Cà Mau và Bạc Liêu triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

GD&TĐ -Theo thống kê đầu năm học 2024 – 2025, tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu còn thiếu hơn 2.550 giáo viên, nhân viên so với biên chế được giao.

Giáo viên bậc Mầm non trong một giờ lên lớp.
Giáo viên bậc Mầm non trong một giờ lên lớp.

Ngày 30/8, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, bước vào đầu năm học mới trên địa bàn 2 tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên.

Tại tỉnh Cà Mau, biên chế giao cho ngành Giáo dục tính đến tháng 8/2024 là hơn 15.400 người, trong khi nhu cầu giáo viên, nhân viên các cấp là hơn 16.700 người, còn thiếu hơn 1.300 người so với biên chế được giao.

Trong đó số biên chế giáo viên còn thiếu gần 370 người, còn lại chủ yếu ở các vị trí như giáo vụ, tư vấn học sinh, thiết bị, thí nghiệm, thư viện, quản trị công sở, văn thư, kế toán, y tế...

thieu giao vien 3.jpg
Mầm non là bậc học còn thiếu nhiều giáo viên.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, năm học 2024 - 2025 ngành giáo dục được giao 8.320 biên chế giáo viên (mầm non hơn 1.700 giáo viên; tiểu học hơn 3.270 giáo viên; trung học cơ sở hơn 2.400 giáo viên; trung học phổ thông hơn 930 giáo viên).

Tuy nhiên, hiện tại ngành chỉ mới sử dụng 7.068 biên chế (mầm non 1.382 giáo viên; tiểu học 2.763 giáo viên; trung học cơ sở 2.126 giáo viên; trung học phổ thông 797 giáo viên). Số giáo viên hiện còn thiếu so với biên chế được giao là hơn 1.250 người.

Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên.

thieu giao vien 1.jpg
Sở GD&ĐT Bạc Liêu đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm học 2024 - 2025.

“Sở đã chủ động chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu; tìm nguồn giáo sinh mới ra trường thực hiện hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao. Thỉnh giảng giáo viên ở các cơ sở giáo dục khác hoặc phân công tăng số tiết dạy cho giáo viên trong định mức cho phép.

Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm học 2024-2025 (dự kiến thực hiện trong tháng 10/2024) để đáp ứng hoạt động giảng dạy cũng như thực hiện chương trình GDPT 2018”, ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Ngoài những giải pháp tương tự tỉnh Bạc Liêu, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, xóa các điểm lẻ ít học sinh, không còn phù hợp để dồn các lớp về điểm chính.

Đồng thời, quan tâm rà soát về điều kiện cơ sở vật chất, số học sinh của từng cơ sở giáo dục để có phương án tổ chức, sắp xếp số học sinh/lớp theo Thông tư số 20/2023 của Bộ GD&ĐT đảm bảo phù hợp, khả thi với điều kiện của từng địa phương.

thieu giao vien 4.jpg
thieu giao vien 2.jpg
Thiếu giáo viên là bài toán nan giải của nhiều địa phương vùng ĐBSCL.

“Sở tiếp tục rà soát, đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên còn thiếu theo Đề án vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 phù hợp thực tế từng địa phương.

Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh xem xét về lộ trình cắt giảm biên chế đơn vị sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là các đơn vị, trường học trực thuộc Sở.

Ngoài ra, Sở cũng đang đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép ngành Giáo dục tuyển dụng số biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo nhu cầu và khả năng cân đối nguồn kinh phí của nhà trường”, ông Lê Hoàng Dư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau thông tin.

Với việc triển khai các giải pháp nêu trên, đến thời điểm này công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu tạm thời ổn định, sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.