Cà chua chỉnh sửa gen bổ sung vitamin D

GD&TĐ - Cá và các sản phẩm từ sữa là những nguồn vitamin D dồi dào vốn rất quan trọng trong việc giúp chúng ta bảo vệ xương, đồng thời duy trì sức khỏe cho cơ và răng.

Một quả cà chua được chỉnh sửa gen (trái) được so sánh với một quả cà chua bình thường.
Một quả cà chua được chỉnh sửa gen (trái) được so sánh với một quả cà chua bình thường.

Tuy nhiên, điều này có thể khiến người ăn chay gặp khó khăn trong việc nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Một nhóm các nhà khoa học Anh đã tìm ra một nguồn vitamin D mới và thuần chay: Cà chua được chỉnh sửa gen.

Nếu quy trình chỉnh sửa gen trên được người trồng trọt áp dụng, cà chua mà họ tạo ra có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu vitamin D được cho là ảnh hưởng đến 1 tỷ người trên toàn cầu. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học Nature Plants.

Trao đổi với Trung tâm Truyền thông Khoa học ở London, Giáo sư sinh thái học Guy Poppy của Đại học Southamton cho biết, khám phá thú vị trên không chỉ cải thiện sức khỏe con người mà còn đóng góp vào lợi ích môi trường liên quan đến chế độ ăn giàu thực vật hơn.

Điều này giải quyết khó khăn cho người ăn chay vì một số vitamin và khoáng chất quan trọng chỉ thường được tìm thấy trong các sản phẩm động vật.

Các sản phẩm bổ sung vitamin D được bán rộng rãi ở nhiều quốc gia, nhưng đồng tác giả của nghiên cứu trên, Giáo sư Cathie Martin của Trung tâm John Innes ở Norwich (Anh) nói rằng, ăn một quả cà chua “tốt hơn nhiều so với uống một viên thuốc”.

“Tôi cho rằng có một nguồn thực phẩm giàu vitamin D dưới dạng thực vật cũng có nghĩa là bạn có thể nhận được thêm lợi ích từ việc ăn cà chua. Dù sao thì chúng ta cũng không ăn đủ trái cây và rau. Cà chua là một nguồn cung cấp vitamin dồi dào”, bà nói trong một cuộc họp báo.

Vitamin ánh nắng

Tiến sĩ Jie Li kiểm tra cà chua giàu vitamin D.

Tiến sĩ Jie Li kiểm tra cà chua giàu vitamin D.

Nguồn chính của vitamin D đối với hầu hết mọi người là từ chế độ ăn uống, nhưng cơ thể chúng ta cũng tạo ra vi chất dinh dưỡng này khi da tiếp xúc với tia cực tím UVB. Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta gọi nó là vitamin ánh nắng. Các nhà khoa học đã khai thác một quá trình tương tự ở cà chua.

Hợp chất trong da có thể tạo ra vitamin D được gọi là 7-DHC hoặc provitamin D3. Trong lá và quả xanh chưa chín của cà chua cũng có hợp chất này.

Các nhà nghiên cứu đã chặn một gen trong cây cà chua thông thường đảm nhận chức năng chuyển hóa provitamin D3 thành cholesterol, giúp cho promitamin D3 tích tụ trong quả cả chua chín.

Để chuyển hóa provitamin D3 thành vitamin D3 giúp ích cho cơ thể chúng ta, cà chua đã được xử lý bằng ánh sáng UVB. Nghiên cứu cho thấy, provitamin D3 trong một quả cà chua, khi được chuyển đổi thành vitamin D3, sẽ tương đương với lượng vitamin D3 có trong 2 quả trứng cỡ trung bình hoặc 28 gram cá ngừ.

Một thử nghiệm ở Vương quốc Anh đang đánh giá xem việc trồng cà chua ngoài trời, nơi chúng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên, có tự động dẫn đến việc chuyển đổi 7-DHC thành vitamin D3 hay không.

Giáo sư Martin cho biết, những quả đầu tiên sẽ chín vào cuối tháng 6 này. Cà chua cũng có thể được phơi nắng sau khi hái, loại bỏ nhu cầu xử lý bằng ánh sáng UVB.

Đầu năm nay, Quốc hội Vương quốc Anh đã thông qua luật mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm cây trồng đã được chỉnh sửa gen.

Áp dụng cho các loại rau củ khác

Giáo sư Jie Li nhận định, công nghệ này giống như một chiếc nhíp phân tử, có thể cắt chính xác đoạn gen nhỏ nhằm nâng cao đặc điểm mong muốn ở thực vật, nhanh hơn nhiều so với quy trình nhân giống truyền thống. Cà chua chỉnh sửa gene không chứa bất cứ đoạn DNA ngoại lai nào từ loài khác.

Giáo sư Martin thông tin thêm, kỹ thuật ngăn chặn gen mà các nhà nghiên cứu đang thực hiện cũng có thể được áp dụng cho các loài cây khác như ớt chuông, ớt thường, cà tím và khoai tây.

Theo các nhà nghiên cứu, nấm cũng có thể là nguồn cung cấp vitamin D khi được xử lý bằng tia UVB hoặc mọc hoang. Tuy nhiên, những loại thực vật này tạo ra vitamin D2. Mặc dù vậy, nghiên cứu cho rằng “về cơ bản, chúng ít tác dụng sinh học hơn” so với vitamin D3 có từ thịt và sữa.

Giáo sư khoa học dinh dưỡng Susan Lanham-New tại Đại học Surrey ở Anh cho biết, thực phẩm bổ sung vitamin D3 thường không phải là thực phẩm thuần chay.

Theo bà, mỡ lông cừu (lanolin) là nguồn chính cung cấp vitamin D3 vốn được chiết xuất từ lông cừu. Khi lấy chất này người ta không làm chết con cừu nên người ăn chay nói chung vẫn có thể sử dụng.

Tuy nhiên, nó lại không được dùng cho người ăn thuần chay vốn khước từ sử dụng các sản phẩm từ động vật. Đó là một trong những yếu tố khiến nghiên cứu này trở nên rất đặc biệt vì nó giúp nguồn vitamin D3 có thể khai thác từ thực vật.

Các nhà nghiên cứu cho biết, lá của cây cà chua đã được chỉnh sửa gen cũng chứa một lượng đáng kể vitamin D. Họ đang tìm cách biến lá cà chua vốn thường bị bỏ đi này thành chất bổ sung vitamin D thuần chay.

Nhóm nghiên cứu hy vọng điều này có thể đóng vai trò là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất trồng và sản xuất cà chua được bổ sung dinh dưỡng sinh học.

Một đồng tác giả của nghiên cứu là Tiến sĩ Jie Li tại Trung tâm John Innes cho biết, cà chua được chỉnh sửa gen có bề ngoài và hương vị giống cà chua bình thường.

Việc chỉnh sửa gen không làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển hay sản lượng của cây. Theo Tiến sĩ Jie Li, đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật vấn đề thiếu vitamin D và tác động của nó đối với chức năng miễn dịch và sức khỏe chung của chúng ta.

Cà chua được làm giàu vitamin D này cung cấp một nguồn vitamin ánh nắng mặt trời rất cần thiết từ thực vật. Đó là một tin tuyệt vời đối với người ăn chay và người thiếu vitamin D trên thế giới.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ