Café chủ nhật

Bước từ mùa yêu thương

GD&TĐ - Có mùa nào tràn ngập yêu thương để sự sẻ chia sưởi ấm những bàn tay lạnh giá?

Minh họa: Tiến Thành
Minh họa: Tiến Thành

Có mùa nào tình yêu đơm hoa nẩy quả để lứa đôi thề nguyện một mái nhà? Có mùa nào nặng nỗi nhớ thiết tha, nhìn tấm áo nhớ bóng người đan áo... Phải chăng, vì vậy, mà người ta gọi mùa Đông là mùa của yêu thương.

Một năm có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông là quy luật tuần hoàn của thiên nhiên. Đã vào tiết lập Đông, trên đường phố, chiếc áo mỏng vẫn là phổ biến. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cột mốc mùa chỉ còn in đậm trên tờ lịch. Người ta hỏi nhau: “Sao đến giờ mà thời tiết vẫn như ngày Hè thế nhỉ?”. Người hỏi chẳng đợi câu trả lời, họ chỉ muốn thể hiện nỗi nhớ mùa Đông sao chậm đến, để còn có cơ hội khoe chiếc áo mới, hay đơn giản chỉ muốn cảm nhận sắc thái thay đổi của mùa.

Với những người thuộc thế hệ trước như mẹ tôi, sinh ra cùng với sự đói nghèo của gia đình và những khó khăn chung của đất nước thì mùa Đông lại nặng trĩu những lo toan về cái ăn, cái mặc. Tôi vẫn nhớ câu nói của mẹ: “Mùa Đông là mùa của người giàu”! Sau này mới hiểu cái hàm ý của một phụ nữ xuất thân từ bần cố nông, cho dù thời điểm ấy bà đã rời quê hương ra thành phố sinh sống được một thời gian dài. Thế là, trước đây, ở nông thôn trong thời kỳ phong kiến, đế quốc, người dân nghèo không có đủ quần áo ấm để mặc nên chẳng ai mong chờ cái mùa gieo rắc sự lạnh lẽo đến nhân gian! Vả lại, mùa Đông mọi người có nhu cầu ăn nhiều hơn, do cần một lượng ca-lo lớn để chống chọi với cái rét, nỗi lo thường trực thiếu đói trong mùa giáp hạt cũng là một nguyên nhân mà người nghèo sợ mùa Đông đến.

Sau này, như thành một nếp quen, mỗi dịp có người về quê chơi, mẹ tôi lại lục tìm những bộ quần áo cũ mà chúng tôi đã mặc chật, giặt giũ sạch sẽ, đóng vào bao tải để gửi về quê cho anh em họ hàng.

Bây giờ, người ở quê tôi không mặc những bộ quần áo cũ nữa mà mặc bộ đồ mới, đẹp, thời trang. Cuộc sống ở nông thôn đã khác xưa nhiều lắm. Nhưng với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, dân tộc thì vẫn cần lắm những sẻ chia..

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Mùa Đông lan tỏa yêu thương, các tổ chức, đoàn thể, hội nhóm, bà con Phật tử... rủ nhau làm việc thiện, đứng ra vận động quyên góp quần áo cũ, đồ dùng sinh hoạt, lương thực - thực phẩm, tiền bạc... Mọi người vượt hàng trăm cây số địa hình hiểm trở, để mang tặng cho đồng bào vùng cao, với mong muốn đem tình cảm từ đồng bằng, sưởi ấm nơi biên cương địa đầu Tổ quốc.

Thật hạnh phúc khi được trao gửi yêu thương cho người khác và thấy được niềm hân hoan trên khuôn mặt người nhận. Nhưng yêu thương có được là từ giáo dục, gieo mầm rồi nảy nở trong mỗi gia đình, từ đó, tạo nên một xã hội nhân ái đầy tình yêu thương.

Nhìn chiếc áo len mẹ đan cho tôi thuở nhỏ, tôi vẫn cảm nhận rõ hơi ấm từ tình yêu thương ấy. Đó cũng là tình yêu thương chung của những người phụ nữ Việt Nam luôn hết lòng, hết sức vì gia đình nhỏ của mình.

Thời bao cấp, đi tới đâu cũng bắt gặp các bà, các mẹ, các chị tranh thủ thời gian lấy cuộn len và kim đan thủ sẵn trong túi xách, vừa nói chuyện, vừa thoăn thoắt đôi tay để đan cho chồng, cho con, cho người yêu những chiếc áo len, khăn len, hay đôi găng tay bằng len để mùa Đông bớt lạnh. Rồi khi công việc khác ập đến, họ lại vội vã cất đi, để rồi, sự lo toan mùa Đông về cứ bám riết hết thời giờ rảnh rỗi của họ, bám riết suốt bốn mùa trong năm.

Những đồ đan thêu thủ công bằng tay của người phụ nữ thời ấy không chỉ là món quà vật chất, mà nó còn thể hiện tình yêu thương khi theo người lính ra trận, theo những thanh niên xung phong trên những công trường lao động; hoặc “bay” cùng những du học sinh, công nhân xuất khẩu lao động ra nước ngoài... Khi đó, nó vượt lên tên gọi của đồ vật bình thường, để trở thành những kỷ vật thiêng liêng của tình mẫu tử, tình yêu, tình bạn!

Với mẹ tôi, ngoài việc đan khăn, áo, mũ, găng tay cho chồng con, bà còn nhận đan len cho tổ hợp tác để kiếm thêm bó rau, cân gạo cho gia đình. Hình ảnh mẹ cặm cụi bên ngọn đèn dầu mỗi khi mất điện để đan cho đủ năng suất tới tận đêm khuya trong tiết trời Đông giá lạnh vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Nếu không đủ yêu thương, làm sao, mẹ và những người phụ nữ lại hy sinh nhiều đến thế!

Ngày bé, tôi luôn tự thắc mắc với chính mình, tại sao mùa cưới lại là mùa Đông? Tại sao, trong cái tiết trời giá lạnh ấy mà cô dâu vẫn có thể rạng ngời trong bộ váy cưới bằng vải voan mong manh mà không biết rét? Sau này, tôi đặt câu hỏi đó với cha. Ông mỉm cười trìu mến, vuốt nhẹ mái tóc tôi mà nói: “Mùa Đông là mùa cuối cùng trong năm, để đến được với mùa Đông, phải trải qua ba mùa trước đó như sự thử thách của lòng người. Nếu mùa Xuân là mùa cây trái đâm chồi nảy lộc, tượng trưng cho sự khởi đầu của tình yêu thì mùa Hạ là sự nồng cháy của đôi lứa. Mùa Thu lãng mạn, nhưng trong tình yêu là sự chín chắn để xác định hai trái tim có cùng nhịp đập. Khi Đông về thì trao cho nhau lời thề hẹn ước trăm năm chung một mái nhà... Nghe tới đó, tôi đã hiểu vì sao mùa Đông lạnh giá mà cô dâu vẫn nóng bừng niềm hạnh phúc, bởi đã có ngọn lửa tình yêu sưởi ấm trái tim rồi!

Thế giới đang thay đổi, có những điều tưởng như bất biến như sự tuần hoàn của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, giờ đây cũng đang đối diện trước thách thức của biến đổi khí hậu, tạo ra nguy cơ thay đổi quy luật của mùa. Mấy chục năm nữa hay một trăm năm nữa, liệu mùa Đông có còn hiện hữu nữa hay không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào sự chung tay của nhân loại trong việc bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn cầu. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là mùa yêu thương sẽ mãi còn tồn tại nếu như chúng ta biết chìa bàn tay của mình ra thế giới và nắm lấy những bàn tay khác để chia sẻ yêu thương!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ