Cà Mau nỗ lực giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn không quá 1%. 

Cà Mau nỗ lực giảm nghèo bền vững

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhà hảo tâm nhằm chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, hàng năm tỉnh Cà Mau đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết giảm nghèo.

Triển khai đồng bộ giải pháp giảm nghèo

Gia đình ông Danh Rim ( Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) chỉ có 1 công đất, ít vốn sản xuất nên làm mãi vẫn chưa thoát nghèo. Năm 2023 gia đình ông Rim được hỗ trợ vay vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được hơn 20 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay, gia đình ông thuê thêm 5 công đất phía sau nhà để trồng dưa hấu theo hướng Vietgap. Ngoài trồng dưa, gia đình còn tận dụng diện tích đất làm chuồng nuôi dê. Nhờ chịu khó lao động, đến nay gia đình ông Danh Rim đã thoát được nghèo.

“Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ cho vay vốn trồng dưa, mỗi năm tôi trồng từ 2 - 3 vụ. Tôi nghiên cứu kỹ thuật trồng dưa trái vụ nên cho thu nhập cao hơn. Thoát được nghèo mừng lắm, giờ tiếp tục nỗ lực làm ăn để vươn lên”, ông Danh Rim chia sẻ.

GIAM NGHEO 10.jpg
Mô hình trồng dưa hấu Vietgap của ông Danh Rim.

Bà Trần Thị Mỹ Xuyên (vợ ông Danh Rim) tiếp lời chồng, lúc đầu đâu có vốn, chỉ dám mua 4 con dê giống để nuôi thử nghiệm, thấy đạt hiệu quả nên tiếp tục tái đàn.

“Đến nay số lượng dê đã lên đến 17 con, đang phát triển khỏe mạnh. 2 năm nay thu nhập từ ruộng dưa hấu và đàn dê đem lại cho gia đình nguồn thu 80 triệu đồng/năm”, bà Xuyên phấn khởi chia sẻ.

Song song với việc thực hiện hiệu quả các Dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua tỉnh Cà Mau còn thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; xây dựng và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở từ nguồn vận động Quỹ Vì người nghèo.

tiep suc 1.jpg
Sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong công tác an sinh xã hội tại tỉnh Cà Mau.

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả như: Mô hình hộ gia đình khá, giàu đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phân công các bộ, đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo; mô hình “Ấp, khóm, xã, phường, thị trấn xóa trắng hộ nghèo, hộ cận nghèo”...

Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách nêu trên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ 9,94% năm 2016 giảm xuống chỉ còn 1,57% vào cuối năm 2020 và đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 1,6% (tương đương 4.900 hộ).

Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay tỉnh Cà Mau vươn lên trở thành một trong những tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp trong khu vực và cả nước.

Phấn đấu đến năm 2025 hộ nghèo còn không quá 1%

Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn không quá 1%. Trung bình hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm tối thiểu 0,5%. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Giải pháp được tỉnh đề ra nhằm thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tới là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo” gắn với cuộc vận động Quỹ Vì người nghèo, toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

giam ngheo 7.jpg
Mô hình nuôi sò huyết tại tỉnh Cà Mau.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ các dự án, các chính sách phát triển kinh tế xã hội, nhất là cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu ở những xã, ấp đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Gắn với đó là thực hiện các chính sách, các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Đồng thời tích cực triển khai nhân rộng các mô hình làm ăn, sản xuất hiệu quả, các dự án giảm nghèo bền vững cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo và các hộ dân sống trên địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Ngoài những giải pháp vừa nêu, tỉnh Cà Mau cũng tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình, đề án về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, nước sạch...

Thực hiện tốt việc huy động và phân bổ nguồn lực Chương trình giảm nghèo đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo.

Lồng ghép công tác giảm nghèo với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030.

buc tranh xuat khau tom 4 ty usd 1.jpg
Cà Mau có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân góp phần giảm nghèo bền vững.

Song song đó, tỉnh cũng tiếp tục tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các chính sách giảm nghèo, cũng như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở những vùng còn khó khăn.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút doanh nghiệp đầu tư tại địa phương, cũng cố hoạt động, mở rộng quy mô các hợp tác xã nhằm góp phần tạo việc công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, làm nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.