Là một trong những giọng ca hàng đầu Việt Nam hiện nay ở dòng nhạc cách mạng, Anh Thơ sở hữu giọng hát trong, tinh tế, giàu cảm xúc, ầy âm hưởng dân ca cùng kỹ thuật bài bản.
Nữ ca sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao bởi tài năng và được so sánh với các ca sĩ gạo cội như: Tân Nhân, Thanh Huyền, Lê Dung...
Không ồn ào trên truyền thông, nhưng sức lao động nghệ thuật của Anh Thơ luôn được khán giả đón nhận qua nhiều chương trình riêng diễn ra gần như liên tục. Thời gian này nữ ca sĩ quê Thái Bình đang tất bật chuẩn bị Tình xa khơi 2 - liveshow kỷ niệm tuổi 40 sẽ diễn ra ngày 18/3 tại Hà Nội.
Cách năm lại đầu tư bạc tỷ cho một liveshow. Tình xa khơi 2 có gì đặc biệt để hấp dẫn khán giả?
- Đây là liveshow được trau chuốt rất kỹ trong tất cả các khâu. Các show trước, tôi chỉ chuyên tâm vào việc hát, còn lần này tôi tham gia vào mọi quá trình chuẩn bị. Tôi yêu cầu rất khắt khe trong việc phối khí, làm sân khấu… vì tôi hiểu khán giả của mình là những người khó tính.
Để thu hút khán giả, các nghệ sĩ thường bày ra nhiều chiêu trò. Chị thì sao?
- Một nghệ sĩ không có duyên trên sân khấu thì hát hay mấy khán giả cũng chán. May là các liveshow trước đây, đặc biệt là Tình xa khơi 1 cuối năm 2014, tôi cũng đã biết diễn, biết tạo sự chú ý nơi khán giả.
Tôi cũng biết làm mới bài hát bằng việc hát khác đi một, hai câu hay luyến láy theo một cách khác. Đấy là điều khiến phần trình diễn của tôi trên sân khấu khác nhiều với việc hát trong phòng thu.
Chị với Trọng Tấn nhiều năm nay luôn là cặp song ca được yêu thích. Sao ở show này chị không mời Trọng Tấn mà lại chọn Quang Linh?
- Chúng tôi hát với nhau quá nhiều rồi nên tôi muốn có sự mới lạ, thay đổi một chút, bởi cứ suốt ngày Anh Thơ - Trọng Tấn thì hơi nhàm chán nhỉ! Anh Quang Linh là một ca sĩ có tiếng. Chúng tôi cũng từng song ca với nhau nên tôi nghĩ anh ấy là lựa chọn phù hợp.
Vậy có lúc nào chị mời một ca sĩ nhạc nhẹ vào liveshow không?
- Nếu bây giờ tôi mời một ngôi sao nhạc nhẹ như Tuấn Hưng, chắc chắn sẽ tạo được chú ý. Nhưng tôi nghĩ mình nên làm những gì giản dị, gần gũi với khán giả chứ gượng gạo sẽ không hay.
Cả tôi và khách mời nên cùng có những trải nghiệm giống nhau về dòng nhạc quê hương, đất nước thì sẽ dễ thể hiện và mang đến những phần trình diễn trọn vẹn hơn.
Một sô diễn như thế, liệu có phải là quá an toàn?
- Tôi chỉ lo chuyện bán vé, bởi khán giả Việt thích được mời thay vì chi tiền. Còn chuyện bài hát mới, lạ hay những phá cách thì tôi không lo vì tôi đã hát rất nhiều bài mới toanh của tác giả lạ nhưng rất thành công, đến mức nhiều người cũng không tin chúng thành công đến thế. Nhưng tôi hiểu khán giả của mì nh, họ không thích những gì quá lạ.
Nổi tiếng, thu nhập cao, được nhiều người ái mộ. Có khi nào chị ngoái lại, để nhìn về những ngày đã qua, khi chị mới vào nghề?
- Hồi đó, tôi sợ Hà Nội lắm - tự ti khi từ nhà quê ra thủ đô. Cô giáo khen thông minh tôi cũng không dám nhận vì tôi nghĩ cô chỉ đang an ủi, động viên mình.
Vì thiếu thốn nhiều so với các bạn thành phố nên tôi phải cố gắng nhiều hơn. Tôi còn nhớ, hồi ở ký túc xá, lúc nào cũng tranh thủ tập luyện, thậm chí cả khi ăn. Tài sản là chiếc xe đạp mini.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ: có cái ăn, mặc là tốt rồi. Đi hát để kiếm tiền ăn, chứ không phải để sắm điện thoại, túi xách, đồ đẹp… May là mình thành công. Tôi chăm chỉ, cố gắng và thực ra là may mắn hơn thôi chứ nhiều người cũng rất cố gắng mà có thành công đâu.
Những năm 1996, 1997, cát-sê của tôi khoảng 30.000 đồng, rồi lên 70.000, 150.000 nghìn. Tuy thấp nhưng vẫn đủ trang trải một tuần tiền ăn. Ngoài đi học và hát thì tôi biết làm gì đâu. Nghề này, nếu sai hoặc lười nhác sẽ rất dễ sa ngã.
Ngày mới vào nghề, tôi thường xuyên đi hát lót cho người khác. Trọng Tấn đoạt giải nhất Sao Mai, tôi giải ba, nên trong các chương trình Tấn đều xuất hiện sau, còn tôi thì ra hát trước (theo thứ tự ra sân khấu, người ra hát trước là người có đẳng cấp, vị thế kém hơn). Những ngày đầu như thế là bình thường, và tôi lấy đấy để làm mốc cố gắng.