“Cá biển xin rác” tiếp sức đến trường

GD&TĐ - Không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em tới trường” của Chi đoàn đồn Biên phòng Tiên Hải (Kiên Giang) còn tạo nguồn kinh phí giúp học sinh khó khăn đến trường.

Chiến sĩ đồn Biên phòng Tiên Hải hướng dẫn du khách và các em học sinh bỏ rác thải sau khi sử dụng đúng nơi quy định.
Chiến sĩ đồn Biên phòng Tiên Hải hướng dẫn du khách và các em học sinh bỏ rác thải sau khi sử dụng đúng nơi quy định.

Tuyên truyền bảo vệ môi trường biển

Chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển bằng tàu khách từ thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) tôi đã có mặt tại xã đảo Tiên Hải. Biển nơi đây nằm trong vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia. Trái hẳn với khung cảnh vắng lặng của hơn 5 năm về trước, những ngày này từ sáng sớm tại xã đảo này khung cảnh đã nhộn nhịp tiểu thương mua bán, tiếng nói cười râm ran của người dân trên đảo và khách du lịch. Chính sự đông đúc đó mà công tác tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường và tác hại của rác thải nhựa luôn được chính quyền xã Tiên Hải và lực lượng Biên phòng đặc biệt chú trọng.

Dù vậy, do ý thức của một số người còn hạn chế, rác thải sau khi sử dụng vẫn không bỏ đúng nơi quy định khiến lượng rác tại bãi biển vẫn còn nhiều. Do đó, từ tháng 8 năm 2020, Chi đoàn đồn Biên phòng Tiên Hải đã triển khai mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em tới trường”. Mô hình ra đời đã góp phần tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, cũng như nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển.

Hàng ngày, tại khu vực cầu cảng Bãi Nồm thuộc ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải luôn nhộn nhịp những chuyến tàu chở du khách, hải sản cũng như các mặt hàng thiết yếu đến và rời đảo. Việc đặt “chú cá” tại khu vực này đã tạo điều kiện để mọi người sau khi sử dụng các loại rác thải nhựa như vỏ lon, vỏ chai bỏ đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Đặc biệt, địa điểm đặt “chú cá” gần trường học nên đây là điểm đến cho học sinh trên địa bàn trong các tiết học thực tế về việc bảo vệ môi trường biển, chống tác hại của rác thải nhựa.

Mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em đến trường” là một chiếc lồng bằng sắt tạo hình giống chú cá biển có chiều dài chừng 2m, rộng khoảng 1,5m, có thể “ăn” hơn 600 vỏ lon, chai nhựa. Khi số rác đã đầy, cán bộ đồn Biên phòng Tiên Hải sẽ đem bán phế liệu tạo nguồn kinh phí để mua sách vở, đồ dùng học tập tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mô hình không chỉ tạo ấn tượng về hình dáng “chú cá”, mà còn mang thông điệp về môi trường, khuyến khích các quán hàng sát khu vực bờ biển đầu tư các thùng rác để mọi người chủ động bỏ rác thải đúng nơi quy định.

Thầy Nguyễn Văn Phường, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tiên Hải chia sẻ: “Mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em đến trường” do các chiến sĩ Biên phòng triển khai thực sự đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền cho học sinh cũng như du khách và người dân nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường. Cũng nhờ sự sáng tạo đó đã tạo được nguồn kinh phí giúp đỡ một phần cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi xã đảo Tiên Hải trong hành trang thực hiện ước mơ đến trường của mình”.

Chia sẻ về mô hình ý nghĩa này, em Phạm Thị Băng, học sinh lớp 4, trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tiên Hải vui vẻ nói: “Được các thầy cô giáo giảng dạy việc bảo vệ môi trường, ảnh hưởng của rác thải nhựa, những hành động góp phần bảo vệ môi trường biển... vì vậy mà em và mọi người luôn bỏ rác đúng nơi quy định. Bởi chúng em đều hiểu rằng, hành động nhỏ đó của mình sẽ góp phần chung tay bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh, sạch trên khu vực sinh sống”.

Mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em đến trường” do cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tiên Hải triển khai.
Mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em đến trường” do cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tiên Hải triển khai.

Chung tay chăm lo cho học sinh nghèo

Hơn 10 năm kể từ ngày triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đảo Tiên Hải đã trở mình mạnh mẽ. Hoạt động giao thương, kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên vẫn có những gia đình cuộc sống còn khó khăn, việc chăm lo cho con đến trường cũng rất vất vả. Từ thực tế đó, suốt những năm qua cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tiên Hải đã tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn làm ăn phát triển kinh tế, đặc biệt là học sinh nghèo đến trường học tập.

Để có nguồn hỗ trợ cho học sinh nghèo, ngoài việc tự nguyện đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tiên Hải còn thường xuyên vận động các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, vật chất để tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Trung tá Vũ Minh Tuân, chính trị viên đồn Biên phòng Tiên Hải cho biết: “Trong hơn 5 năm qua, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng phát động, đơn vị đã nhận đỡ đầu 3 em học sinh nghèo với mức hỗ trợ mỗi em một tháng 500 nghìn đồng cho đến khi học hết lớp 12. Điều đáng mừng là các em được nhận đỡ đầu, dù có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều ngoan ngoãn, lễ phép, luôn có ý chí vươn lên trong học tập”.

Cũng theo chia sẻ của Trung tá Tuân, hàng năm đơn vị này đều vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm ủng hộ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, mua bảo hiểm thân thể cho học sinh trên địa bàn với tổng trị giá số tiền hàng trăm triệu đồng. Riêng đối với mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em đến trường”, sau hơn một năm triển khai số tiền thu về từ việc bán các loại vỏ lon, vỏ chai nhựa được gần 5 triệu đồng. Nguồn kinh phí này đã bổ sung vào quỹ học bổng của đơn vị để mua dụng cụ học tập, sách vở tặng cho học sinh nghèo trong năm học mới 2021 - 2022 vừa qua”.

Em Phạm Thị Huế Trân, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tiên Hải, xã Tiên Hải, được đồn Biên phòng Tiên Hải nhận đỡ đầu suốt hơn hơn 2 năm nay vui mừng nói: “Các chú Biên phòng đã giúp đỡ con rất nhiều. Ngoài tặng sách vở, quần áo trong dịp khai giảng năm học mới, hàng tháng các chú còn hỗ trợ tiền để đóng học phí và mua các đồ dùng học tập. Nhờ đó mà bố mẹ cũng vơi đi được một phần khó khăn trong việc lo cho con đến trường. Con luôn tự nhủ bản thân sẽ cố gắng học tập tốt, để sau này có việc làm ổn định, từ đó có thể giúp đỡ được nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như việc làm ý nghĩa của các chú bộ đội Biên phòng”.

Ông Phan Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải: “Mô hình “Cá biển xin rác, tiếp bước em đến trường” và các chương trình, hoạt động của các anh Biên phòng trong thời gian qua đối với học sinh nghèo là rất thiết thực. Việc làm ý nghĩa đó đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cũng như huy động nguồn lực chung tay chăm lo cho mầm xanh tương lai. Từ đó giúp học sinh nghèo có cơ hội bước vào giảng đường đại học và mở ra cơ hội trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...