Thiếu giáo viên - bao giờ hết cảnh 'giật gấu vá vai'?

GD&TĐ - Trong khi các trường ngoài công lập đã ổn định về số lượng và chất lượng trước năm học mới thì nhiều địa phương vẫn loay hoay tuyển dụng giáo viên.

Sở GD&ĐT TPHCM sẽ bồi dưỡng giáo viên nhiều môn “dư” để giảng dạy tiếng Anh, Tin học. Ảnh minh họa: INT
Sở GD&ĐT TPHCM sẽ bồi dưỡng giáo viên nhiều môn “dư” để giảng dạy tiếng Anh, Tin học. Ảnh minh họa: INT

Dự báo, năm học 2024 – 2025, nhiều nơi tiếp tục rơi vào tình cảnh “giật gấu vá vai”.

Xây dựng kế hoạch từ sớm, từ xa

Chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, từ tháng 6/2024, Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Hà Nội) tuyển dụng đủ số lượng giáo viên đáp ứng cho năm học 2025 - 2026. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Giám đốc Phenikaa School cho biết, hiện nhà trường có đủ số lượng giáo viên đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT nhằm đáp ứng việc giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phenikaa School luôn chủ động xây dựng kế hoạch từ sớm, từ xa để thu hút nguồn nhân lực. Chính sách tuyển dụng linh hoạt, chế độ đãi ngộ tốt nên nhà trường thu hút được nhiều hồ sơ dự tuyển. Theo đó, khi tuyển dụng chính thức, giáo viên được hưởng chế độ chính sách lương, thưởng, đãi ngộ cạnh tranh so với thị trường, bảo hiểm theo quy định của Nhà nước và ưu đãi theo chính sách Tập đoàn Phenikaa.

“Chẳng hạn như: Bảo hiểm sức khỏe, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế của Tập đoàn. Đặc biệt, giáo viên được tham gia các chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng phục vụ cho công tác giảng dạy và được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện học tập để nâng cao trình độ và có lộ trình phát triển cá nhân”, bà Nguyễn Thị Hương viện dẫn và cho biết, hiện Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa có 64 giáo viên cấp tiểu học, 78 giáo viên cấp THCS - THPT.

Dù năm nào cũng thông báo tuyển dụng giáo viên nhưng Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Công Trứ (Nam Định) không thiếu nguồn tuyển. Cô Đoàn Phúc - cán bộ truyền thông nhà trường cho hay, là cơ sở giáo dục ngoài công lập nên cơ chế tuyển dụng khá linh hoạt. Đặc biệt, chế độ đãi ngộ giáo viên khá tốt nên đợt tuyển dụng nào cũng thu hút đông đảo người ứng tuyển. Nhà trường luôn chiêu mộ giáo viên giỏi chuyên môn, năng lực sư phạm tốt và có chính sách ưu đãi xứng đáng.

bao gio het canh giat gau va vai.jpg
Một lớp học của Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa. Ảnh: NTCC

Loay hoay tìm giải pháp

Khác với khối ngoài công lập, nhiều địa phương loay hoay tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng nhiệm vụ dạy học. Toàn ngành Giáo dục Hậu Giang hiện có khoảng 9.300 công chức, viên chức và người lao động. Tỉnh này còn thiếu trên 650 giáo viên các cấp học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hoài Thúy Hằng chia sẻ, thiếu giáo viên và khó tuyển dụng là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục địa phương. Để thu hút giáo viên, sở GD&ĐT đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đãi ngộ và cam kết đối với giáo viên tuyển mới, đặc biệt giáo viên ở bộ môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật. Năm qua, sở thu hút được 66 giáo viên đảm nhận 4 môn học này.

Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa nhìn nhận, vấn đề lớn nhất của địa phương hiện nay là thiếu giáo viên. Nhằm khắc phục khó khăn đó, ngành Giáo dục đã triển khai các phương án dạy liên cấp, liên trường, trực tiếp kết hợp trực tuyến để đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nếu chiếu theo định mức biên chế của Bộ GD&ĐT thì năm học tới, tỉnh Nghệ An thiếu hơn 6.700 giáo viên. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho hay, để có nguồn bổ sung, UBND tỉnh đã ra văn bản gửi các cơ quan Trung ương đề nghị bổ sung cho tỉnh hơn 6.500 biên chế cho năm học tới.

Đầu năm nay, Nghệ An được Trung ương bổ sung trên 2.000 chỉ tiêu. Các huyện đang thực hiện tuyển dụng số giáo viên này. Đây là cơ hội để sinh viên sư phạm mới ra trường và giáo viên dạy hợp đồng nhiều năm qua được vào biên chế. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, giáo viên biên chế vẫn thiếu trầm trọng, một số bộ môn thiếu nguồn tuyển, nhiều địa phương phải “giật gấu vá vái” để bảo đảm nhiệm vụ dạy học.

Kết thúc năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.000 giáo viên. Dù mới được phân bổ chỉ tiêu biên chế, hợp đồng nhưng đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay, để lấp đầy số lượng giáo viên còn thiếu không phải là bài toán dễ giải quyết. Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, năm 2024 tỉnh Thanh Hóa là địa phương được bổ sung biên chế giáo viên nhiều nhất cả nước, với 2.700 chỉ tiêu.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho phép tuyển dụng 3.800 giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trao đổi, nếu tuyển dụng đủ 6.500 giáo viên trong năm 2024 phần nào giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, để tuyển đủ không phải dễ vì thiếu nguồn tuyển. Giải quyết vấn đề này, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã đặt hàng 2 trường đại học có đào tạo giáo viên trên địa bàn. Dự kiến từ năm 2025 nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn.

Ngành Giáo dục Bắc Giang hiện có hơn 24.400 giáo viên trong biên chế và hợp đồng lao động. Theo ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT, so với số lượng được giao, Bắc Giang đang thiếu hơn 1.400 giáo viên; trong đó có 850 giáo viên mầm non, 300 giáo viên tiểu học, 260 giáo viên THCS.

Nhiều huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang đang rà soát số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, hoặc có bằng chuyên ngành đào tạo phù hợp các cấp học, bộ môn thiếu giáo viên để liên hệ về giảng dạy hợp đồng tại các trường. Với những địa bàn bị thừa, thiếu cục bộ, ngành GD-ĐT yêu cầu giáo viên chủ động nâng cao trình độ để có thể đảm nhiệm giảng dạy môn khác, cố gắng không làm gia tăng chỉ tiêu biên chế.

Trước thực trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm: Lịch sử - Địa lý; Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật. Dự tính, số lượng được tuyển dụng theo đề xuất trên khoảng 10.000 giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dưa khoai

Dưa khoai

GD&TĐ - Những ngày nóng nực, nhìn vào mâm cơm có đủ canh, cá, thịt… mà lại thiếu món dưa khoai thì bỗng thấy… khó mà ngon được!

Tên lửa Burevestnik trong một vụ thử nghiệm.

Trận địa tên lửa Burevestnik bị lộ

GD&TĐ - Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được địa điểm triển khai tiềm năng của 9M370 Burevestnik tại Nga.