Bùi Tấn Trường trở lại đội tuyển quốc gia: Bước qua ranh giới “tội đồ”

GD&TĐ - Sau những thăng trầm trong sự nghiệp cầu thủ, cả những nghi án đeo đẳng trong nhiều năm, một lần nữa Bùi Tấn Trường được khoác lên mình chiếc áo đấu của đội tuyển quốc gia.

Tấn Trường nhiều lần bị đội bóng chủ quản treo găng sau sai lầm đáng trách.
Tấn Trường nhiều lần bị đội bóng chủ quản treo găng sau sai lầm đáng trách.

Lần này, ở tuổi 34, thủ môn gốc Đồng Tháp cho thấy mình chín cả về chuyên môn và bản lĩnh. Chính điều đó giúp anh lấy được lòng tin của chiến lược gia người Hàn Park Hang Seo.

10 năm chịu tiếng oan

Trước trận chung kết SEA Games 2009 với U23 Malaysia, đông đảo CĐV Việt Nam kéo sang Lào ủng hộ đội nhà với niềm tin thầy trò HLV Calisto sẽ giải cơn khát vàng sau nửa thế kỷ chờ đợi. Thế nhưng, thất bại 0-1 trước U23 Malaysia khiến cho giấc mộng của bóng đá Việt Nam tan vỡ. Khi đó, Tấn Trường bị nhiều người xem là “tội đồ” vì không kịp đổ người cứu U23 Việt Nam khỏi bàn thua duy nhất. Hình ảnh HLV Calisto “bóp cổ” thủ môn Tấn Trường trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm với bóng đá Việt Nam. Đồng thời, vô hình trung thủ môn người Đồng Tháp được coi là nguyên nhân cho thất bại cay đắng của U23 Việt Nam.

Nỗi oan “tày đình” này đeo đẳng thủ môn Tấn Trường nhiều năm sau trận chung kết định mệnh trên đất Lào. Cơn đau ấy day dứt hơn bởi liên tiếp các kỳ SEA Games 2011, 2013, 2015 và 2017, bóng đá Việt Nam vẫn không thể hoàn thành giấc mộng giành HCV môn bóng đá nam. Thậm chí, nhiều kỳ đại hội, U23 Việt Nam thua thê thảm ngay từ vòng bảng hoặc dừng chân ở bán kết. Chính điều đó càng khiến cho trận chung kết 2009 với hình ảnh ông Calisto “bóp cổ” Tấn Trường thêm nhức nhối sau mỗi kỳ đại hội thể thao khu vực. Phải đến năm 2019, bóng đá Việt Nam sở hữu lứa cầu thủ rất mạnh, đồng đều và dưới bàn tay tài ba của chiến lược gia Park Hang Seo đã hóa giải lời nguyền bằng tấm HCV SEA Games trên đất Philippines.

Chính trong thời điểm đó, 10 năm sau trận chung kết ám ảnh cả một thế hệ cầu thủ, Tấn Trường mới chính thức lên tiếng “giải oan” cho chính mình. Theo thủ môn người Đồng Tháp, sau những nỗ lực cản phá các pha hãm thành của U23 Malaysia, anh bị chấn thương, trật khớp vai và đứt luôn dây chằng. Trường đã ra dấu hiệu xin thay người. Nhưng bên ngoài sân HLV Calisto vẫn đặt niềm tin và động viên anh ở lại. Bác sĩ của đội U23 Việt Nam nói với Trường rằng: “Anh có cách giúp em đứng trong khung thành được mà em mất cảm giác đau”. Sau đó, họ tiêm thẳng một mũi thuốc tê trực tiếp vào vùng chấn thương của Trường.

Hình ảnh Tấn Trường bị HLV Calisto “bóp cổ” sau trận chung kết SEA Games 2009.
Hình ảnh Tấn Trường bị HLV Calisto “bóp cổ” sau trận chung kết SEA Games 2009.

“Sau khi tiêm, tôi không còn cảm giác đau nữa, tay có thể nhấc lên nhấc xuống. Ở thời điểm đấy, bác sĩ bảo tôi chỉ bị trật khớp nhưng sau khi về kiểm tra kỹ thì tôi bị đứt dây chằng. Vì thế, tôi không thể vận động và phản xạ như bình thường được. Và nhiều người hâm mộ không biết chuyện này, họ chỉ biết rằng kết quả của trận đấu là chúng ta thua Malaysia” -  Tấn Trường chia sẻ.

Về hình ảnh gây rúng động không chỉ với bóng đá khu vực, HLV Calisto có hành động “bóp cổ” Tấn Trường, thủ môn người Đồng Tháp cho biết: “Trực quan thì ai cũng nghĩ thầy Calisto bóp cổ tôi. Nhưng sự thật lúc đó tôi uất ức vì thua trận, vì phản ứng của mình không đủ cứu được bàn thua cho đội nhà. Muốn khóc mà không khóc được. Tôi đứng lên và muốn vào phòng thay đồ. Nhưng HLV Calisto đã tiến lại, đè tôi ngồi xuống và nói rằng: “Mày phải ở đây, phải chứng kiến cảnh này, thất bại này. Mày mới là người đàn ông”. Sau đó tôi khóc và thầy Calisto ở bên an ủi mình. Khoảnh khắc ấy thì không được ghi lại đầy đủ.

Trên thực tế, sau khi U23 Malaysia loại “đại kình địch” Thái Lan ở vòng bảng (bảng A gồm U23 Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Timor Leste), đường đến HCV của thầy trò HLV Calisto đã rộng mở. Trước đó, trong cuộc đối đầu vòng bảng, U23 Việt Nam dễ dàng đè bẹp U23 Malaysia 3-1. Tuy nhiên, những sai sót trong khâu phòng ngự và phong độ yếu kém của cả một tập thể đã khiến U23 Việt Nam gục ngã đau đớn trong trận chung kết. Phút 84, từ đường chuyền vào vòng cấm của đối phương, Xuân Hợp lúng túng để bóng chạm chân và lăn thẳng vào lưới trong sự ngỡ ngàng của thủ thành Tấn Trường.

Sau này, nhớ lại trận chung kết SEA Games 2009, HLV Calisto cho biết: “Tình cảm mà người hâm mộ Việt Nam dành cho các đội tuyển luôn đầy ắp. Điều đó giúp cầu thủ luôn hưng phấn, thi đấu hết sức mình. Nói ngắn gọn, đó là vũ khí tinh thần rất lợi hại. Tuy nhiên, thứ vũ khí đáng gờm ấy đôi khi lại phản tác dụng và điều đó từng diễn ra vào năm 2009 tại SEA Games diễn ra ở Lào. Nguyên Chủ tịch LĐBĐVN - ông Nguyễn Trọng Hỷ cũng thừa nhận: “Có nhiều lý do dẫn tới trận thua trước U23 Malaysia. Trong đó có việc nhiều tuyển thủ chơi không đúng sức mình khi gặp trạng thái tâm lý từ những chuyến viếng thăm của CĐV”.

Thủ môn quê Đồng Tháp vô địch cúp quốc gia 2020 trong màu áo Hà Nội FC.
Thủ môn quê Đồng Tháp vô địch cúp quốc gia 2020 trong màu áo Hà Nội FC.

Bước qua ranh giới “tội đồ”

Tấn Trường là thủ môn có những kỹ năng thuộc dạng hiếm của bóng đá Việt Nam. Anh sở hữu chiều cao 1,9m và sải tay dài, khả năng chơi chân và phản xạ cực tốt. 21 tuổi, Tấn Trường đã trở thành thủ môn số 1 của Đồng Tháp chinh chiến tại V-League. Năm 2007 Đồng Tháp xuống hạng, nhưng chỉ 1 năm  sau, Tấn Trường và các đồng đội khi đó đa phần là cầu thủ trẻ đã đưa đội bóng quê hương trở lại sân chơi chuyên nghiệp. Năm 2011, Tấn Trường đầu quân cho Sài Gòn Xuân Thành và cùng đội bóng nhà giàu mới nổi này vô địch Cúp quốc gia, HCĐ V-League. Sau đó, Tấn Trường về B.Bình Dương, giúp đội bóng đất Thủ 2 lần vô địch quốc gia, trong đó năm 2015 giành cú ăn ba lịch sử.

Thế nhưng, xuyên suốt sự nghiệp giàu thành tích của Tấn Trường, ranh giới giữa “người hùng” và “tội đồ” với anh luôn rất mong manh. Bên cạnh những trận đấu xuất sắc, những pha cản phá không tưởng lại là những sai lầm ngớ ngẩn. Thậm chí, những sai sót có hệ thống còn khiến cho thủ môn quê Đồng Tháp dần mất đi những hình ảnh đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ của mình. Nỗi đau về trận chung kết SEA Games 2009 chưa nguôi ngoai, đến AFF Cup 2010, trong trận bán kết lượt đi gặp Malaysia tại sân Bukit Jali, Tấn Trường đã có pha bắt bóng rất ngớ ngẩn khiến đội nhà thất thủ 0-2, và lượt về dù cố gắng nhưng Việt Nam cũng không thể lọt vào chung kết khi hoà 0-0 với đối thủ tại Mỹ Đình.

Trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2012, tại Cúp bóng đá TPHCM, trận gặp Turmenistan, Tấn Trường đã phá bóng bằng chân thiếu chính xác, đưa bóng vào chân tiền đạo đối phương “biếu” không cho họ một bàn thắng. Do lỗi này, Tấn Trường sau đó bị HLV Phan Thanh Hùng buộc ngồi dự bị cả phần giải còn lại. Ngay cả tại V-League, Tấn Trường cũng rất nhiều lần mắc lỗi khó hiểu. Mùa giải 2012, lãnh đạo đội bóng Sài Gòn Xuân Thành  quyết định treo găng Tấn Trường vì cho rằng anh thi đấu thiếu trung thực. Phải mất một thời gian dài, Tấn Trường mới được trở lại thi đấu cùng các đồng đội.

Nhưng những sai lầm liên tiếp sau đó trong năm 2013 của Tấn Trường buộc lãnh đạo Sài Gòn Xuân Thành thanh lý hợp đồng với thủ môn quê Đồng Tháp. Cũng trong năm 2013, thất bại của đội tuyển Việt Nam ở trước đối thủ mạnh Uzbekistan trên sân gia Mỹ Đình tối 15/11 không làm người hâm mộ Việt Nam thất vọng, mà nỗi thất vọng ở chỗ phong độ thi đấu quá mức tồi tệ của Tấn Trường. Nhiều người có mặt trên sân Mỹ Đình không thể hình dung khi suốt cả trận đấu, thủ môn người Đồng Tháp đã liên tục mắc những sai lầm sơ đẳng, dẫn đến 3 bàn thua trong một trận đấu. Tấn Trường húc đầu gối vào đầu và vai đồng đội Phùng Văn Nhiên, khiến hậu vệ này nằm bất tỉnh trên sân, hai xương đòn vai bị gãy và được đưa thẳng tới bệnh viện cấp cứu.

Những sai lầm nghiêm trọng, có thời điểm mang tính hệ thống đã đẩy Tấn Trường từ đỉnh cao vinh quang xuống vực thẳm của kẻ mang danh “tội đồ”. Thế nên, bản hợp đồng giữa Tấn Trường và CLB Hà Nội bị nhiều nhà chuyên môn phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, Tấn Trường cho thấy đẳng cấp và chứng minh mình đủ khả năng để chơi bóng đá đỉnh cao. Anh nhanh chóng giành suất bắt chính ở Hà Nội FC và giữ được vị trí số 1 cho đến hết giải. Tấn Trường cùng đội bóng Hà Nội vô địch cúp quốc gia và ngôi Á quân V-League 2020. Theo thống kê, thủ môn quê Đồng Tháp có 8 trận giữ sạch lưới trong 14 trận bắt chính, những trận đấu đó đội bóng Hà Nội giành được 9 chiến thắng và 1 trận hòa.

Phong độ đáng kinh ngạc của thủ môn từng một thời là “tội đồ”, nguyên nhân của những thất bại đủ sức thuyết phục những nhà chuyên môn khó tính nhất. Ngay cả HLV Park Hang Seo, chiến lược gia với tiêu chí tuyển người công tâm và khách quan, đã bỏ qua nhà vô địch V-League Nguyên Mạnh để điền tên Tấn Trường vào nhóm 4 thủ môn trong danh sách đội tuyển Việt Nam. Ngoài ra, sau màn trình diễn xuất sắc đến mức khó tin trong màu áo Hà Nội FC, Tấn Trường đã lọt vào danh sách đề cử danh hiệu “Quả bóng vàng Việt Nam 2020”. Và như chia sẻ của Tấn Trường, mọi thứ đến quá nhanh và điều đó giống như một giấc mơ.

Lần gần nhất Tấn Trường được gọi tập trung đội tuyển Việt Nam vào tháng 1/2016 để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018. Nhưng anh chỉ đóng vai phụ và nỗi ám ảnh vẫn còn hiện diện. Nhưng sau những gì ở Hà Nội FC, trong lần tập trung đội tuyển quốc gia sắp tới sẽ là chương mới trong sự nghiệp của Tấn Trường. Ở độ tuổi 34, trải qua nhiều vinh quang và cay đắng, từ người hùng cho đến kẻ tội đồ, đây là thời điểm không thể tốt hơn để Tấn Trường rũ bỏ nỗi ám ảnh và chứng tỏ vị thế thủ môn số 1 Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam sẽ có đợt tập trung đầu tiên trong năm 2020 từ ngày 6 đến 28/12, trong đó hơn 2/3 thời gian sẽ đóng quân tại Hà Nội. Do không thể tham dự trận đấu quốc tế nào vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên VFF sắp xếp để tuyển Việt Nam đá giao hữu 2 trận với đội U23 Việt Nam, vừa nhằm phục vụ công tác chuyên môn cho 2 đội tuyển vừa gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung. Đáng chú ý, trong danh sách 37 tuyển thủ lần này, có hai gương mặt kỳ cựu là tiền đạo Nguyễn Văn Quyết và thủ môn Bùi Tấn Trường. Trong đó thủ môn người Đồng Tháp lần đầu tiên góp mặt dưới thời HLV Park Hang Seo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.