Trong bài phát biểu trước quốc dân sáng 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố điều động quân sự cục bộ - tức là sẽ huy động thêm 300.000 quân dự bị cho cuộc chiến Ukraine. Sau khi 4 vùng miền Đông Nam của Ukraine tuyên bố trưng cầu dân ý về sáp nhập Nga, dường như lệnh điều động thể hiện quyết tâm Nga sẵn sàng bảo vệ các vùng lãnh thổ mới.
Tổng thống Putin cho biết, Bộ Quốc phòng Nga khuyến nghị điều động quân nhân dự bị vì đang phải đối mặt với một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và vùng Donbass. Ông Putin nói, biện pháp này là hợp lý và cần thiết trong hoàn cảnh đó, vì cho rằng, Nga đang chống lại “toàn bộ cỗ máy quân sự phương Tây” ở Ukraine.
Việc điều động cục bộ bắt đầu ngay lập tức, đặt người dân và nền kinh tế Nga vào tình thế thời chiến, khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Theo sắc lệnh, 300.000 quân dự bị và những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được điều động và họ sẽ được đào tạo thêm. Lính nghĩa vụ sẽ không bị điều động.
Quyết định của Tổng thống Putin là một lời cảnh báo nặng nề với Kiev và phương Tây. Trong phát biểu của mình, ông Putin cáo buộc Kiev lùi bước khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow mặc dù trước đó đã có một số thỏa hiệp nhất định. Ông nói rằng đó là “lệnh” của phương Tây.
Thay vì đàm phán, Chính phủ Ukraine đã tăng gấp đôi hành động quân sự. Ông nói: “Nhiều vũ khí được bơm vào Ukraine. Chính quyền Kiev đã triển khai thêm nhiều băng nhóm lính đánh thuê quốc tế và những người theo chủ nghĩa dân tộc, các đơn vị quân đội được đào tạo theo tiêu chuẩn NATO và dưới sự chỉ huy trên thực tế của các cố vấn phương Tây”.
Phản ứng sau đó, các nhà lãnh đạo phương Tây đều cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy xung đột ở Ukraine sẽ leo thang. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, sau khi 4 khu vực do Nga kiểm soát - gồm Lugansk và Donetsk ở vùng miền Đông Donbass, Kherson và Zaporozye ở Đông Nam Ukraine - công bố kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga, Mỹ đã đoán trước Nga sẽ chuẩn bị điều động thêm quân vào Ukraine.
Đúng như quan ngại của Mỹ, mục tiêu của lệnh động viên đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu làm rõ. Ông Shoigu cho biết, mục tiêu của Nga là “giải phóng vùng Donbass ở miền Đông Ukraine. Phần lớn người dân ở đó không muốn nằm dưới quyền cai trị của những kẻ tân phát xít”.
Có thể thấy, Nga quyết tâm sẽ công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở các vùng thân Nga này. Lệnh động viên của ông Putin đưa ra chỉ 3 ngày sau khi 4 vùng của Ukraine tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý trong các ngày 23 - 29/9. Phương Tây đã gọi đây là những cuộc trưng cầu ngụy tạo, bất hợp pháp, song trên thực tế đây là nơi Nga hoặc các lực lượng thân Nga đã kiểm soát nhiều tháng qua.
Những người đứng đầu 4 vùng này đều kêu gọi Nga giúp đỡ hoàn thành các cuộc trưng cầu dân ý, và cho rằng Nga sẽ giúp quét sạch các lực lượng dân tộc cực đoan Ukraine ở đây.
Vài tuần qua Nga tuyên bố rút quân khỏi vùng Kharkov để tập trung lực lượng bảo vệ Donbass, trong khi Ukraine cho rằng các cuộc phản công quyết liệt của họ đã khiến Nga phải rút lui. Nhưng với việc Nga động viên cục bộ để đưa quân tới Donbass, có thể thấy Nga đã chuẩn bị rất kỹ từng bước để sẵn sàng sáp nhập các vùng lãnh thổ mới.
Sau hơn nửa năm chiến sự ở Ukraine, Nga đã giành được những thắng lợi nhất định khi kiểm soát thêm được 20% lãnh thổ Ukraine. Cuộc chiến có vẻ chững lại.
Nga cần gia tăng sức mạnh quân sự để bảo vệ các vũng lãnh thổ hầu như chắc chắn sẽ được sáp nhập này, trong khi Ukraine cũng không thể chấp nhận mất đất và vì thế chiến sự leo thang trước mắt là không thể tránh khỏi. Nhưng về lâu dài, Kiev và phương Tây cũng sẽ phải e dè khi Nga – cường quốc hạt nhân – thể hiện quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ theo bản đồ mới của họ.