Tham gia với đoàn công tác của Thủ tướng, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Tại Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng, ông Phạm Văn Tích - Chủ tịch CLB Hàm Rồng đã báo cáo với Thủ tướng về hoạt động của CLB.
Ông Phạm Văn Tích cho biết, CLB Hàm Rồng được thành lập từ ngày 19/5/1982. Ngay từ ngày đầu thành lập, CLB hoạt động với mục tiêu xuyên suốt là: Giữ vững đoàn kết, nêu gương sáng, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, CLB Hàm Rồng ngày càng lớn mạnh. Khi mới thành lập với hơn 100 hội viên, đến nay đã có gần 1.000 hội viên.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bằng kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm, hội viên CLB luôn tích cực phổ biến, đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến cán bộ, nhân dân...
Nói chuyện với hội viên CLB Hàm Rồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính hết sức phấn khởi, bởi hội viên CLB Hàm Rồng luôn giữ được truyền thống cách mạng, chủ động, tích cực hoạt động, là chỗ dựa tinh thần của các hội viên khi được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ.
Sau 40 năm được thành lập, CLB Hàm Rồng là cần thiết và hết sức có ý nghĩa. Mô hình hoạt động với sự chủ động, sáng tạo tích cực trong công việc của mình, là chỗ dựa tinh thần của hội viên.
Thủ tướng mong muốn, thời gian tới CLB Hàm Rồng tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng, nỗ lực góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong muốn.
Đồng thời, góp phần cùng với cả nước xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng, nhân dân được ấm no và hạnh phúc.
Thủ tướng đã thông tin đến hội viên CLB Hàm Rồng về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Tình hình phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng chia sẻ, năm 2021, cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kiện toàn tổ chức hệ thống chính trị và tổ chức 7 hội nghị lớn toàn quốc...
Trong bối cảnh đó, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ. Sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương. Sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được kết quả rất đáng trân trọng.
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã từng bước được phục hồi.
Kinh tế Việt Nam đã dần khởi sắc, GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so với cùng kỳ, GDP cả năm tăng 2,58%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Thu hút đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng cao, tăng 9,2%, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và giải quyết những vấn đề chiến lược, có tính chất toàn cầu và mang tính toàn dân...
Đặc biệt, công tác an sinh xã hội được coi trọng. Dù trong bối cảnh khó khăn, cả nước đã chung tay, chung sức, đồng lòng bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Nhiều chính sách “chưa từng có tiền lệ” hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, người nhiễm Covid-19 đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc các hội viên CLB Hàm Rồng sức khoẻ, trường thọ, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.
Tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng quê hương Thanh Hóa tươi đẹp, ngày càng phát triển...
Sau khi thăm CLB Hàm Rồng, Thủ tướng và đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết công nhân lao động Công ty TNHH Sakurai Việt Nam tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hoá).
Báo cáo với Thủ tướng về những kết mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong năm 2021, ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết:
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 39.630 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 49,1% so với dự toán.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/12/2021 đạt 91% kế hoạch, cao hơn 5,2% so với cùng kỳ. Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 5,43 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2020. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt gần 138 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Thành lập mới 3.729 doanh nghiệp, tăng 6,7% so với năm 2020, vượt 24,3% kế hoạch và đứng thứ 4 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, toàn tỉnh đã có 11 đơn vị cấp huyện, 336 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,7 tiêu chí nông thôn mới/xã...
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã báo cáo với Thủ tướng về công tác chuẩn bị của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh chăm lo, đảm bảo cho nhân dân, công nhân người lao động, gia đình chính sách, các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình.
Theo đó, đến nay các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp phát quà cho các đối tượng người có công theo chế độ, chính sách của Nhà nước (tặng bằng tiền mặt), với 96.866 người có công, tổng kinh phí 58,6 tỷ đồng.
Ngân sách tỉnh và ngân sách huyện đã bố trí 51,1 tỷ đồng để tặng 101.205 suất quà và 30.005 kg gạo cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách, các cấp, các ngành trong tỉnh đã huy động từ nguồn xã hội hóa 379.319 suất quà, tổng trị giá 240,5 tỷ đồng (tăng 72 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán 2021) tặng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...
Toàn tỉnh có gần 161.000 người trong độ tuổi lao động trở về từ các tỉnh, thành phố, trong đó có 42.566 người lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đạo tạo nghề...
Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và nghĩa tình...