Các câu hỏi thường gặp về phương pháp sư phạm

GD&TĐ -

SV Trường ĐH Y Dược TPHCM
SV Trường ĐH Y Dược TPHCM

1. Cách làm khiến người học nhút nhát nhất cũng mạnh dạn phát biểu?

Giảng viên có thể mời hai người bạn bên cạnh bạn nhút nhát ấy, từng người một phát biểu trước rồi hỏi bạn nhút nhát rằng: “Em thấy bạn trả lời có đúng không?”. Chúng ta nên bắt đầu bằng câu hỏi đóng như vậy vì hai người bên cạnh trả lời thế nào thì bạn nhút nhát đều nghe thấy và rất có thể bạn ấy cũng xác định được đúng sai trong câu trả lời của hai người bạn kia rồi.

Câu trả lời của bạn nhút nhát có thể là “Không đúng” hoặc “Đúng rồi”. Lúc đó, giảng viên từ tốn hỏi lại: “Em hãy chỉ ra điểm đúng/ điểm hay trong câu trả lời vừa rồi và cho thầy/ cô biết thêm về….”, hoặc “Em thấy bạn sai ở chỗ nào? Mời em bổ sung nhé”. Sau đó, giảng viên phải dẫn dắt để bạn nhút nhát trả lời cho tròn luận điểm, đồng thời động viên, khen ngợi bạn trước lớp.

Còn một cách làm nữa là khi giao bài tập nhóm, giảng viên nên chỉ định trực tiếp bạn nhút nhát này làm nhiệm vụ thuyết trình toàn bộ nội dung. Để người có bản tính nhút nhát, ngại giao tiếp thay đổi tâm thế thì cần phải trải qua một quá trình tương tác xã hội lâu dài. Một buổi học vốn dĩ có rất đông sinh viên, giảng viên không thể quan tâm quá sâu đến một cá nhân. Chúng ta chỉ có thể áp dụng cách thay đổi phương pháp tiếp cận liên tục để tạo ra tình huống bắt buộc, giúp sinh viên nhút nhát thể hiện bản thân mình.

2. Làm thế nào để thu hút người học trong suốt quá trình giảng dạy?

Tác phong của giảng viên là điểm nhấn quan trọng gây ấn tượng với người học ngay từ phút đầu tiên. Tác phong này không phải là hình thức bên ngoài đạo mạo, chuẩn chất mà là việc giảng viên phải thấu hiểu và biết cách biểu đạt phù hợp với những diễn biến tâm lý và mối quan tâm trong đời sống của sinh viên. Cụ thể, giảng viên sử dụng kỹ năng hài hước bằng ngôn ngữ mạng xã hội, thậm chí là trào phúng bằng lối nói nhại ngôn ngữ “nhạc thị trường”, showbiz, song chỉ dừng lại làm điểm nhấn chứ không lạm dụng quá nhiều.

Đối với đối tượng học viên là người đã đi làm, giảng viên phải đưa được ngôn ngữ chuyên ngành vào lời giảng, thể hiện kiến thức pháp luật về lĩnh vực mà học viên đang công tác.Phân tích, gợi mở thêm những vấn đề và câu chuyện sát sườn. Tác phong sẽ phản ánh năng lực của một giảng viên. Nhiều giảng viên không tự trau dồi kỹ năng sư phạm, lại còn hiểu sai lệch về cách xây dựng tác phong nên thường bày hết trò chơi này đến trò chơi khác trên lớp học hoặc bắt người học chịu trận “tiết mục” kể chuyện đời tư mà quên đi nghĩa vụ học thuật. Muốn gần gũi và thu hút học viên, chúng ta không cần phải cố tỏ ra hoạt náo.

Gặp thời khóa biểu nhiều môn học căng thẳng liên tiếp, sinh viên sẽ mệt mỏi, không còn tập trung được nữa, mặc dù giờ giảng của thầy/cô đến sau chỉ mới bắt đầu. Ở trường hợp này, chúng ta không nên tìm mọi cách cố gắng tỏ ra “thu hút” và ép buộc cảm xúc của người học. Khi gặp tình huống trên, giảng viên hãy dừng lại, cho người học thư giãn 10 phút. Sau đó, giảng viên nên tổ chức bài tập tình huống nhằm ôn lại kiến thức và giới thiệu chủ đề mới, cách làm này giúp giảm nhẹ phần lý thuyết.

 

3. Dạy học lấy người học làm trung tâm?

Trước hết, giảng viên phải trao quyền tự chủ cho người học. Quyền tự chủ ở đây là chủ động trong việc khai thác, tiếp cận tri thức từ giản đơn đến phức tạp, tạo cho họ khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát và rút ra kết luận. Muốn vậy, bản thân người học phải được tự do bộc lộ quan điểm, trao đổi, tranh luận, phê phán… Người học chỉ có thể tự ý thức được quyền tự chủ của mình khi nhận thấy sự tôn trọng từ phía người dạy. Có rất nhiều giảng viên quá cứng nhắc về nội quy, coi trọng việc đến lớp và ghi chép hơn là khơi gợi và đánh giá đúng tư duy của học viên.

Trong nhiều trường hợp, kết quả học tập của học viên được quyết định chỉ bằng vài ba buổi vắng mặt trên lớp. Ở thời buổi đa phương tiện, vẫn còn nhiều giảng viên cố tình giữ tư tưởng nếu sinh viên nào không có mặt đủ hai phần ba hoặc một nửa đơn vị học trình là không tiếp thu đủ dung lượng kiến thức. Muốn đánh giá khả năng tự chủ của sinh viên, chỉ cần giám sát quá trình họ đọc tích lũy tài liệu và mức độ nghiên cứu chuyên sâu. Thông thường, các trường ĐH chỉ duy trì hai bài kiểm tra là giữa kỳ và thi kết thúc học phần. Khoảng thời gian dôi dư giữa hai đợt thi là rất lớn, và không phải sinh viên nào cũng có định hướng đúng.

Giảng viên nên chia nhỏ bài tập theo tuần, mỗi bài tập được giao với một hình thức khác nhau, tạo điều kiện cho sinh viên tìm tòi, mở rộng phạm vi nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn. Cụ thể, giảng viên nên tăng cường các bài tập có tính tương tác xã hội cao như đi thực địa khảo sát, phỏng vấn sâu, điều tra xã hội học, xây dựng dự án… Một vấn đề nữa là giảng viên không thể trách học viên thụ động, vì người ngồi nghe không thể nào chủ động hơn người đứng giảng. Muốn họ động não thì câu hỏi của người thầy phải là một câu hỏi mở. Và câu hỏi mở đó cần đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với khả năng liên tưởng của người học.

4. Nắm bắt tình hình chung của lớp học và hiểu người học cần gì.

Khi mở đầu một khóa học, giảng viên nên dành ra một tiết học cho người học làm quen với nhau bằng cách chia lớp thành nhóm từ 5-7 người. Giảng viên hướng dẫn cho các nhóm thảo luận để trả lời các câu hỏi liên quan đến họ tên, quê quán, sở thích, định hướng nghề nghiệp, kỳ vọng vào khóa học, sự chuẩn bị của bản thân, mối quan tâm đến một số chương trình thuộc về khóa học hoặc nhà trường… Sau khi các nhóm ghi ý kiến tóm tắt ra giấy kèm theo đề xuất của các thành viên và cử đại diện trình bày thì giảng viên sẽ tiếp nhận và giải thích những thắc mắc của người học, đồng thời hướng người học vào tôn chỉ, mục đích chung của toàn bộ khóa học.

Giữa học trình, giảng viên nên tổ chức một buổi đánh giá lại về phương pháp giảng dạy. Lúc đó, người học sẽ trực tiếp góp ý, thể hiện sự hài lòng hoặc không hài lòng về nội dung chương trình, cách thiết kế bài giảng và tài liệu học tập. Câu hỏi quan trọng nhất mà giảng viên phải đặt ra và nghiêm túc lắng nghe sự phản hồi từ phía người học là mong đợi chung của tập thể/cá nhân khi kết thúc khóa học này là gì? Hoặc giảng viên có thể chuẩn bị sẵn một bài kiểm tra vào giữa hay cuối học trình. Nội dung bài kiểm tra là sự thể hiện tất cả những tâm tư mà chúng ta đã nói ở trên. Lưu ý, bài kiểm tra này cũng nên được tính như một mốc đánh giá quá trình học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.