Ngày... tháng... năm...

Càng lắm gian khổ, càng nhiều yêu thương

GD&TĐ - Ngày đầu tiên nó đi học. Buổi sáng, lão đưa nó đến trường. Cô giáo đón, nó giãy giụa đòi theo bố... Lão vội quay đi, mắt ngân ngấn nước...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Buổi trưa, mẹ nó bảo: “Không có con bé ngủ ở nhà, cảm thấy giường cứ thênh thênh thế nào ấy!”. Lão lặng im không nói, nằm ngoảnh mặt vào trong, lòng chan chứa nỗi nhớ con...

***

Lão xin về sớm hơn chừng nửa giờ cốt để kịp đến lớp nó vào giờ ăn trưa. Lão nép mình bên ngoài hành lang lớp học, cố nhìn qua khe cửa xem con bé ăn uống thế nào. Nó vẫn thút thít, nức nở, hai mắt sưng mọng... Cô giáo vừa bón cơm cho nó vừa nựng: “Con ăn ngoan nhé, chiều cô gọi bố đến đón sớm...”. Nhìn con bé vừa nấc vừa ăn, lão thấy thương con đến nghẹn lòng...

***

Nó ngơ ngác đưa ánh mắt ra phía cổng tìm người đón. Nhìn thấy bố đứng đợi từ bao giờ, nó cuống quýt chạy lại ôm chầm lấy. Trên đường về, nó bi bô đọc thơ cho bố nghe: “Lên bốn, Em lên bốn, đã lớn rồi, Em không vòi, không khóc nữa...”. Từ ngày nó đi học, hôm nay lão thấy lòng mình chộn rộn những cảm xúc khó tả.

***

Nó về khoe với bố mẹ rằng nó được chọn vào học ở lớp chất lượng cao trên huyện, nhưng băn khoăn nếu chuyển lên học trên đó thì ai sẽ đưa đón nó mỗi ngày. Vợ chồng lão vui mừng khôn xiết, lão bảo: “Bố sẽ đưa đón con mỗi ngày”. Và từ năm học lớp 4 trở đi, trời nắng cũng như trời mưa, tiết trời ấm áp cũng như rét mướt, lão kiên trì đi đi, về về hơn bốn mươi cây số mỗi ngày để đưa đón con... Tuy vất vả nhưng lòng lão tràn trề niềm hy vọng...

***

Nó bảo, nó học lớp 7 rồi, bố mẹ mua cái xe điện, nó sẽ tự đi học để bố đỡ phải đưa đón nữa. Chắc nó thương lão vì hôm nào cũng sấp ngửa việc nhà, việc cơ quan rồi lại tất tả trên đường đưa đón con. Trước nguyện vọng của nó, lão bảo: “Con là con gái, chân yếu tay mềm, không cứng rắn và mạnh mẽ như con trai đâu, bố mẹ không đành lòng để con tự đi đi về về mấy chục cây số mỗi ngày...”. Nó đáp: “Con lớn rồi, với lại mấy đứa bạn con cũng tự đi về, bố mẹ đừng lo...”.

***

Mới gần năm giờ sáng, từng cơn gió bấc rít ù ù, trời mưa tầm mưa tã, ngoài sân, ngoài vườn còn tối om om nhìn chưa rõ mặt người, thế mà nó đã chuẩn bị tinh tươm quần áo mưa, cặp sách, mũ bảo hiểm, sẵn sàng để lên xe đi học. Nhìn bóng nó khuất dần trong mưa rét, lão khẽ lắc đầu ái ngại...

***

Đầu giờ chiều, nó khẽ khàng: “Con chào bố mẹ con đi học!”. Lão mở choàng mắt, ú ớ: “Con đi cẩn thận, mặc áo nắng vào không đen hết da con gái nhé!”. Rồi lão dậy mở cổng cho con. Trời không một gợn mây, hơi nóng ngùn ngụt phả lên mặt đường nhựa. Nắng như thiêu như đốt mà không có lấy một gợn gió nào! Nó đi rồi, lão quay vội vào phòng lạnh, nỗi thương cảm trào dâng trong lòng...

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

***

Trong bữa ăn tối hôm nay nó hơi ít nói. Bố mẹ lo lo nhưng chờ nó ăn xong mới dám hỏi: “Con có tâm sự gì phải không?”. Nó ngập ngừng: “Con muốn thi vào trường chuyên trên tỉnh... nhưng con chỉ sợ đỗ rồi vào ở nội trú trong đấy ba năm học nhà mình sẽ vắng...”.

Lão thở phào như trút được nỗi lo âu lớn: “Con ít nói làm bố tưởng có chuyện gì! Mới lớp 9 mà con đã suy nghĩ được thế có nghĩa là con luôn luôn đặt chữ hiếu, chữ nghĩa làm đầu. Chỉ cần thế là bố mẹ rất ấm lòng nếu con đi học xa nhà... Mỗi chúng ta hãy cùng cố gắng nhé!”. Trong lòng lão cũng thoáng chút bâng khuâng...

***

Cha con lão dậy từ rất sớm để chuẩn bị đưa nó lên tỉnh thi chuyển cấp. Mới sáu giờ mà người và xe đã chật như nêm khu cổng trường. Lão hơi ái ngại động viên con: “Số bạn thi rất đông, con đừng áp lực, cứ cố gắng ở mức cao nhất, nếu không được cũng coi như một lần thử sức...”. Nó nắm chặt tay lão dặn: “Bố đừng quá căng thẳng, con sẽ cố gắng!”.

Mười giờ ba mươi phút... Một, hai... ba... rồi rất đông học sinh đã rời khỏi phòng thi. Lão nóng ruột như có lửa đốt, mắt đau đáu nhìn về phía phòng thi mà con lão ngồi làm bài.

Rồi nó cũng vội vã bước ra từ phía ấy. Nó ngơ ngác đưa ánh mắt ra phía cổng tìm bố. Nhìn thấy bố, mặt nó rạng rỡ, cuống quýt chạy lại ôm chầm lấy như hồi còn đi học mầm non.

Lão khẽ thì thầm: “Đề thi vào chuyên khó lắm phải không con?”. Nó cũng khe khẽ như chỉ để một mình lão nghe thấy: “Đề khó, nhưng con làm được bố ạ!”. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của nó, lòng lão cảm thấy yên tâm và tràn đầy hy vọng.

***

Mười một giờ đêm, trời oi nồng đến ngột ngạt. Học bài xong nó gọi video về cho bố mẹ, thấy nhà không bật máy lạnh, nó hỏi lý do thì lão bảo: “Bảy tám đứa các con ở một phòng trong ký túc xá chật hẹp chẳng có máy lạnh còn chịu được, bố mẹ ở nhà thoáng thế này cần gì, càng lắm gian khổ càng nhiều yêu thương con ạ! Có lần bố đã bảo mỗi chúng ta hãy cùng cố gắng còn gì!”.

Nghĩ đến cảnh học sinh vừa vất vả vừa thiếu thốn, cực khổ, vợ chồng lão chẳng đành lòng sung sướng một mình...

***

Ba năm cấp ba cũng vụt trôi qua. Thoáng cái nó đã là cô sinh viên học ở ngôi trường mà ngày xưa lão từng ước mơ được vào ngồi học với số điểm thi gần như tuyệt đối.

***

Ngày nào lão cũng nguyện cầu cho nó đủ sức khỏe để học hành.

Ngày nào lão cũng cầu mong nó sẽ học được những gì cần học để có đủ những hành trang cần thiết bước vào cuộc sống, vào nơi mà có đầy cám dỗ bủa vây, nơi mà có cả những thứ cứ xô bồ, lẫn lộn, nếu không nhận ra, không đủ bản lĩnh để bước qua sẽ gục ngã bất cứ lúc nào...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.