Tản văn:

Má hồng yêu thương

GD&TĐ - Đó là đôi má của mẹ tôi, chứ không phải đôi má của một em bé bồng bông nào.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Thật vậy. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy mẹ đánh son đánh phấn, nhưng đôi má mẹ luôn hồng. Màu hồng tự nhiên, khỏe mạnh. Màu hồng dạn gió dạn nắng, không cố tình chăm chút. Mà có gì đâu để chăm. Bởi thời của cha mẹ, khi lấy nhau không có của hồi môn, không vốn liếng riêng. Đồng lương giáo viên co kéo cũng chẳng đủ nuôi ba đứa con.

Ngoài giờ lên lớp, mẹ cha phải làm thêm nhiều nghề phụ, nuôi con lợn con gà. Khi ở nhà ống quần của mẹ luôn xắn cao tất tả. Nhưng khi đến trường, mẹ thường mặc áo trắng, quần lụa đen chấm qua mắt cá chân, mái tóc đen dày cặp lại gọn gàng. Áo trắng, quần lụa đen, guốc gỗ là trang phục lịch sự của phụ nữ nông thôn miền Bắc một thời bao cấp khó khăn. Không có kem dưỡng da, kem chống nắng. Vậy nhưng da mẹ không hề có vết nám, tàn nhang.

Trong bữa ăn, mẹ thường gắp thức ăn cho chồng cho con. Có miếng ngon lại mang biếu ông bà. Còn mẹ, bao giờ mẹ cũng bảo đủ rồi. Nếu thức ăn là nồi thịt lợn kho lõng bõng nước, mẹ sẽ chan chút nước, ăn chút bì. Nếu thức ăn là nồi cá kho nghệ, mẹ sẽ gắp phần vây phần xương đuôi và ăn nghệ. Những miếng nghệ tươi giã nhỏ, ướp với cá kho nhừ, bùi bùi đăng đắng.

Thuở bé, tôi đã từng tự hỏi, phải chăng mẹ ăn nhiều nghệ nên má luôn hồng. Câu hỏi ngây thơ ấy đến tận bây giờ vẫn chưa có câu trả lời.

Mẹ tôi cũng là người phụ nữ sạch sẽ nhất làng. Sáng nào mẹ cũng dậy rất sớm. Cho dù ngày hôm ấy có tiết một, mẹ vẫn đem xoong nồi ra bờ sông cọ rửa. Bếp đun củi, đun rơm đun lá, nên nhọ nồi thường bám dày bên ngoài. Nồi niêu nhà hàng xóm thường chỉ sạch phía trong. Nếu lỡ chạm vào lớp nhọ nồi bên ngoài là tay đen nhẻm. Nhưng với mẹ tôi, khái niệm “sạch” là phải từ trong ra ngoài. Quần áo, chăn chiếu cũng vậy. Ngày nghỉ là phải tổng vệ sinh, giặt giũ cho thơm tho, quét tước cho gọn gàng, đón không khí tươi mới vào nhà.

Không biết có phải vì sạch quá mà cả đời mẹ nghèo. Chưa đến kỳ lương đã hết tiền. Có năm, mẹ phải giật tạm bạn bè, thậm chí vay nợ lãi để mua bán sắm sửa Tết cho gia đình, biếu bên nội bên ngoại. Tôi nhớ những ngày gần Tết, rét đậm, mưa phùn giăng giăng ẩm ướt. Vậy mà mẹ vẫn giữ thói quen dậy sớm. Hai bàn tay mẹ xoa vào nhau tìm hơi ấm. Mẹ cất tiếng hát “Em đứng giữa giảng đường hôm nay, mà niềm vui trong lòng dâng đầy”. Tiếng hát ấm áp, vút cao, đầy sức sống. Tiếng hát gọi tôi dậy, thúc giục tôi tung chăn bước ra ngoài.

***

Rồi cũng đến lúc mẹ hoàn thành trách nhiệm của mình. Các con đã lớn. Mẹ rời bục giảng, nhận sổ hưu, không thể nhớ đã đưa đón bao nhiêu chuyến đò. Có học trò còn nhớ cô giáo cũ. Nhiều học trò bay xa không một lần trở lại. Chuyện bình thường của nghề dạy học. Và mẹ thấy vui vì đã làm tròn bổn phận.

Nhưng mẹ vẫn chưa thể yên tâm nghỉ ngơi. Căn nhà mới xây khang trang rộng rãi – niềm mơ ước của cả đời đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên nợ nần thì còn nhiều. Các con đều còn trẻ, đứa đã lập gia đình, đứa còn lông bông, mỗi đứa mỗi nơi. Lũ cháu lắt nhắt lít nhít cần người trông nom... Lại tiếp những ngày chắt bóp, dành dụm. Bữa cơm chỉ có chút canh rau vài miếng đậu phụ. Trong khi đó, ở tuổi trung niên, những cơn nhức đầu vì rối loạn tiền đình, rối loạn huyết áp hành hạ mẹ. Thêm chuỗi thoái hóa ở hệ cơ xương khớp. Có những đợt nằm cả tháng trời trên giường bệnh, thèm một bát cháo nóng với tía tô hành lá, thèm một bàn tay con dịu mát hỏi han.

“Khéo ăn thì no khéo co thì ấm”. Có lẽ cuộc đời mẹ cha đã đi theo công thức này. Xong những việc lớn nhất đời người, mái tóc cha đổ trắng như cước, mái tóc dài đen của mẹ thưa rụng và dày thêm sợi bạc. “Nghỉ hưu tôi sẽ đưa bà đi khắp đất nước” - Lời hẹn năm nào cha nói với mẹ vẫn còn ở phía trước. Ánh mắt từng đen láy hồ hởi nay thay vào nhiều mệt mỏi. Mẹ không còn cất tiếng hát vút cao vào mỗi buổi sáng “Em đứng giữa giảng đường hôm nay…”. Màu hồng trên đôi má cũng biến mất, tự bao giờ.

Đời người, đi từng bước thì thật lâu, mà ngoảnh lại như chớp mắt, như chiêm bao. Khi cha mẹ đã có thể nắm tay, an yên sống cho bản thân mình, thì bàn tay đã run, sức đã mòn, lòng đã bình yên trước nắng mưa, chỉ khắc khoải thèm bước chân các con, các cháu trở về sum họp. Mà bước chân thì đôi khi cứ vô tình.

Thế gian ơi. Cho tôi hỏi, đôi má hồng của mẹ tôi đang ở phương nào?!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ