Bừng sáng từ khát vọng khởi nghiệp

GD&TĐ - Họ là những thanh niên dân tộc sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi, cuộc sống trải qua nhiều khó khăn. Với khát vọng thay đổi cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương, họ đã bước vào khởi nghiệp với ý trí, niềm tin và những kiến thức thu nhận được từ cuộc sống. 

Nhiều thanh niên dân tộc đã khởi nghiệp thành công tại quê hương
Nhiều thanh niên dân tộc đã khởi nghiệp thành công tại quê hương

Thành công bước đầu của họ cho thấy, thanh niên khởi nghiệp không dễ nhưng sẽ không có gì ngăn cản sự thành công nếu biết tìm cho mình hướng đi phù hợp, sự sáng tạo trong suy nghĩ hành động và biết khơi dậy những giá trị từ mảnh đất quê hương.

Khởi nghiệp tại quê hương

Với ước mơ phát huy nguồn dược liệu quý hiếm tại quê hương đồng thời giúp bà con dân tộc có được nguồn thu nhập ổn định, Lý Tà Giàng đã có sự thành công ban đầu đáng tự hào. Chàng thanh niên người dân tộc Dao này đã quyết tâm khởi nghiệp cùng cây dược liệu.

Tốt nghiệp xong THPT, Lý Tà Giàng xin vào làm việc tại hợp tác xã (HTX) Nậm Đăm. Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy khách du lịch khi đến Cao nguyên đá rất quan tâm và quý trọng những sản vật mang tính truyền thống của địa phương. Nguồn dược liệu tại Quản Bạ lại như được thiên nhiên ưu đãi, đáp ứng tốt về số và chất lượng cho nhu cầu sản xuất dược liệu tinh thô, các bài thuốc dân gian.

Trong khi đó, HTX sản xuất dược liệu tại thôn Nậm Đăm chỉ chú trọng vào sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, mà vấn đề đưa sản phẩm đến tay khách du lịch và ra thị trường cho người sử dụng rộng rãi chưa được quan tâm. Bà con nông dân tâm huyết với cây dược liệu, làm việc vất vả nhưng thu nhập từ lao động trồng và bán sản phẩm chưa mang lại giá trị kinh tế.

Nhận ra hạn chế, cùng những tìm hiểu về cây dược liệu trên thị trường, năm 2017 Lý Tà Giàng thành lập Công ty Cổ phần thảo dược Cao nguyên đá và phân phối 200 sản phẩm chế biến cây dược liệu ra thị trường. Để giải quyết vấn đề này, một mặt anh mở gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Cổng trời Quản Bạ mặt khác tích cực tìm kiếm thị trường để bán buôn, phân phối và tìm kiếm đầu ra một cách ổn định cho sản phẩm.

Đến nay, các sản phẩm dược liệu của Lý Tà Giàng đã có mặt và được chào bán ở hầu hết các điểm du lịch, nhà lưu trú khách du lịch tại Quản Bạ. Cùng đó sản phẩm được đưa đi tiêu thụ ở thị trường các huyện vùng cao của Hà Giang là Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và xa hơn phân phối tại TPHCM và Hà Nội thông qua khách du lịch.

Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, công ty có doanh thu hơn 700 triệu đồng, các sản phẩm dược liệu của 5 HTX sản xuất ra đã có sự tiêu thụ ổn định.

Từ hai bàn tay trắng, chàng trai dân tộc Tày – Phạm Hải Chiều bản Tông Cại xã Lâm Thượng huyện Lục Yên – Yên Bái cũng có bước khởi nghiệp thành công khi mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi thỏ.

Trước khi bắt tay vào nuôi thỏ, Phạm Hải Chiều đã từng đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả như: Nuôi nhím, ba ba, lươn, ếch… ở trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy đa phần các sản phẩm của ngành nông nghiệp hiện nay đều không có đầu ra ổn định, tình trạng giá cả và thị trường lúc mất lúc được, đặc biệt với các sản phẩm nông nghiệp. Xét từ rất nhiều yếu tố, Phạm Hải Chiều quyết định chọn thỏ làm vật nuôi phát triển kinh tế.

Tháng 4/2017 anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi khởi điểm 50 con thỏ sinh sản. Đến tháng 10/2017 đàn thỏ lên đến 500 con, bắt đầu cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Thực tế cho thấy, đây là một loại vật nuôi mới, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, ít dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định.

Đến tháng 11/2017 số lượng đàn thỏ tiếp tục tăng lên 2.000 con và được Hợp tác xã Thanh niên Tân Lĩnh xã Tân Lĩnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ thỏ thương phẩm.

Sau nhiều vất vả thử thách, giờ đây trang trại thỏ đã mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm cho 10 lao động tại gia đình đã đi vào ổn định. Phạm Hải Chiều đã được vinh danh là 1 trong số 23 gương mặt thanh niên dân tộc thiểu số có ý tưởng sáng tạo, biết phát huy thế mạnh của cá nhân, quê hương… để khởi nghiệp thành công.

Hoàng Văn Hặc - chàng thanh niên dân tộc Thái ở bản Mé, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sau khi tốt nghiệp THPT đã không chọn con đường vào ĐH mà quyết định ở nhà nuôi cá. Tận dụng diện tích ao lớn, anh nuôi đủ loại cá: Chép, rô, trắm, trôi… Sản phẩm nuôi được khá nhiều, nhưng quyết không theo hướng đi buôn bán lẻ nhỏ, ý tưởng mở dịch vụ câu cá giải trí kết hợp với nấu các món ăn dân tộc bỗng đến với anh.

Ban đầu từ ông bà đến bố mẹ hai bên đều gạt đi vì cho rằng không có tiềm năng, bản ở xa, không tiện lối đi… Chứng minh ý tưởng của mình thành hiện thực, anh quyết tâm thực hiện. Đến nay chàng trai dân tộc Thái đã làm giàu ngay tại ao nhà, thu nhập mấy năm gần đây đạt hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

Khách du lịch trong và ngoài nước đã đến và ưa thích mô hình này bởi cảnh quan tự nhiên, khám phá và trải nghiệm cuộc sống dân dã. Đây là mô hình câu cá giải trí dịch vụ đầu tiên ở xã Mường Bon. Và vợ chồng Hoàng Văn Hặc đã trở thành gương mặt thanh niên dân tộc Thái tiêu biểu mạnh dạn khởi nghiệp thành công ngay tại quê nhà.

Gợi mở những hướng đi

Phạm Hải Chiều (phải) – Thanh niên dân tộc Tày khởi nghiệp thành công với trang trại thỏ
Phạm Hải Chiều (phải) – Thanh niên dân tộc Tày khởi nghiệp thành công với trang trại thỏ 

Rõ ràng, con đường khởi nghiệp của những thanh niên dân tộc không ít khó khăn thách thức. Ngoài khó khăn về vốn để ổn định công việc, bao tiêu, mở rộng thị trường thì việc tiếp cận nắm bắt công nghệ sản xuất, kĩ thuật nuôi trồng… cũng ngày càng đòi hỏi cao. Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra thị trường không dễ dàng.

Đáng suy nghĩ, thanh niên ở vùng cao, nông thôn… sau khi tốt nghiệp THPT thường tìm đến công việc kiếm tiền nhanh nhiều, bỏ đi các tỉnh thành khác tìm việc làm lao động chân tay… thay vì học hỏi tìm hiểu và phát triển kinh tế theo hướng gắn bó với vật nuôi, cây trồng, các nghề truyền thống ở địa phương.

Chọn hướng phát triển gắn với truyền thống địa phương hoặc phát huy thế mạnh có sẵn là tiềm năng con người, kinh nghiệm, ưu thế về thiên nhiên… ở địa phương để phát triển làm con đường khởi nghiệp và gặt hái được những thành công nhất định là điều đáng quý và không phải bạn trẻ nào cũng làm được.

Từ hướng đi này, gợi mở cho những thanh niên dân tộc một cách làm giàu nếu biết nhìn ra ưu điểm, tiềm năng trên quê hương mình kết hợp với quyết tâm vượt khó của mỗi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.