Cá mặt thỏ - món ăn quý tộc chứa chất kịch độc

GD&TĐ - Một người đàn ông sau khi ăn bao tử cá mặt thỏ đã rơi vào hôn mê, phải cấp cứu. Theo các chuyên gia, độc tố trong cá mặt thỏ giống cá nóc, với tên gọi khoa học là Tetrodotoxin, có thể gây chết người.

Bên ngoài cá mặt thỏ nhìn khá kỳ dị.
Bên ngoài cá mặt thỏ nhìn khá kỳ dị.

Món ăn từ cá mặt thỏ có trong thực đơn các khách sạn nổi tiếng và phục vụ cho giới thượng lưu.

Tử vong trong 30 phút nếu không được cấp cứu

Ngày 21/9, bác sĩ Từ Kim Thanh - Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Quận 2, TPHCM, cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời cho anh N.T.Q. (ngụ Quận 2, TPHCM) bị ngộ độc sau khi ăn bao tử cá mặt thỏ.

Theo đó, ngày 18/9, anh Q. nhập viện trong tình trạng co giật nhẹ, yếu liệt tay chân, khó thở, nói đớ, tê vùng đầu mặt…

Sau khi nhập viện khoảng 10 phút, anh Q. rơi vào hôn mê sâu, mất tri giác, đồng tử giãn, tím tái, tê liệt hoàn toàn tay chân, cận kề cái chết. Bệnh nhân được các bác sĩ đặt nội khí quản và lọc máu khẩn.

Sau khi lọc máu, anh Q. có thể nhúc nhích được ngón tay, chân và dần hồi tỉnh. Hiện sức khỏe của anh đã ổn định. Tuy nhiên, anh Q. cần được theo dõi thêm để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra do độc tố vào cơ thể quá mạnh.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cá mặt thỏ sống chủ yếu ở khu vực các đảo Phú Quý, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Loài này cũng có đầu, thân đuôi như những loài cá khác. Tuy nhiên tên cá mặt thỏ cũng bắt nguồn từ hàm răng của nó giống răng thỏ.

Cá mặt thỏ sống ngoài khơi xa, nằm sâu dưới đáy cách mực nước biển từ 40 - 50m. Loài cá này cực kỳ hung dữ. Với bộ răng nanh sắc khỏe chúng có thể quẫy rách lưới ngư dân. Cá mặt thỏ ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí khi đói nó có thể ăn thịt cả đồng loại.

Nhiều người dân biển gọi cá mặt thỏ là cá nóc mú không chỉ bởi hình dạng tương đồng mà vì cá này cũng chứa độc tố tương tự như cá nóc. Nghĩa là nó có chứa độc tố Tetrodotoxin gây chết người. Độc thường tập trung ở trứng gan mật. Chính vì thế khi chế biến món ăn, nếu để chất độc này dính vào thì người ăn dễ bị ngộ độc.

Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh thường có trong da, gan hoặc thịt của một số sinh vật biển như sam, ốc, bạch tuộc, đặc biệt là cá nóc. Sau khi ăn phải thức ăn có độc tố này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như tê, ngứa môi và phía trong miệng, yếu liệt cơ, hạ huyết áp...

Các triệu chứng diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút sau khi ăn, tử vong sau khoảng 30 phút trúng độc nếu không được cấp cứu kịp thời. Độc tố này không bị nhiệt phá huỷ, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại.

Để được cứu sống, bệnh nhân cần được bảo đảm hô hấp và nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được đặt nội khí quản kịp thời và thở máy.

Cá mặt thỏ sau khi được sơ chế chuẩn bị lên bàn nhậu. Ảnh minh họa.
Cá mặt thỏ sau khi được sơ chế chuẩn bị lên bàn nhậu. Ảnh minh họa.

Một trong những loài cá độc

TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, với tính chất quý hiếm và khó đánh bắt nên giá thành của cá mặt thỏ thường rất cao. Cá thường được chế biến và xuất hiện ở những gia đình quý tộc, những nhà hàng, khách sạn nổi tiếng và phục vụ cho giới thượng lưu thưởng thức.

Để đánh bắt được cá mặt thỏ ngư dân phải chuẩn bị những tấm lưới dày, chắc để có thể chống lại hàm răng sắc nhọn của chúng. Da cá mặt thỏ có giá trị kinh tế cao, do đó, chúng thường bị lột da trước khi đem bán làm thực phẩm. Thịt của cá mặt thỏ rất ngon, được đánh giá là ngon hơn cá nóc nhiều lần.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, cá mặt thỏ là một trong 8 loài cá nóc có độc tính mạnh nhất. Các loài còn lại là cá nóc chuột chấm son, cá nóc sao, cá nóc chuột vân bụng, cá nóc chuột chấm sao, cá nóc vằn, cá nóc chuột chấm đen, cá nóc chấm cam vằn mắt. Mức độ độc tố trong từng bộ phận của cá nóc được sắp xếp theo thứ tự: Trứng, tinh sào, gan, ruột đến da và thịt.

Độc tính của cá nóc thường tăng cao vào các tháng 2 - 3 và 7 - 9 trong năm, đây cũng là mùa sinh sản của cá nóc. Cá nóc sống ở vùng nước khác nhau cũng có thể cho lượng độc tính không giống nhau. Người dân cần rất cẩn trọng khi sử dụng các loại cá này làm thực phẩm.

Trong những năm gần đây, hàng loạt vụ ngộ độc do tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cá nóc đã xảy ra ở nhiều địa phương độc tố này chưa có thuốc giải. Do đó, các bác sĩ cấp cứu cho nạn nhân bằng việc hạn chế hấp thu độc tố của cơ thể, điều trị triệu chứng.

Khi có triệu chứng đe dọa tính mạng như liệt toàn thân, suy hô hấp nặng, bệnh nhân cần được can thiệp tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ