Các em tự do sáng tạo theo cách riêng để tạo ra những sản phẩm hữu ích trong cuộc sống từ những kiến thức được học trong nhà trường.
Sáng tạo cùng công nghệ
Ý tưởng xây dựng phần mềm học tập của nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT chuyên Trần Phú (quận Hải An) ra đời với tên gọi “Robot trợ lý ảo học tập”. Phần mềm được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng TP Hải Phòng ghi nhận, đánh giá là một trong 34 dự án có chất lượng cao.
Dựa trên các ứng dụng lập trình, robot có thể nhận dạng, hướng dẫn máy tính thực hiện các lệnh qua giọng nói của người dùng. Ứng dụng này còn được cài trên điện thoại thông minh có tích hợp trợ lý ảo học tập để giúp học sinh tự học vào bất kỳ thời gian nào.
Em Trần Quốc Hoàng - lớp 11 Anh 1, Trường THPT chuyên Trần Phú là thành viên tích cực của nhóm. Em có những đóng góp ý tưởng hay trong việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp người học phát triển tư duy để học tốt môn Toán. Theo Hoàng, phần mềm trợ lý ảo học tập của nhóm tích hợp kho cơ sở dữ liệu rất lớn, đảm bảo kiến thức chuyên môn để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.
“Phần mềm trợ lý ảo học tập rất tiện lợi, phù hợp với học sinh, tính chuyên môn cao so với các ứng dụng khác như Siri trên iPhone hay Google Assistant. Đặc biệt, góc ôn luyện 9 môn thi tốt nghiệp THPT với các dữ liệu chuẩn xác được thầy cô ở tổ chuyên môn duyệt kỹ càng, cập nhật liên tục. Nhờ đó, việc học tập đạt hiệu quả cao, phát huy tính tự giác của học sinh khi ôn thi”, Hoàng chia sẻ.
Phạm Thu Ngân, lớp 12A5, Trường THPT Lê Quý Đôn, nói: “Robot trợ lý ảo học tập giúp em tìm kiếm được nhiều kiến thức hay, có chọn lọc. Những trang cung cấp thông tin bằng tiếng Việt, tiếng Anh bổ trợ cho em việc học tập, nâng cao kiến thức”. Trong khi đó, cô Hoàng Hà – giáo viên môn Toán, Trường THPT Lê Quý Đôn nhận định, “Robot trợ lý ảo học tập” có ngân hàng câu hỏi ôn tập, đề thi thử phong phú, đa dạng. Không chỉ tìm kiếm thông tin mà học sinh sử dụng phần mềm có thể đánh giá được năng lực của mình, để phấn đấu trong học tập.
Thùng rác di động
Quá trình quan sát, nhóm học sinh lớp 5H7, Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền nhận thấy công việc thu gom rác của các bác lao công rất vất vả. Nảy ý tưởng chế tạo thùng rác thông minh, các em Bùi Lê Bảo Ngân, Nguyễn Vũ Anh Quân, Nguyễn Vũ Hoàng và Nguyễn Hoàng Anh Minh bắt tay vào việc tìm hiểu, nghiên cứu.
Thùng rác được nhóm học sinh sáng chế có khả năng thu gom rác tự động mà không dùng năng lượng pin, điện. Với thùng rác thông minh này, thay vì nhặt rác bằng tay chỉ cần di chuyển qua các vị trí có rác để thu gom. Thùng rác được thiết kế rời nên dễ dàng lấy rác ra khi đầy. Người sử dụng chỉ cần mở nắp phía trên để lấy thùng rác ra đổ vào nơi tập kết rác và tiếp tục công việc.
Em Nguyễn Hoàng Anh Minh - nhóm trưởng chia sẻ: Qua học tập, được sự định hướng của cô giáo, chúng em muốn tạo ra thiết bị như một thùng rác di động có khả năng tự gom rác mà không cần đến tay hay chổi quét. Cả nhóm đã mày mò, nghiên cứu, vẽ và thực hành.
Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, thùng rác thông minh biết thu gom rác ra đời. Thiết bị thu gom rác này không chỉ góp phần giảm sức lao động, mà còn lan tỏa ý thức xây dựng môi trường xanh sạch đẹp đến cộng đồng. Với công trình giàu ý nghĩa này, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng thành phố trao giải Nhì, lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường.
Sản phẩm “độc lạ”
Đề tài “Giải pháp bảo tồn và quảng bá nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng trên các sản phẩm mỹ thuật” của em Nguyễn Trần Quỳnh Nga và Bùi Hương Giang, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đỉnh Chiểu, quận Ngô quyền được đánh giá “độc lạ” với tư duy “kinh doanh nghệ thuật để bảo vệ nghệ thuật”.
Nga và Giang đã mạnh dạn đưa những họa tiết, hình ảnh của tác phẩm chạm khắc gỗ đình làng vào thiết kế, trang trí sản phẩm mĩ thuật ứng dụng hiện đại như: Áo dài, túi vải, túi canvas, đồ gốm… Đó là những sản phẩm mang thương hiệu riêng của Hải Phòng được giới thiệu đến khách du lịch thập phương.
Cô Trần Thị Bảo Châu - GV Mĩ thuật, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ: Đề tài mà 2 học sinh thể hiện rất thiết thực, hữu ích, phù hợp với lứa tuổi THCS. Các em chọn nghiên cứu vấn đề vĩ mô, song được thực hiện bằng cách đưa hình hài, hồn cốt dân tộc vào các sản phẩm thương mại phổ biến để lưu giữ và quảng bá.
Với đề tài này, các em nghiên cứu, sản xuất và bán 3 nhóm sản phẩm: Sách tập tô, trang phục, cốc chén… in họa tiết đình làng Việt, mang về doanh thu hàng chục triệu đồng. Số tiền thu được các em tổ chức hoạt động nghĩa tình và tiếp tục đầu tư cho ra sản phẩm mới.