Một trong những tác động của biến đối khí hậu nặng nề là tình trạng sạt lở bờ biển, đê biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong mùa mưa bão.
Hơn 83 km bờ biển bị sạt lở
Hệ thống đê biển phía Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài khoảng 108 km, xuất phát từ Kênh Năm thuộc xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân và kết thúc tại kênh Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (giáp tỉnh Kiên Giang). Tuyến đê này được đầu tư nâng cấp hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài hơn 51 km, còn lại gần 57 km chưa được đầu tư nâng cấp.
Riêng phía bờ biển Đông có chiều dài khoảng 100 km hiện chưa được đầu tư đê biển. Qua khảo sát của ngành chức năng tỉnh, hiện bờ biển Tây bị sạt lở nguy hiểm có chiều dài 22 km.
Nhiều khu vực, sạt lở đã làm mất đai rừng phòng hộ, không còn khả năng chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê. Khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh có khả năng tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê, nguy cơ sạt lở đê, vỡ đê rất cao.
“Tôi sống bên trong tuyến đê biển Tây đã nhiều năm, nhận thấy tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp. Trước khu vực này có rừng phòng hộ cách xa đê nhưng hiện tại đã không còn.
Hằng năm, vào mùa mưa bão người dân sống bên trong tuyến đê rất lo lắng bởi sóng đánh rất mạnh, nếu có triều cường nhiều khi nước còn dâng cao tràn qua đê, ảnh hưởng hoạt động sản xuất của người dân”, ông Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ.
Đối với bờ biển phía Đông, tình hình sạt lở cũng đang diễn biến phức tạp với tổng chiều dài sạt lở mức độ đặc biệt nguy hiểm gần 62 km. Nhiều khu vực sạt lở ăn sâu vào phía trong làm mất rừng, mất đất, đe dọa cuộc sống người dân.
Chị Huỳnh Thị Hà (ngụ xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) cho biết, sạt lở ngày càng tiến sâu vào trong đất liền, gia đình chị phải nhiều lần dời nhà chạy sạt lở. “Dời hoài giờ cũng không biết dời đi đâu nữa, 2 năm trước mới dời nhà, năm nay sạt lở gần sát bên”.
Chỉ tay về phía xa nơi dãy rừng phòng hộ chỉ còn dấu tích lờ mờ, ông Mai Văn Dũng (ngụ xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) kể, gia đình ông sinh sống ở đây hơn 40 năm, chứng kiến bờ biển Đông càng ngày càng bị lở nhiều.
“Hồi đó bờ biển ra xa vị trí hiện tại hơn 1 cây số, rừng cây cối mọc dày lắm, bây giờ thì lở mất rừng, mất đất. Sống gần những khu vực sạt lở, người dân rất lo lắng, nhất là vào mùa mưa bão, sóng đánh rất mạnh. Thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cuộc sống mưu sinh ven biển nên nhiều người buộc phải bám trụ”, ông Dũng than thở.
Tuyến đê biển phía Tây nằm trên địa bàn tỉnh Cà Mau không chỉ có vai trò quan trọng trong sản xuất giúp chống úng, ngăn mặn, giữ ngọt, mà còn là đường giao thông huyết mạch có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, nối liền các cụm kinh tế, khu dân cư đô thị ven biển, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và trong khu vực.
Theo đánh giá tổng quan của ngành chức năng, nếu đê biển phía Tây bị vỡ thì hàng nghìn hecta đất sản xuất thuộc khu vực vùng ngọt hóa nằm phía trong tuyến đê sẽ bị nước biển xâm thực.
Điều đáng quan tâm là khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ - nơi từng được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, là lá phổi xanh, góp phần điều hòa khí hậu cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long - cũng có nguy cơ bị xóa sổ.
Hơn thế, vỡ đê sẽ khiến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân sống ven đê, ven biển, ven rừng phòng hộ rơi vào cảnh khốn khó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nỗ lực ứng phó sạt lở, bảo vệ đê
Những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn xem công tác hộ đê là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Từ nhiều nguồn hỗ trợ, đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành được khoảng 78 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí gần 2.780 tỷ đồng (bờ biển Tây 56 km, kinh phí thực hiện khoảng 1.430 tỷ đồng; bờ biển Đông 22 km, kinh phí thực hiện khoảng 1.350 tỷ đồng).
Một trong những giải pháp được xem là có hiệu quả trong việc hạn chế sạt lở, bảo vệ đê biển được tỉnh triển khai áp dụng, đó là xây dựng các tuyến kè ly tâm (còn gọi là kè ngầm tạo bãi hoặc kè phá sóng).
Loại kè ly tâm được xây dựng cách chân đê từ 100 đến 120 m hướng ra biển, sử dụng những cọc bê tông dựng đứng cao khoảng 7 m, đóng liền kề hai dãy, mỗi dãy có khoảng cách 2 m; phần rỗng giữa hai dãy cho đá vào để bảo vệ. Khi sóng biển đánh vào lực sóng sẽ giảm.
Khi nước biển theo thủy triều rút ra sẽ đọng lại lượng phù sa, lâu dần phù sa sẽ bồi lắng, tích tụ lại thành bãi. Đến mùa trái mắm, trái đước rụng xuống theo dòng nước trôi đi đến bãi sẽ nẩy mầm và phát triển thành dãy rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển. “Ưu điểm nổi bật của giải pháp công trình kè ly tâm là tỉ suất đầu tư thấp, chỉ bằng khoảng 30% đến 50% so với công trình kè áp mái.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, những công trình kè chống sạt lở được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau thông tin.
Giải pháp xây dựng kè ly tâm được giới chuyên môn nhận định đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng chống sạt lở bờ biển, bảo vệ đê và chi phí giảm đáng kể so với các loại kè khác. Tuy nhiên, do chiều dài sạt lở bờ biển của Cà Mau nhiều nên kinh phí đầu tư xây kè trở thành quá lớn so với khả năng cân đối của địa phương.
“Tỉnh Cà Mau rất mong các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ nguồn lực để tỉnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở.
Trước mắt, tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí khắc phục các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm khu vực bờ biển Đông với chiều dài theo tình huống khẩn cấp đã ban bố là 21,55 km, kinh phí khoảng hơn 1.600 tỷ đồng”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị.
Song song với việc huy động tối đa nguồn vốn thực hiện giải pháp công trình, tỉnh Cà Mau cũng triển khai thực hiện nhiều giải pháp phi công trình nhằm hạn chế tình trạng sạt lở, bảo vệ đê như: Cấm phá rừng phòng hộ, khôi phục thảm thực vật ven bờ biển; tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong công tác phòng chống sạt lở, biến đổi khí hậu bằng cách trồng rừng phòng hộ ven biển. Tỉnh Cà Mau cũng khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở với các cấp khác nhau nhằm bố trí các công trình dân sinh, kinh tế, các tụ điểm dân cư hợp lý, an toàn.