Ngày 9/12, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về tình hình triển khai, kết quả thực hiện một số chính sách giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai đã báo cáo khái quát kết quả phát triển giáo dục cũng như việc thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Lào Cai có 612 trường, 8.197 lớp với gần 230 nghìn học sinh. Toàn tỉnh có 390 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, có 78/138 trường phổ thông DTBT đạt chuẩn quốc gia, chiếm 56,52%; 5/9 trường phổ thông DTNT đạt chuẩn quốc gia, đạt 55,55%.
Trong những năm qua, hàng chục nghìn học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt là chính sách miễn, giảm học phí. Toàn tỉnh có 45.500 học sinh được miễn học phí. Trên 32 nghìn học sinh được giảm 70% học phí. Số học sinh được giảm 50% học phí 3.750 học sinh. Số học sinh được hỗ trợ chi phí học tập trên 76 nghìn học sinh với kinh phí hỗ trợ trên 138 tỷ đồng.
Triển khai Nghị định số 116 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh đã có 32.500 học sinh được hỗ trợ tiền ăn. Hơn 1.700 em được hỗ trợ tiền nhà ở và trên 31 nghìn học sinh được hỗ trợ gạo. Có 232 trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh, tổng kinh phí trên 195 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã có 561 trẻ mầm non và học sinh các cấp thuộc dân tộc ít người được hỗ trợ học tập theo Nghị định số 57 của Chính phủ với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Có 226 sinh viên đi học cử tuyển đã tốt nghiệp, trong đó, 134 em được bố trí việc làm trong cơ quan Nhà nước.
Xuất phát từ thực tiễn giáo dục vùng cao, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, từ năm 2014 Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách của địa phương hỗ trợ cho học sinh và giáo viên. Qua đó đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng về giáo dục của tỉnh, đặc biệt là ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tiêu biểu là chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Quyết định số 132 của UBND tỉnh vào năm 2016. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ trên 718 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai. |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ thêm những kết quả trong thực hiện chính sách đối với học sinh người dân tộc thiểu số của tỉnh, đặc biệt là những khó khăn, bất cập và các giải pháp tháo gỡ.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định những cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh đã tạo động lực to lớn giúp sự nghiệp giáo dục, đào tạo vùng cao của tỉnh chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn không ít khó khăn. Trong thời gian tới, tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ các tỉnh miền núi, vùng cao phát triển giáo dục toàn diện.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện một số chính sách về giáo dục, đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những chính sách đặc thù của tỉnh thúc đẩy phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị: Tỉnh Lào Cai cần quan tâm duy trì số lượng, tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Có giải pháp khắc phục tình trạng học sinh tảo hôn dẫn tới bỏ học. Tập huấn chuyên sâu kỹ năng cho giáo viên về văn hóa ứng xử trong trường học. Kiểm tra việc xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử tại các trường.
Về lâu dài, tỉnh Lào Cai cần quan tâm tới đào tạo, tuyển dụng giáo viên, cán bộ người dân tộc thiểu số. Triển khai đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số.