Bức xúc suất cơm bán trú sơ sài

GD&TĐ - Suất cơm trưa tại Trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) với giá 27.000 đồng/em với những món ăn đơn giản, hình thức không bắt mắt, thức ăn ít khiến dư luận dậy sóng. Nhiều ý kiến gay gắt: “Phải chăng suất cơm đã bị bớt xén”?

Trường Tiểu học Thạch Linh
Trường Tiểu học Thạch Linh

Dậy sóng dư luận

Chiều 16/9, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Thạch Linh, TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) bức xúc, bữa ăn trưa bán trú đầu tiên trong năm học mới của con họ tại trường quá sơ sài. Theo đó, mỗi suất ăn có giá tiền 27.000 đồng/học sinh (chưa kể hóa đơn GTGT). Thực đơn gồm: Cơm, 5 con tôm kho bóc vỏ, thịt bò xào bắp cải, canh bí nấu thịt. Nhìn suất cơm, nhiều phụ huynh cho rằng quá ít, không đủ dinh dưỡng, hình thức không bắt mắt nên chụp hình đăng lên mạng xã hội.

Chỉ ít phút đăng lên mạng, suất cơm của học sinh bán trú tại trường này dậy sóng dư luận. Phụ huynh bức xúc, lên án, “bữa ăn sỉ nhục người nhìn”, “suất cơm người khỏe cũng không nuốt nổi”, “bữa ăn thiếu dinh dưỡng”, “thức ăn quá ít”… Thậm chí nhiều người còn gay gắt khẳng định: “Nhìn bữa ăn như trong ảnh thì chắc chắn đã bị bớt xén khẩu phần. Cần phải lên án”.

Qua tìm hiểu, được biết suất cơm của học sinh tại trường này được nhà trường hợp đồng với một nhà hàng đóng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh cho biết: “Đây là buổi ăn đầu tiên của các cháu trong năm học mới, phía nhà bếp chưa định lượng được thức ăn, dẫn tới sơ suất. Tôi buồn khi bị phụ huynh lên án như vậy, thành thật xin lỗi tất cả vì sự cố này”. Bà Thủy đã nói như vậy trước đông đảo 400 phụ huynh trong buổi hội ý diễn ra trong sân trường lúc 16 giờ 40 phút ngày 18/9.

Theo bà Thủy, trường thu 27.000 đồng/suất cơm/học sinh cho bữa trưa bán trú, trên thực tế suất cơm trị giá 22.000 đồng, vì phải trích ra 5.000 đồng/suất cho công tác phục vụ, vận chuyển. Theo giá nhà hàng đưa ra, tôm mua 27kg, chia đều cho 400 suất, bên cạnh thịt bò xào bắp cải và thịt lợn bằm nấu canh bí. Trước việc phụ huynh chê “tôm quá ít, con to con nhỏ”, bà Thủy đáp “vì tôm đắt, hai món phụ còn lại cũng đều chất lượng, gói gọn trong 22.000 đồng”.

Tìm phương án cho việc ăn bán trú

Suất cơm trưa của một học sinh tại Trường Tiểu học Thạch Linh
Suất cơm trưa của một học sinh tại Trường Tiểu học Thạch Linh 

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa bằng lòng với lời giải thích của bà hiệu trưởng, bởi đây không phải là lần đầu trường này vấp phải sự cố suất ăn bán trú và còn nhiều việc xảy ra nhiều năm trước; trường luôn là “điểm nóng” của toàn thành phố. Qua buổi trao đổi giữa nhà trường, phụ huynh, một số người đã thẳng thắn nói, “sẽ không cho con ăn bán trú ở trường”.

Về lý do trường không tự đứng ra nấu ăn bán trú, bà Thủy cho hay: “Các năm trước, nhà trường tự nấu ăn bán trú tại chỗ. Năm nay do bếp xuống cấp, đang được cải tạo để làm chỗ đỗ xe nên phải hợp đồng với nhà hàng. Ban giám hiệu đã kiến nghị với chính quyền xây nhà ăn mới để phục vụ nấu ăn bán trú vào năm sau, song chưa có phản hồi”.

Vì lý do khách quan, trưa ngày 17/9, Trường Tiểu học Thạch Linh dừng tổ chức ăn bán trú, do phía nhà hàng từ chối phục vụ sau khi bị phản ánh. Theo đó, phụ huynh sẽ được lựa chọn nhà hàng, nhưng phải uy tín, chất lượng đảm bảo ATVSTP. “Khi tập hợp đủ ý kiến, trường sẽ đưa ra phương án sau cùng về việc ăn bán trú cho học sinh”, Hiệu trưởng Thủy nói.

Bà Trần Thị Thủy Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh từ phụ huynh, phòng đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra và kết luận khẩu phần ăn đúng theo thực đơn nhưng chưa hợp lý, bố trí cùng một lúc tôm bóc vỏ, thịt bò xào bắp cải và thịt bằm canh bí, nhìn vào số lượng sẽ rất ít”. Bà Nga cũng nhấn mạnh, đối với khẩu phần ăn của học sinh mầm non, tiểu học, cái quan trọng nhất là phải lên thực đơn sao cho phù hợp, đẹp về hình thức, đảm bảo về chất lượng.

“Hiện nay, tại các trường tiểu học, công tác ăn bán trú hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Nhà trường cần phải lấy ý kiến đồng bộ từ phụ huynh, để có sự lựa chọn phù hợp về cách thức ăn bán trú” – bà Nga nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Tiếp 'lửa' cho giáo viên

GD&TĐ - Ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến giáo dục tài chính. Theo khảo sát của OECD, 59 quốc gia đã xây dựng chiến lược để giáo dục tài chính.