Lý do dịch bệnh lây lan mạnh tại Hải Dương

GD&TĐ - Dịch bệnh tại Hải Dương được cho là đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nếu lơ là, dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào bởi Covid-19 vẫn đang “ẩn mình”.

Phun khử khuẩn xe chở bệnh nhân Covid-19 tại Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Phun khử khuẩn xe chở bệnh nhân Covid-19 tại Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Chống dịch tại nơi làm việc

UBND tỉnh Hải Dương quyết định kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 3/3. Đồng thời, bỏ lệnh phong tỏa đối với thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Tỉnh Hải Dương cũng sẽ chuyển sang một trạng thái mới - vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và Kim Thành sẽ thực hiện Chỉ thị số 15 đến ngày 17/3. Các huyện còn lại thực hiện cơ bản theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng đến khi dập dịch hoàn toàn. Các xã, khu, điểm dân cư đang thực hiện quyết định phong tỏa tiếp tục thực hiện đến khi có quyết định kết thúc phong tỏa.

Những ngày qua, Hải Dương vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đa số ca bệnh mới tại Hải Dương đều nằm trong số F1 đã được cách ly tập trung.

Do đó, Hải Dương cần rà soát tất cả khu cách ly tập trung, đặc biệt là khu cách ly F1. Đồng thời, tuân thủ các quy định để tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly.

Thứ trưởng đề nghị, những trường hợp F2 không chấp hành quy định cần được đưa đi cách ly tập trung và xử lý theo Nghị định 117 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Tình hình dịch tại Hải Dương được cho có nhiều điểm khác biệt khi xuất hiện chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh. Trong khi đó, ổ dịch bùng phát tại khu công nghiệp với hơn 2.000 công nhân. Dịch bệnh dù đã “thầm lặng” nhen nhóm từ lâu, nhưng không được phát hiện và bùng phát vào dịp Tết Nguyên đán, khiến việc kiểm soát khó khăn hơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong đợt dịch ở Hải Dương lần này, ca bệnh xuất hiện đầu tiên là một công nhân tại khu công nghiệp Chí Linh. Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế nhận thấy, ngoài việc tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch bệnh ở cộng đồng, cần đôn đốc công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực công nhân viên chức, người lao động tại nơi làm việc.

Hiện tại, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với các biến thể mới, mức độ lây nhiễm cao, nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.

Do đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý nghiêm túc, thực hiện quyết định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 về ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”. Đặc biệt chỉ đạo công cụ đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người lao động thực hiện yêu cầu “5K” trong phòng, chống dịch (khẩu trang, khử khuẩn, không tập hợp, khoảng cách, khai báo y tế).

Yêu cầu người lao động cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone và thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả. Qua đó, giúp cảnh báo sớm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm, người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Thói quen khiến lây lan dịch bệnh

Mới đây, tại buổi khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Ngoại trừ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương vẫn xuất hiện một số ca mắc mới. Việt Nam đã kiểm soát với tinh thần thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng, triển khai các biện pháp cấp bách.
Cũng trong tháng 2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xuất ngân sách Nhà nước để nhập vắc-xin. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “vắc-xin + 5K” để ngăn chặn hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng Sự kiện Y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương đã được kiểm soát.

Song, chuyên gia này nhấn mạnh, Hải Dương cần đánh giá nguy cơ dịch bệnh theo từng địa bàn cấp huyện, thành phố, thị xã. Thậm chí là từng xã, phường để đưa ra quyết định hợp lý. Nơi có nguy cơ cao cần tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, hoặc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để bảo đảm mục tiêu kép.

Nhận xét về tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cảnh báo, Covid-19 vẫn còn “ẩn mình”. Do đó, nếu lơ là, dịch bệnh sẽ trở lại. Nếu phòng chống tốt, cuộc sống sẽ quay về bình thường mới. Tuy nhiên, nếu không, sẽ rất khó để có thể bình thường trở lại.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) nhận định, dịch bệnh bùng phát mạnh tại Hải Dương có thể do các hoạt động tụ tập đông người của người dân nơi đây. Đặc biệt, bao gồm những thói quen không phù hợp với quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, bác sĩ Phúc cho rằng, thói quen sinh hoạt của người dân tại đây là điều đáng lo ngại hơn cả, bao gồm: Thổi thức ăn bón cho trẻ, tụ tập... Bên cạnh đó, bác sĩ Phúc cho rằng, năng lực của hệ thống y tế địa phương còn yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.