Café chủ nhật

Yêu thương nối dài

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học này của cô giáo Giang không giống những năm học trước. Ngay từ đầu năm, cô đã không thể dự khai giảng...

Minh họa: Tiến Thành.
Minh họa: Tiến Thành.

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta có thêm một ngày để yêu thương”

Phải chăng khi được đặt giữa lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết, người ta mới thấu tận cùng hai câu thơ của tác giả Kahlil Gibran. Đang sống trong quỹ thời gian đếm ngược, cô giáo Giang càng trân trọng từng giây phút cuộc sống ban tặng.

Giang là một cô giáo trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Năm học trước, Giang đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được bầu là chiến sĩ thi đua cơ sở. Những thành tích đáng tự hào ấy như những minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu hết mình của cô với nghề.

Kể từ khi ra trường, chính thức được đứng trên bục giảng, cô luôn hăng say, phấn đấu, cống hiến. Sáu năm ra trường, sáu năm chèo lái những chuyến đò đầy ắp yêu thương. Giang thấy yêu trò, yêu nghề vô cùng.

Năm học này của cô giáo Giang không giống những năm học trước. Ngay từ đầu năm, cô đã không thể dự khai giảng. Cơn khó thở trong buổi tập huấn tan muộn vào cuối tháng Tám đã buộc Giang phải đến bệnh viện thăm khám. Giang đã nghĩ: “bệnh xoàng thôi”; ”. Bao nhiêu năm nay, Giang miệt mài, cần mẫn giảng dạy hết khóa học sinh này đến khóa học sinh khác có ốm đau bao giờ đâu”.

Với ý nghĩ ấy nên cô đến bệnh viện trong tâm thế của kẻ dạo chơi, lướt qua rồi về. Giang đã quá tự tin vào sức khỏe để khi bác sĩ đầu ngành thông báo: Ung thư phổi, giai đoạn bốn, thì cô sững sờ, kinh ngạc. Giang không muốn tin, nhưng đó là sự thật một sự thật hiển nhiên không thể thay đổi. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp xót xa, thương cảm, còn cô thì hoang mang.

Làm gì đây? Điều trị theo phác đồ của bác sĩ hay tranh thủ những ngày tháng khỏe mạnh còn lại để sống có ý nghĩa? Tìm hiểu kỹ hơn về bệnh ung thư, về tình trạng bệnh của mình, cô băn khoăn có nên từ chối điều trị theo phác đồ của bệnh viện?

Như tất cả bệnh nhân ung thư, cô khao khát được sống. Sống chứ không phải tồn tại. Dù quỹ thời gian đếm ngược, Giang vẫn muốn được hít thở không khí trong lành của sớm mai, vẫn muốn được leo lên chiếc xe máy quen thuộc đến lớp mỗi ngày.

Còn gì tuyệt vời hơn khi mở đầu ngày mới lại được nghe tiếng hô dõng dạc đầy năng lượng quen thuộc của học trò thân yêu: “Chúng em chào cô ạ!”. Trong Giang lúc này hình ảnh trường lớp, học trò, đồng nghiệp tràn ngập. Giang phải về thôi và Giang đã về sau khi có kết luận cuối cùng của bác sĩ: “Bệnh của em chỉ can thiệp để hạn chế, quá muộn để chữa khỏi hoàn toàn”.

Giang không còn quá sốc với hoàn cảnh hiện tại của mình. Giang đọc nhiều, chính việc đọc nhiều giúp Giang giữ được thái độ bình thản, lạc quan. Cô hiểu rằng việc được thức dậy khỏe mạnh mỗi ngày là ân huệ mà cuộc đời ban tặng, cô phải biết trân trọng từng giây phút để yêu thương.

Ảnh minh họa: flickr.com.

Ảnh minh họa: flickr.com.

“Để nếu ngày mai không bao giờ đến nữa

Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc ngày hôm nay”

Hai câu thơ, Giang đọc trong cuốn “ Hạt giống tâm hồn” trở thành phương châm sống của cô trong thời gian này.

Giang vẫn lên lớp, dù Ban lãnh đạo trường đã tạo mọi điều kiện cho cô nghỉ ngơi. Giang biết mọi người lo lắng cho sức khỏe của cô, nhưng với Giang được đi dạy chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp cô lạc quan vượt lên bệnh tật.

Hôm đầu tiên, sau khi ra viện, Giang bước vào lớp trong tâm thế của người “chỉ sống hôm nay” nên cô muốn học trò chia sẻ ước mơ về tương lai như thể cô muốn thông qua các em mà được du hành về thời gian của nhiều, thật nhiều năm sau. Không ngờ tiết dạy ấy lại sôi nổi, hào hứng đến thế. Nhìn những ánh mắt đầy quyết tâm khi nói về ước mơ của học trò,

Giang tự nghĩ: Sao trước đây cô không có những tiết dạy thú vị thế này nhỉ? Cô nhận ra, tiết học không chỉ đơn thuần nhồi nhét kiến thức mà cần đan xen sự lắng nghe, chia sẻ, nó sẽ giúp các em có động lực, mục tiêu để học tập, phấn đấu. Học trò của Giang lúc đầu rụt rè, sau khi được khích lệ, các em đã nói ra mơ ước được cống hiến trong những nghề nghiệp như: Bác sĩ, giáo viên, doanh nhân,…

Chỉ có Nghĩa, cậu học trò hơn chục năm nay đều đặn đi truyền máu mỗi tháng một lần, thì em mơ ước được mạnh khỏe để tham gia tất cả các hoạt động giống các bạn cùng trang lứa. Giang xót xa quá, bây giờ mới đồng cảm, thấu hiểu được tâm trạng của cậu học trò mà cô chủ nhiệm gần hai năm nay.

Trước mặt cô, cậu trò nhỏ thó, yếu ớt, làn da mái xanh nhưng ánh mắt thì trong veo, sáng ngời. Ngày đầu tiên trong chuỗi ngày đếm ngược, Giang có thêm nghị lực vượt lên bệnh tật mà cô học được từ Nghĩa, cậu học trò nhỏ của cô.

Ngày thứ hai, Giang vui vẻ chuyện trò bên chị em đồng nghiệp. Ai cũng hỏi thăm, động viên rồi cả thương xót. Giang đón nhận tất cả như cách thản nhiên đón nhận lời chẩn đoán thẳng thắn của bác sĩ về tình trạng bệnh của cô.

Giang chú ý đến lời của một chị đồng nghiệp, chị kể về một bệnh nhân ung thư chăm chỉ uống thuốc nam, sống lạc quan và luyện tập đều đặn. Kỳ tích đã đến với bệnh nhân ấy, bệnh nhân vẫn vui vẻ sống suốt năm năm nay dù cho bác sĩ chẩn đoán không qua được sáu tháng.

Bệnh nhân ấy là bố chồng chị. Ngày thứ hai của chuỗi ngày đếm ngược, Giang có thêm động lực, củng cố thêm niềm tin vào sự lạc quan, chăm chỉ luyện tập và tiếp tục với những gói thuốc nam mẹ đã lặn lội đi tìm và đem về cho cô.

Ngày thứ ba, Giang không còn mệt mỏi như những ngày nằm ở bệnh viện. Giang tăng cân nhẹ, dù chỉ tính bằng lạng, nhưng đây là tin vui với cô. Nó là dấu hiệu cô phục hồi và quan trọng nhất Giang thấy sức khỏe mình ổn. Ít ra, giờ này Giang vẫn lên lớp, được dạy, được bên học trò thân yêu của mình. Giang vẫn được viết tiếp ước mơ, được chăm sóc, vun trồng hạt giống trên cánh đồng của mình. Giang vẫn đang được làm việc có ý nghĩa. Giang hân hoan lắm…

Ngày thứ…

Tròn một tháng, tóc Giang vẫn dài và đen. Giang vẫn trang điểm khi lên lớp. Giang nhìn cuộc sống bằng tâm thế của một người “có thêm một ngày để yêu thương” mọi thứ trở nên đáng yêu vô cùng. Nhìn ở đâu, phía nào cũng thấy niềm tin yêu.

Những ngày tháng còn lại, cô sẵn sàng lấy mình làm minh chứng để truyền tải thông điệp sống “yêu thương” cho học trò. Thông điệp ấy sẽ lan tỏa, sẽ lay động đến những trái tim ấm nóng tràn đầy năng lượng, đầy ước mơ, khát vọng, sẽ theo các em trên suốt hành hành trình cuộc đời.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, có thể đây là lần dự lễ kỷ niệm cuối cùng của Giang trong hành trình viết ước mơ, nhưng hiện thực ấy không khiến cô bi quan mà ngược lại cô vẫn xúng xính trong bộ áo dài thiên thanh, cô vẫn cất lên bài ca “người giáo viên nhân dân’’cùng đồng nghiệp. Cô cười thật tươi trong những bức ảnh kỷ niệm. Bấy nhiêu thôi, đủ cho Giang hạnh phúc.

Từ ngày mai, Giang sẽ từ bỏ viết nhật ký. Cô không cần làm việc thừa thãi là đếm ngược thời gian chờ ngày kết thúc của mình. Giang hiểu rằng: Sống không chỉ là tồn tại thời gian bao năm, bao tháng, mà sống là khi từ trái tim, ta cho đi yêu thương để yêu thương được nối dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ