Lào Cai rà soát các chỉ số phát triển giáo dục

GD&TĐ -Việc thực hiện rà soát các chỉ số phát triển giáo dục của Sở GD&ĐT Lào Cai nhằm cập nhật chính xác số liệu của ngành, đảm bảo phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, báo cáo...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chỉ số giáo dục theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Lào Cai từ 1/4/2019 của Cục Thống kê tỉnh Lào Cai cho thấy: So với toàn quốc, tỷ lệ học sinh đi học chung bậc tiểu học cao hơn toàn quốc và một số tỉnh miền núi phía Bắc; bậc THCS gần bằng toàn quốc nhưng cao hơn một số tỉnh miền núi phía Bắc và THPT thấp hơn toàn quốc nhưng cao hơn một số tỉnh miền núi phía Bắc.

So với 10 năm trước, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của dân cư năm 2019 đã được cải thiện nhiều. Cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học ngoài nhà trường theo thành thị, nông thôn của tỉnh Lào Cai thấp hơn các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng lại cao hơn trung bình toàn quốc.

Kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của tỉnh Lào Cai cũng cho thấy, có 11,9% trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường, giảm 21,4 điểm phần trăm so với năm 1999 và giảm 9,7 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ trẻ em không đến trường ở khu vực nông thôn cao hơn 10,9 điểm phần trăm so với thành thị. Như vậy, sau 20 năm, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường đã giảm được 2/3...

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy tỷ lệ biết chữ của dân số Lào Cai từ 15 tuổi trở lên là 82,1%, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ biết chữ ở dân sống tại khu vực thành trị cao hơn khu vực nông thôn do có khoảng cách phát triển giữa hai khu vực…

Sau khi rà soát nhiều chỉ số được tổng hợp, báo cáo trong thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý giáo dục, số kiểm tra, rà soát khớp đúng với số liệu báo;

Một số chỉ số giáo dục có sự chênh lệnh không đáng kể được Sở GD&ĐT Lào Cai điều chỉnh như: Tỷ lệ huy động trẻ, nhà trẻ ra lớp: Trẻ 0-2 tuổi 30%; trẻ mẫu giáo đạt 97%, nguyên nhân do dịch Covid-19, trẻ chưa được tiêm, cha mẹ trẻ không dám đưa con đi học

Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học 98,9%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THCS 94,6%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học THPT 61%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ 95%; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ 92%; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 trở lên được công nhận đạt chuẩn biết chữ 84%.

Từ các chỉ số phát triển giáo dục được rà soát, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố có các giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, xây dựng các chỉ số giáo dục sát với thực tiễn, phấn đấu bằng hoặc hơn trung bình toàn quốc, phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo, dự báo, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững.

Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục về việc cập nhật chính xác số liệu của đơn vị, địa phương...

Thực hiện tốt công tác điều tra phổ cập giáo dục, điều tra xóa mù chữ; số liệu báo cáo đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời; cơ sở dữ liệu, nguồn dữ liệu ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng để quản lý, so sánh, phân tích, đánh giá, nhận định, dự báo... từ đó tham mưu đề xuất, xây dựng các chính sách, hoạch định chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục theo từng năm và giai đoạn.

Tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả để kiểm soát chất lượng giáo dục thực chất, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, lấy kết quả đầu ra làm thước đo hiệu quả giáo dục.

Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê, báo cáo; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt công tác tổng hợp, thống kê, báo cáo.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giáo dục, trong đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong trường học và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ