Xác định hóa thạch cá mập “Godzilla” 300 triệu năm tuổi

GD&TĐ - Các nhà khoa học Mỹ xác định hóa thạch cổ đại 300 triệu năm tuổi được phát hiện ở New Mexico năm 2013, từng được biết đến với tên gọi cá mập “Godzilla”, là một loài riêng biệt.

Xác định hóa thạch cá mập “Godzilla” 300 triệu năm tuổi

Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy bộ xương hóa thạch dài 2m hoàn chỉnh và được bảo quản tốt bất thường của loài cá mập cổ đại nay tại một địa điểm ở Dãy núi Manzano gần Albuquerque, New Mexico.

Các đặc điểm nổi bật của bộ xương bao gồm 12 hàng răng đặt trong bộ hàm khỏe khoắn, mạnh mẽ và một cặp gai vây dài 0,8 m trên lưng.

Hóa thạch được đặt biệt danh là cá mập Godzilla vì kích thước - bộ xương là hóa thạch lớn nhất của loại này từng được phát hiện trong khu vực - và bản chất bò sát thể hiện trên gai ở lưng nó, theo John-Paul Hodnett, người đầu tiên khai quật hóa thạch và dẫn đầu nghiên cứu mới cho biết.

Loài cá mập này hiện đã được đặt tên chính thức là cá mập rồng Hoffman (Dracopristis hoffmanorum), theo tên một gia đình sở hữu vùng đất nơi bộ xương được tìm thấy, và như một sự tôn trọng vẻ ngoài quái dị, giống loài bò sát của nó.

Hodnett cho biết: “Rất hiếm khi tìm thấy vật liệu làm xương của cá mập cổ đại, chưa nói đến một bộ xương hoàn chỉnh còn lưu giữ đường nét cơ thể và các ấn tượng mô mềm khác. Đó là một loài mới cũng rất tuyệt vời và độc đáo”.

Cá mập rồng Hoffman thuộc về một nhóm cá mập cổ đại bí ẩn được biết đến với tên gọi Ctenacanths tách ra thành cá mập và cá đuối hiện đại vào khoảng 390 triệu năm trước trong Kỷ Devon. Bộ xương được bảo quản một cách tinh xảo đã giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về nhóm sinh vật huyền bí này.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Ctenacanth và cá mập hiện đại là bộ hàm của chúng. Hodnett nói: “Hàm của Ctenacanths lớn hơn, gắn chặt hơn vào hộp sọ, khiến chúng kém linh hoạt hơn”.

Những chiếc hàm cố định này có thể chỉ ra rằng, Ctenacanths không phải là loài động vật ăn thịt ở đỉnh của chuỗi thức ăn như cá mập hiện đại. Thay vào đó, hóa thạch mới cho thấy chúng có thể đã chiếm một vị trí khác trong hệ sinh thái.

“Từ giải phẫu của vây ngực và đuôi, chúng tôi cho rằng Dracopristis rất có thể là một loài săn mồi sống ở gần đáy cửa đầm phá cổ đại nơi nó sinh sống. Những chiếc răng cũng cho thấy chúng thích nghi hơn trong việc nắm bắt và nghiền nát con mồi như động vật giáp xác và động vật có xương sống nhỏ” – Hodnett cho biết thêm.

Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, những chiếc gai lớn trên lưng cá mập rồng Hoffman có thể đã được sử dụng để phòng thủ chống lại những con cá mập lớn hơn. Những chiếc răng cá mập lớn được tìm thấy trong khu vực khai quật cho thấy giả thuyết này hợp lý, theo một tuyên bố trên báo từ Bảo tàng Lịch sử & Khoa học Tự nhiên New Mexico (NMMNHS).

Loài Ctenacanth đã tuyệt chủng trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối Kỷ Permi cách đây 252 triệu năm, kết thúc Kỷ nguyên Paleozoi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác về cái chết của loài cá mập vẫn chưa được làm rõ.

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm kiếm thêm các hóa thạch Ctenacanth trong khu vực để tìm hiểu thêm về các đặc điểm lịch sử cuộc đời của chúng - các đặc điểm tiến hóa như tuổi thọ, tốc độ tăng trưởng, tuổi trưởng thành sinh sản và khả năng sinh sản.

Đồng tác giả Eileen Grogan, nhà sinh vật học tại Đại học Saint Joseph ở Philadelphia, Mỹ cho biết: “Chúng tôi không thể tái tạo lại một cách đáng tin cậy các đặc điểm lịch sử cuộc đời của một loài chỉ dựa trên một mẫu vật. Sự hiểu biết toàn diện hơn về các đặc điểm lịch sử sự sống đòi hỏi phải lấy mẫu nhiều hơn ở các kích thước, giới tính và môi trường mà sinh vật tồn tại”.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.