Các đề tài cuộc thi Khoa học kỹ thuật ngày càng đi vào chiều sâu

GD&TĐ - Được đánh giá là cuộc thi gia tăng hẳn về chất lượng và số lượng các đề tài tham gia, cũng như có nhiều nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia cho học sinh trung học 2017-2018 khu vực phía Nam đang tạo được tiếng vang lớn. 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT

Trước sức hút mạnh mẽ của cuộc thi với xã hội và bậc phụ huynh, Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với  PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, Ủy viên thường trực cuộc thi.

PV: Ông có nhận xét thế nào về các dự án tham gia cuộc thi năm nay?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Các dự án tham gia cuộc thi năm nay tăng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng dự án thi cấp tỉnh đều tăng, có tỉnh tăng 150-200 dự án, số lượng nhân lên với 63 tỉnh thành tính trung bình khoảng 5000 dự án. Trong đó, số lượng của các nhóm lĩnh vực có sự dịch chuyển.

Cụ thể, số lượng dự án liên quan đến công nghệ thông tin, phần mềm hệ thống; hệ thống nhúng; robot và các máy thông minh tăng lên nhiều so với năm trước. Toàn quốc có 488 dự án đã có tới 94 dự án thuộc 3 lĩnh vực trên. Điều này thể hiện sự bắt nhịp với công nghiệp 4.0 của học sinh.

Các nhóm lĩnh vực khác giao động lên xuống nhưng nhìn chung là tương đối ổn định. Năm nay có đến 30 dự án thuộc lĩnh vực này. Con số này cho thấy sự quan tâm đến khoa học sức khỏe của chúng ta ngày càng lớn.

Trong nhóm y sinh và khoa học sức khỏe lại có nhiều nhóm khai thác các nguồn dược liệu của địa phương. Điều đó chứng tỏ học sinh đã biết nghiên cứu các loại cây trồng tại địa phương để chiết xuất thành các chất phục vụ cho sức khỏe con người.

PV: Chất lượng các đề tài nghiên cứu của các em thế nào?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Về chất lượng, nhiều dự án nghiên cứu của học sinh năm nay được đánh giá cao khi các em đã biết thu hẹp được phạm vi nghiên cứu để xác định được những vấn đề cụ thể hơn, giải quyết những vấn đề sát với thực tiễn cuộc sống.

Ví dụ, nhóm đề tài ứng dụng công nghệ thông tin, robot, máy thông minh… có nhiều dự án tập trung vào việc chế tạo những công cụ hỗ trợ đời sống của con người như: hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ lao động, sản xuất, giải quyết các vấn đề môi trường...

Còn các nhóm đề tài y sinh và khoa học sức khỏe thì hướng tới việc tìm kiếm phương pháp phòng, chữa bệnh từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, gắn với địa phương nơi học sinh sinh sống. Với các đề tài xã hội hành vi, năm nay các em đã tập trung khai thác nhiều vấn đề gắn liền với lứa tuổi của học sinh, trong nhà trường...

Học sinh trao đổi và tìm tòi các sáng kiến phát minh của nhau tại cuộc thi
Học sinh trao đổi và tìm tòi các sáng kiến phát minh của nhau tại cuộc thi

PV: Phương pháp trển khai ý tưởng và nghiên cứu của các em ông đánh giá thế nào?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Tôi nhận thấy, do cuộc thi được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc phát động cuộc thi sớm, gắn với các kế hoạch được triển khai sớm từ Bộ GD&ĐT đến địa phương đã giúp học sinh áp dụng tốt hơn phương pháp nghiên cứu khoa học. Từ việc lựa chọn vấn đề, đề xuất giải pháp và thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề đã thể hiện sự tiến bộ đáng kể so với những năm trước.

Nếu như những năm trước đây, khi trình bày báo cáo nghiên cứu, các em còn chủ yếu tập trung vào trình bày việc “thi công” thí nghiệm, hay chế tạo thiết bị mà chưa làm rõ việc “thiết kế”  thí nghiệm cần làm hoặc mô hình thiết bị cần chế tạo… thì năm nay điều đó đã được cải thiện đáng kể. Nhiều dự án đã tập trung thoả đáng vào khâu “thiết kế” trước khi “thi công”.

Nhờ đó, năm nay các thiết bị được chế tạo phần nhiều là các “mẫu” để minh chứng cho tính khả thi của ý tưởng nghiên cứu mà không thấy xuất hiện những thiết bị “đồ sộ” chở đến dự thi như những năm trước.

Các hình ảnh, số liệu được thu thập và trình bày trên các poster cũng thể hiện tính chuyên nghiệp hơn, trích dẫn rõ ràng, khoa học hơn. Học sinh đã biết phân biệt rõ hai việc, việc gì mình làm, việc gì máy móc làm và chuyên gia hỗ trợ theo đúng quy chế của cuộc thi.

PV: Bên cạnh những dự án được đánh giá cao, cuộc thi còn nhiều dự án chưa đạt được những tiêu chí như mong muốn không thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Vẫn còn một số dự án  chưa biết cách trình bày các poster tốt. Một số poster khi trình bày lên vẫn còn nhiều chữ, số thì không rõ được phần kế hoạch và phương pháp nghiên cứu. Ngoài ra, cũng có dự án vẫn dành nhiều không gian để viết tính mới của đề tài một cách chủ quan theo nhận định của người làm. Đặc biệt, nhiều kết luận của một số dự án khi đọc lên chưa được khách quan…

PV: Có luồng dư luận cho rằng học sinh THCS còn quá nhỏ so với tầm vóc của cuộc thi, cách tiếp cận kiến thức lý thuyết đến đề tài vẫn còn mơ hồ, ông nhìn nhận sao về ý kiến này?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Thực tế, chúng tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi đại loại như: học sinh lớp 8, 9 thi đấu với lớp 10, 11, 12 thì công bằng không? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin nhắc lại tiêu chí đánh giá dự án dự thi như sau: Câu hỏi nghiên cứu/vấn đề cần giải quyết/ 10 điểm; Kế hoạch và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm; Thực hiện kế hoạch nghiên cứu: 20 điểm; Tính sáng tạo: 20 điểm; Trình bày poster: 10 điểm; Phỏng vấn: 25 điểm.

Tôi nhắc lại điều này để thấy rằng các tiêu chi đó không phân biệt lứa tuổi học sinh. Bởi vấn đề nghiên cứu là do học sinh xác định, phù hợp và vừa sức với chính các em và dự án sẽ được đánh giá dựa trên tính phù hợp và vừa sức đó. Qua đó, đánh giá đúng năng lực nghiên cứu khoa học, thể hiện ở sự đóng góp của học sinh vào dụ án nghiên cứu của mình.

PV: Có thể đề tài sẽ không liên quan đến lứa tuổi nhưng sẽ liên quan đến kiến thức được học trong nhà trường, ông nghĩ sao về điều này? Ban tổ chức cuộc thi có cách nào để hạn chế việc học sinh sử dụng các đề tài của thầy cô và bố mẹ để đi thi?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Một ý tưởng bao giờ cũng xuất phát từ cơ sở khoa học. Tiêu chí đánh giá dự án của chúng ta không chỉ căn cứ vào sản phẩm cuối cùng mà từ các sản phẩm đó để đánh giá năng lực nghiên cứu của học sinh, sự tham gia vào quá trình nghiên cứu của học sinh.

Vì vậy, mỗi vấn đề nghiên cứu, quá trình nghiên cứu sẽ tương xứng với kiến thức nghiên cứu mà học sinh đó có. Phải nhấn mạnh rằng, kiến thức học sinh đó có không có nghĩa là kiến thức mà lớp của học sinh đó đang học.

Thực tế, ngay cả học sinh lớp 11, 12 để làm đề tài thì thậm chí kiến thức phải cao hơn nữa, quan trọng từ vấn đề học sinh phát hiện ra cần tiếp tục đi sâu và cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học đồng hành, hỗ trợ. Mỗi dự án đều có một người hướng dẫn khoa học.

Hai học sinh Trường THCS Sơn Hải, thuộc xã đảo Sơn Hải, tỉnh Kiên Giang trước đề tài nghiên cứu của mình
Hai học sinh Trường THCS Sơn Hải, thuộc xã đảo Sơn Hải, tỉnh Kiên Giang trước đề tài nghiên cứu của mình

PV: Mỗi một cuộc thi đều có thể có nguy cơ có sự vay mượn ý tưởng, Ban tổ chức cuộc thi có cách nào để hạn chế việc học sinh sử dụng các đề tài của thầy cô và bố mẹ để đi thi?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Tại cuộc thi và trong cách chấm thi, Ban giám khảo chúng tôi quan tâm đến việc học sinh tham gia vào nghiên cứu khoa học đến đâu?. Học sinh trả lời tại sao lại nghĩ như thế?, tại sao lại chọn như thế?, hạn chế ở đâu. Trong nhiều cách để giải quyết hạn chế, vì sao học sinh chọn cách này mà không chọn cách kia….

Đây là những nội dung mà học sinh không thực sự làm sẽ không trả lời được. Tiếp theo, việc thiết kế các kế hoạch nghiên cứu, học sinh phải lý giải được tại sao lại làm bước này trước, bước kia sau. Qua các bước sàng lọc cơ bản như vậy chúng tôi sẽ lựa chọn được những học sinh nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

PV: Chương trình giáo dục hiện nay đang gắn với kiến thức nhiều hơn là thực tiễn, điều này gây khó khăn gì cho hoạt động nghiên cứu khoa học Bộ GD&ĐT có giải pháp nào để khắc phục vấn đề này?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành: Học sinh nghiên cứu khoa học bao giờ cũng gắn với những hình thức dạy học trong nhà trường. Bộ GD&ĐT đã đặt ra mục tiêu phát triển giáo dục năng lực phẩm chất học sinh. Câu hỏi học sinh chúng ta có năng lực không? Có nhưng chưa như mong muốn. Để học sinh có năng lực thì phải đổi mới phương pháp và tổ chức hoạt động học.

Nhiều năm qua, Bộ GD&TĐ chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp dạy học gắn với thực tiễn, triển khai thí điểm giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông. Theo đó, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức hoạt động học của học sinh; học sinh tích cực, tự lực học tập, tiếp nhận kiến thức và vận dụng vào thực tiễn. Song song đó, Bộ GD&TĐ sẽ tiếp tục chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên những kiến thức để hỗ trợ, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ