Bài học giá trị từ cậu học trò khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Cô Trương Thị Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường TH Lê Hồng Phong nói phía sau cửa lớp là bài học quý báu trong quãng thời gian làm chủ nhiệm của tôi.

Cô Trương Thị Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường TH Lê Hồng Phong (tỉnh Thái Bình) cùng học trò của mình.
Cô Trương Thị Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường TH Lê Hồng Phong (tỉnh Thái Bình) cùng học trò của mình.

Cô Trương Thị Thủy - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) là một trong hàng nghìn giáo viên tham gia cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2022”.

Cô Thủy chia sẻ: “Khi biết đến cuộc thi này, tôi nghĩ ngay đến kỷ niệm với cậu học trò của cũ của tôi; tôi đã viết ra tác phẩm “Phía sau cửa lớp” là nỗi lòng, tâm sự và những kỷ niệm của tôi và cậu học trò Nguyễn Quang Minh".

Minh là một học sinh khuyết tật trí tuệ do bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ đời ông bà. Ông bà Minh đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, không may bị nhiễm chất độc màu da cam và di chứng đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ mà đến cả Minh.

Mang trong mình khuyết tật trí tuệ dẫn đến việc tiếp thu bài của Minh phần nào bị hạn chế nhưng em rất ham học. Minh viết chính tả tốt; môn học Minh gặp khó khăn chính là Toán.

Cô Trương Thị Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường TH Lê Hồng Phong và học trò của mình trong một giờ ngoại khóa.

Cô Trương Thị Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường TH Lê Hồng Phong và học trò của mình trong một giờ ngoại khóa.

“Minh chỉ tính được các phép tính cộng trừ đơn giản, tôi nhớ phép cộng đầu tiên Minh làm được hai cô trò loay hoay bao nhiêu ngày. Khi Minh tự tính được cả hai cô trò đã vỡ òa hạnh phúc, cảm thấy được rằng bao nhiêu cố gắng của hai cô trò đã được đền đáp.

Đối với phép tính chia, Minh gặp khó khăn khi làm, do vậy nhiều lúc chán nản không học. Những lúc như vậy, tôi phải động viên, phân tích và tìm cách nào đơn giản hóa để mình có thể làm được và nhớ được lâu”, cô Thủy kể lại.

Cô Thủy bày tỏ cảm xúc về cuộc thi: "Tôi tin nhiều thầy cô, học sinh, sinh viên khi tham gia cuộc thi này đều hi vọng cuộc thi sẽ duy trì lâu dài; là nơi chúng tôi có thể gửi gắm, chia sẻ những hoài niệm của mình với học trò đã trải qua.

Sẽ có những kỷ niệm là tiếng cười, cũng có những kỷ niệm là nước mắt nhưng tất cả đều là động lực để chúng tôi cố gắng, cống hiến nhiều hơn nữa dẫu phía sau cánh cổng lớp mỗi thầy cô đều có những những lo toan, vất vả của cuộc sống hàng ngày".

Cô Trương Thị Thủy chia sẻ: “Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đỗ vào hai trường là Học viện báo chí và tuyên truyền và Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Tuy nhiên, tôi quyết định học ngành Sư phạm để theo đuổi ước mơ làm cô giáo. Tôi mong rằng có thể đem hết những nhiệt huyết, kiến thức mình có được để dạy dỗ, hướng dẫn cho học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ