Buôn voi tình nghĩa, kiên cường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đọc truyện dài 'Người quản tượng và con voi chiến sĩ', độc giả được 'tận mắt' chứng kiến những sinh hoạt hằng ngày của các buôn voi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng với đó, nhà văn Vũ Hùng còn rất thành công khi thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người con Tây Nguyên với giặc Pháp, bằng giọng văn tự nhiên mà hùng tráng, chân thực.

“Không có voi là… bất hạnh!”

“Người quản tượng và con voi chiến sĩ” là một trong rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của nhà văn Vũ Hùng như “Sao Sao”, “Sống giữa bầy voi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Phía Tây Trường Sơn”, “Bí ẩn của rừng già”… Cuốn truyện dày gần 260 trang, dẫn dắt độc giả sau khi đến với cuộc sống êm ả của buôn làng voi sẽ theo chân Đik và chú voi Lôm-luông cùng bộ đội Trường Sơn lên đường chiến đấu với giặc ngoại xâm - thực dân Pháp.

Mở trang truyện, độc giả được gặp gỡ dân làng Ta-khan bao thế hệ sống thân thiết với loài voi bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Voi đã giúp dân làng Ta-khan có được cơ ngơi bề thế, trù phú. Vì vậy, với họ, “không có voi, đó là một điều “bất hạnh”, một điều “bất hạnh” rất lớn!”.

Thế nhưng, vì chỉ sở hữu chú voi già Lêk-đăm nên ông cháu Đik vẫn luôn đau đáu kiếm tìm chú voi mới. Tác giả đã khéo léo mở ra tình huống: Cơn giông của mùa Hè năm 1942 đã kéo theo cả “món quà trên trời rơi xuống” với ông cháu Đik: Một chú voi non lạc bầy.

Lôm-luông trong tiếng Lào có nghĩa là “Giông bão”. Đik đã lựa chọn cái tên ấy để đặt cho chú voi non, với mong muốn Lôm-luông trưởng thành sẽ có sức khỏe như cơn bão ngày Lôm-luông đến với ông cháu Đik.

Lôm-luông có: “Đôi mắt linh lợi”, “cái đầu gọn gàng thanh thoát”, “cặp ngà óng chuốt, mập và nhọn như hai búp măng”, “cái vòi mềm mại”, “bốn chân to lớn, vững chãi” khiến “người khó tính đến đâu cũng không chê trách được”.

Bằng những câu văn giàu hình ảnh, nhà văn Vũ Hùng đã miêu tả Lôm-luông vừa đáng yêu vừa tiềm tàng sức mạnh để cùng Đik bước vào cuộc sống mới.

Cùng với đó, tác giả còn giúp độc giả khám phá về những thử thách để Đik được công nhận là quản tượng. Cậu bé đã có được những phẩm chất quan trọng để xử trí mọi tình huống có thể xảy ra.

Đó là sự bình tĩnh, tỉ mỉ khi chẩn đoán bệnh cho voi, như ông già Rem đã nói với Đik: “Con voi không biết nói, chữa cho nó thì phải tìm bệnh kĩ, chớ vội vàng. Nếu đoán sai bệnh rồi cho thuốc lầm thì chỉ làm cho nó ốm thêm”.

Đó là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý khi ghép đôi voi kéo gỗ: Quản tượng chính phải ra hiệu kịp thời cho quản tượng bạn để đôi voi đi cho ăn ý. Hay còn là sự khôn ngoan, nhanh nhẹn và chính xác khi phải đối mặt với kẻ thù: Đik đã kịp thời điều khiển Lôm-luông để hạ gục và tránh khỏi đòn hiểm của bò tót.

Chiến đấu kiên cường

Những tưởng, cuộc đời sẽ phẳng lặng trôi đi và Đik hằng ngày sẽ đưa Lôm-luông kéo gỗ, giúp cuộc sống của hai ông cháu ngày càng sung túc. Nhưng giặc Pháp đã từ Lào kéo sang, chúng phá hỏng cuộc sống bình yên, êm ả, khiến làng Ta-khan phải rời khỏi ngôi làng tốt đẹp để tới nơi ở mới. Từ đó, độc giả theo chân Đik và chú voi Lôm-luông cùng bộ đội Trường Sơn lên đường chiến đấu với giặc ngoại xâm.

Ban đầu, Đik đến với cách mạng khi đến nơi ở mới, một người lính thuộc bộ đội tình nguyện đã ươm mầm ước ao của Đik: “được đi đó đây, như cánh chim bay khắp miền đất nước”. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi đại đội Trường Sơn ghé qua làng Ta-khan mạy (tức Ta-khan mới) và nhận Lôm-luông cùng Đik vào hàng ngũ.

Nhà văn Vũ Hùng đã thật hóm hỉnh khi kể chuyện Lôm-luông… “hành quân”, không những rất trật tự mà còn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình: Vận chuyển đồ đạc của cả đại đội.

Lôm-luông đã giúp các chiến sĩ hành quân gọn nhẹ hơn, nên thời gian hành quân cũng được rút ngắn lại. Không chỉ vậy, rất nhiều bài học và hiệu lệnh đã được Đik và các chiến sĩ dạy cho Lôm-luông, giúp Lôm-luông có thể thích nghi với môi trường chiến tranh, trở thành một “con voi chiến sĩ”.

Không chỉ vậy, trong truyện dài “Người quản tượng và con voi chiến sĩ” còn có không ít câu chuyện khiến người đọc lắng lại những suy tư. Chẳng hạn như chuyện Ngoạn đã lợi dụng phiên canh gác của mình để đưa Lôm-luông tới với giặc Pháp.

Một sự phản bội ghê tởm và không thể chấp nhận được! Với quyết tâm “dù có chết trong cuộc săn đuổi này, cũng phải bắt nó lại”, Đik đã dũng cảm một mình theo những dấu chân Lôm-luông để tìm cách đưa người bạn thân thiết ấy trở về.

Đó còn là câu chuyện dân làng Ta-khan mạy kháng chiến. Ông già Rem tiêu diệt được cả tiểu đoàn giặc Pháp dù không dùng súng, lao, mác hay bất kì vũ khí gây sát thương nào.

Ông đã lừa cả một tiểu đoàn quân giặc sa lầy tại vũng bùn cuối làng. Tuy không thể sống sót trở về, nhưng ông già Rem luôn tự hài lòng với bản thân của mình: “Không! Lũ mày lầm rồi! Dù cái chết có khủng khiếp hơn thế này, ta cũng không bao giờ thấy khốn khổ”.

Bằng giọng văn lôi cuốn, hấp dẫn và những hình vẽ minh họa ý nghĩa, truyện dài “Người quản tượng và con voi chiến sĩ” đã khắc họa một cách sinh động, chân thực tinh thần dũng cảm, kiên cường của dân làng Ta-khan mạy cũng như các chú voi chiến hăng hái tham gia chiến đấu chống Pháp.

Cuốn sách như còn nhắc nhở thế hệ hôm nay luôn nhớ tới công lao của bao thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thanh xuân, tuổi trẻ để bảo vệ nền độc lập, hòa bình của quê hương, đất nước...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.