãi về nội dung đoạn video ông Ngô Đức Vượng đăng trên youtube về sữa bò ảnh 3

Ông Ngô Đức Vượng là ai?

Ông Ngô Đức Vượng được biết đến là người bị ung thư đại tràng nhưng đã tự chữa khỏi bệnh cho mình bằng cách nhịn ăn kết hợp phương pháp thực dưỡng Ohsawa. Sau 4 tháng sức khỏe của ông đã hoàn toàn khỏe mạnh. Ông cũng được biết đến là người thường khám bệnh miễn phí cho người nghèo, thường tổ chức những buổi thuyết trình phổ biến trong cộng đồng về thực dưỡng theo nguyên lý âm dương, xây dựng nền văn hóa sức khỏe, chữa bệnh ung thư, hiếm muộn,...

Được biết, ông Ngô Đức Vượng, sinh năm 1941, quê quán tại Hải Hậu-Nam Định. Ông từng là nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc và tốt nghiệp Tiến Sĩ Sinh học tại đây. Ông từng có thời gian gần 5 năm làm giảng viên tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội. Và sau đó chuyển sang phụ trách khoa sinh tại Đại học Đà Lạt.

Từ năm 1992 đến nay ông nghỉ hưu, nghiên cứu khoa học và viết sách.

Thành tựu đạt được trong sự nghiệp của ông nổi bật là soạn 4 giáo trình và chuyên đề giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông cũng đã xuất bản rất nhiều cuốn sách viết về tôn giáo, vũ trụ, năng lượng sinh học, các vấn đề về tinh thần, tiêu biểu như cuốn: Minh triết trong ăn uống của phương Đông; Tôn giáo và đời sống; Con người và năng lượng sinh học; Lắng nghe sự sống; Suy ngẫm cuộc đời,…

Đáng chú ý, trong đó cuốn “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” được rất nhiều người biết đến. Đây là tác phẩm tiêu biểu của ông Ngô Đức Vượng bàn về vấn đề ẩm thực giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là chống lại căn bệnh ung thư. Sách đã được tái bản lần thứ 6, với những phát hiện mới về mặt khoa học liên quan đến văn hóa ẩm thực phương Đông.

Ông Ngô Đức Vượng thời điểm bị Sở Y tế Đồng Nai phạt vì khám chữa bệnh không phép. Ảnh: Báo Phụ nữ TP.HCM
Ông Ngô Đức Vượng thời điểm bị Sở Y tế Đồng Nai phạt vì khám chữa bệnh không phép. Ảnh: Báo Phụ nữ TP.HCM

Ông từng mở phòng Chẩn trị y học cổ truyền-phục hồi chức năng Thiên Phước, tổ chức khám cho nhiều người tại khu nghỉ dưỡng Thiên Phước. Vào hồi tháng 4/2019, Sở Y tế Đồng Nai đã tiến hành xử phạt 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của ông Ngô Đức Vượng là hoạt động không phép tại khu nghỉ dưỡng của Trung tâm sinh thái Phước Thiền (địa chỉ: Khu B, số 199, ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Việc khám chữa bệnh không phép của ông Ngô Đức Vượng xảy ra trước đó khi ông Vượng dùng một vài loại cây cỏ pha chế thành bột và cho bệnh nhân uống, hoặc truyền dung dịch cà phê qua đường hậu môn của bệnh nhân, thu chi phí mỗi bệnh nhân từ vài đến chục triệu đồng.

Đáng chú ý, ông Vượng còn “nổ” chữa được mọi thứ bệnh, chữa cả bệnh vô sinh, hiếm muộn. kể cả ung thư,.. khiến tình trạng có nhiều bệnh nhân bỏ điều trị ở bệnh viện để tìm đến chữa trị. 

Thời điểm đó, khi được một phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM thắc mắc với phương pháp chữa ung thư hiệu quả như ông Vượng nói, sao không phổ biến rộng rãi cho mọi người biết và bản thân có cơ hội đạt giải Nobel? 

Ông Vượng đã nói: “Tôi còn lạ gì về giải Nobel. Cứ đọc quyển sách “Thế nào là văn hóa sức khỏe” của tôi, trong đó, tôi dành nhiều chương giải nghĩa về giải Nobel này. Tôi bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, nặng đến nỗi, trong y văn của thế giới không có trường hợp nào chữa được. Hơn 20 năm trước, tôi nhịn ăn và dùng ý chí để tự chữa bệnh cho mình. Người bình thường không thể làm như tôi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.