Cá mập có khả năng cảm nhận từ trường của Trái đất giống như thiết bị định vị GPS để định hướng đường đi dưới lòng đại dương. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology.
Tác giả chính của nghiên cứu, Bryan Keller - nhà sinh thái học tại Đại học bang Florida khẳng định kết quả trên đã chứng minh về cách động vật săn mồi dưới nước di chuyển những quãng đường rất xa, theo một đường thẳng và trở lại chính xác điểm xuất phát ban đầu.
Theo nghiên cứu, một số loài cá mập có tập tính di chuyển một quãng đường dài để đến những địa điểm rất cụ thể từ năm này qua năm khác. Họ cũng biết rằng, cá mập rất nhạy cảm với trường điện từ. Do đó, các nhà khoa học từ lâu đã suy đoán rằng cá mập sử dụng từ trường để điều hướng. Nhưng thách thức là tìm ra cách để kết luận điều này dựa trên cơ sở khoa học.
Bryan Keller và các đồng nghiệp đã quyết định thực hiện nghiên cứu khó khăn này. Họ tạo ra một chiếc lồng cực lớn, trong lồng đặt một bể nước. Xung quanh lồng được quấn dây đồng. Bằng cách cho dòng điện chạy qua hệ thống dây đồng, họ có thể tạo ra từ trường theo ý muốn trong khu vực hồ bơi.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đưa lần lượt từng con trong số 20 con cá mập đầu xẻng nhỏ - một loài cá mập thường di cư hàng trăm km - vào hồ bơi. Chúng được bơi tự do trong ba kiểu thiết lập từ trường khác nhau, được áp dụng ngẫu nhiên.
Một từ trường mô phỏng từ trường tự nhiên của Trái đất tại nơi bắt cá, hai từ trường còn lại mô phỏng từ trường tại các địa điểm cách nơi sinh sống của cá mập 600 km về phía Bắc và 600 km về phía Nam. Khi từ trường tương tự như tại địa điểm bắt cá, nhóm nghiên cứu nhận thấy cá bơi theo các hướng ngẫu nhiên.
Nhưng khi chịu tác động của từ trường phía Nam, cá mập chỉ bơi về phía Bắc, hướng về nhà. Neil Hammerschlag, nhà sinh thái học cá mập tại Đại học Miami, người không tham gia nghiên cứu, nhận xét: “Điều này cho thấy, chúng có thể sử dụng từ trường để di cư đường dài”.
Đáng ngạc nhiên hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện, khi chịu tác động của từ trường phía Bắc, những con cá mập không có một hướng bơi nhất định. Theo Keller, có thể là do cá mập đầu xẻng thường không di cư về phía Bắc, vì vậy chúng hiếm khi phải tìm đường trở về phía Nam.
“Điều này cũng ủng hộ lý thuyết cho rằng khả năng định hướng bằng từ trường để về nhà của cá mập là một hành vi mà chúng học được. Có thể chúng không biết phải làm gì trong từ trường phía Bắc bởi chưa bao giờ đến đó”, ông nói.
“Nghiên cứu trên đã làm rõ cách mà đàn cá mập định hướng một cách chính xác, đồng thời cho rằng, khả năng này không chỉ xuất hiện ở loài cá nhám đầu xẻng mà còn ở các loài khác trong họ cá mập.
Loài cá mập trắng có khả năng di cư từ Nam Phi tới Australia và một năm sau lại trở về đúng địa điểm xuất phát ban đầu ở Nam Phi. Loài cá mập này thực hiện hành trình di cư dài 20.000 km trong 9 tháng với một cung đường bơi cực kỳ thẳng” – Keller cho biết thêm.
Trong các nghiên cứu tương lai, Keller và các cộng sự muốn khám phá tác động của từ trường từ các nguồn nhân tạo như cáp ngầm lên cá mập. Liệu cá mập có dựa vào các tín hiệu từ trường không chỉ trong quá trình di chuyển đường dài mà còn trong hành vi hàng ngày của chúng hay không.