Các danh nho nước ta viết về Dịch học

GD&TĐ - Nhà bác học nổi tiếng nước ta thời xưa, Bảng nhãn Lê Quý Đôn, là tác giả của rất nhiều bộ sách giá trị, trong đó có cuốn “Dịch Kinh phu thuyết”.

Trong lời tựa ông viết rằng “Công việc về trời đất và người cùng là phép tắc của muôn vật thì chỉ Dịch Kinh là đầy đủ”.

Kinh Dịch là một kinh điển quan trọng trong ngũ kinh mà giới Nho sĩ thời xưa phải học, cùng với các kinh Thi, Thư, Lễ và kinh Xuân Thu. Các danh sĩ nước ta cũng đều học Dịch, và để lại nhiều dấu ấn về Dịch học trong sử sách.

Sử thần Ngô Sĩ Liên là người thường xuyên dùng kiến thức Dịch học để bàn luận, nhận xét về các sự kiện khi biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”. Khi viết về việc năm Thiên Thuận thứ 2, vua Lý Thần Tông xuống chiếu xá cho những người có tội trong nước, Ngô Sĩ Liên bình luận rằng: “Người có lỗi mà tha thì được, còn người có tội mà tha thì không được. Kinh Dịch nói: “Tha lỗi, giảm tội”. Kinh Thư nói: “Lầm lỗi thì tha cho, cố phạm thì trị tội. Thế là phải!”.

Bàn về việc Trần Thái Tông nhường ngôi cho Trần Thánh Tông để lên làm Thái thượng hoàng, sử thần Ngô Sĩ Liên bình rằng: “Thực ra việc truyền ngôi chỉ là để yên việc sau, phòng khi thảng thốt mà thôi, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định cả. Vua nối không khác gì hoàng thái tử cả. Như thế với đạo lý có phải không. Đó là lấy nghĩa quẻ Càn (quẻ chỉ cha trong Bát quái) lui ở phương Tây Bắc mà quẻ Chấn (quẻ chỉ con trưởng) tiến lên phương Đông, nhưng chưa đến lúc tuổi già mệt mỏi thì không nên”.

Sử nước ta viết, các vua Trần cũng tin vào bói Dịch. Khi quân Nguyên vào cướp nước ta lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông sai Thì Kiến bói, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn là tốt. Mùa hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, quả đúng như lời đoán. Nhờ tài bói Dịch, vua có mệnh bổ Thì Kiến làm An phủ sứ lộ Yên Khang (vùng huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ngày nay).

Đến mùa thu năm Trùng Hưng thứ hai, quân Nguyên lại vào cướp, vua lại sai Trần Thì Kiến bói, được quẻ Quán biến sang quẻ Hoán, ông đoán rằng: Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan. Sau quân Nguyên đến sông Bạch Đằng, quả nhiên tan chạy.

Đặc biệt, khi Thượng hoàng Trần Thái Tông tự bói được việc mình sẽ qua đời vào ngày 1 tháng 4, Ngô Sĩ Liên cũng dùng kiến thức Kinh Dịch để lý giải rằng: Đại truyện của Kinh Dịch có nói: “Do hình tượng biết việc có thực, do đoán việc biết việc đến sau”. Ông cũng cho rằng: “Sự học về sấm ký thuật số khác với học của thánh hiền chứ”.

Bức tượng Lê Quý Đôn tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Bức tượng Lê Quý Đôn tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Có khi, Ngô Sĩ Liên dùng chữ trong Kinh Dịch để phê phán. Đó là lúc nói về Hồ Quý Ly đang ngấp nghé cướp ngôi nhà Trần, có Bùi Mộng Hoa dâng thư báo với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, nhưng Thượng hoàng lại đưa thư đó cho Hồ Quý Ly xem, khiến Mộng Hoa phải đi ẩn trốn. Ngô Sĩ Liên bàn rằng: “Kinh Dịch nói: “Vua mà không bí mật thì mất người bề tôi”, sao cầu lời nói thẳng mà lại đưa cho kẻ bị nói biết? Nghệ hoàng đến bấy giờ già lẫn quá rồi!”.

Khi khen ngợi các bề tôi trung tiết, sử thần họ Ngô cũng lấy ý từ Kinh Dịch. Sau khi viết chuyện Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn giữ ý khi ở bên cạnh bảo vệ vua Trần, tay cầm cái gậy có đầu sắt nhọn, mọi người đều gườm mắt nhìn, có ý sợ Hưng Đạo vương hại vua vì hai nhà vốn có hiềm khích cũ, Hưng Đạo vương đã tháo cái đầu sắt nhọn đi, Ngô Sĩ Liên bàn rằng: “Bậc đại thần ở chỗ nguy nghi, tất phải có lòng thực tin nhau, sáng suốt khôn ngoan khéo xử, như chữ nói trong hào cửu tứ quẻ Tùy trong Kinh Dịch, sau mới có thể giữ được danh dự, làm nên công việc, nếu không tất mang tai họa vào mình”.

Năm 1378, đời Trần Phế Đế, quân Chiêm Thành vào cướp, An phủ sứ Lê Giác (còn gọi là Lê Giốc) bị giặc bắt, không chịu lạy giặc, lại chửi giặc luôn mồm, nên bị chúng giết chết. Triều đình nghe tin, phong Lê Giác làm Mạ tặc trung vũ hầu. Ngô Sĩ Liên lấy lời tượng quẻ Khôn trong Kinh Dịch, mà khen rằng: “Bỏ sống để giữ nghĩa, còn hơn là sống; cầu sống mà chịu nhục, người quân tử không làm. Kinh Dịch nói “Người quân tử liều mình để thỏa chí”. Giác được như thế!”.

Chép sử đến đoạn cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Ngô Sĩ Liên vui mừng bình luận rằng: “Loạn tột trị sinh, là vận của trời; thánh nhân ra thì muôn vật thấy quẻ Càn là thì hanh thông. Xét cuộc loạn trong nước ta chưa bao giờ tột như lúc này, mà dấy nghiệp Vương cũng chưa bao giờ khó bằng lúc này”.

Thời Lê trung hưng, có vị danh sĩ Đặng Thái Phương, người huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) biên soạn cuốn “Chu Dịch quốc âm giải nghĩa”. Tham nghị Nguyên Hạo có bài tựa, giới thiệu rằng: “Đặng quân lúc nhàn đọc sách, chỉ thích Chu Dịch, thường đem bói để giải quyết việc ngờ; rồi ngẫm nghĩ từng lời, cởi mở từng nghĩa, xét nghiệm từng câu đã bói được, bỗng nhiên sáng tỏ, mới đem những lời quẻ, lời hào, lời thoán, lời tượng của 64 quẻ mà diễn ra quốc âm. Cứ theo lời giải nghĩa, ghép vần thành bài ca.

Suy nghĩ xếp đặt hàng bao nhiêu năm mới thành bài ca diễn nghĩa Kinh Dịch, không những để làm của riêng cho con cháu, mà muốn làm của chung của cả đời, khiến cho người học Kinh Dịch mở xem rất tiện… Nước ta trước kia, Phùng Tiên sinh (Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan) đã có sách diễn nghĩa về Kinh Dịch nổi tiếng ở đời, nay sách của họ Phùng mất mà sách của họ Đặng ra tiếp, đó chẳng phải là sự may cho người học Dịch chăng?”.

Lê Quý Đôn soạn cuốn “Dịch Kinh phu thuyết”, cũng cho rằng mọi việc trên đời, lấy Dịch đều suy xét được: “Huống chi thông suốt các quẻ, nghiền ngẫm các hào, trên thì suy đến đạo trời, dưới thì xét đến tình vật, giữa thì tham khảo sự tích của cổ nhân, lời nói việc làm đều trung chính, khi động khi tĩnh rất kính thành, để cho giữ được tốt lành, khỏi được hung dữ, đó chẳng phải là sơ ý lập giáo của thánh nhân ru?”.

Ông cũng nói: “Các sĩ quân tử học Kinh Dịch thì không những chỉ là xem tượng mà học thuộc lấy lời, xem biến mà học thuộc câu bói, còn cần phải học đức hạnh để hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.