'Bức tranh' xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD và những 'mảnh ghép' quan trọng

GD&TĐ - Việt Nam đề ra mục tiêu đến cuối năm 2024 xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD.

Quy trình chế biến tôm xuất khẩu của một doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau.
Quy trình chế biến tôm xuất khẩu của một doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau.

Hiện các tỉnh, thành có thế mạnh về con tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu chung này.

Khó khăn, thách thức

Tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương có thế mạnh về con tôm với diện tích nuôi tôm khoảng 280.000ha, sản lượng đạt 230.000 tấn/năm, gồm nhiều loại hình nuôi như: Nuôi siêu thâm canh, thâm canh, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm rừng, tôm lúa...

Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD; chiếm 40% về diện tích, chiếm 22% sản lượng và gần 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tôm Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dẫn đến cung vượt cầu, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Nhiều quốc gia, thị trường nhập khẩu ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào của ngành tôm tăng làm cho giá thành sản xuất cao. Cơ sở hạ tầng các vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Liên kết nuôi tôm còn chưa chặt chẽ…

“Dù mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh với gần 4.800ha (khoảng 5.000 hộ nuôi), nhưng quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu do các hộ dân tự đầu tư. Việc này khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Cũng giống Cà Mau, các tỉnh có thế mạnh về con tôm như Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng đang đứng trước khó khăn, thách thức trong việc mở rộng diện tích nuôi, đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, khó khăn các tỉnh ĐBSCL đang gặp phải cũng là khó khăn chung của ngành tôm Việt Nam.

Ông Thắng cho biết, hiện nay giá tôm thương phẩm trong nước đã có khởi sắc, tuy nhiên, ngành tôm vẫn phải đối diện với khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư đầu vào vẫn neo ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn rất lớn.

Cùng với đó, lạm phát tại nhiều quốc gia có giảm nhưng chưa đáng kể, chi phí logistics vẫn lớn.... Tín hiệu thị trường dù đã sáng, nhưng chưa chắc chắn, người nuôi còn dè dặt trong tái sản xuất.

“Những khó khăn nêu trên có thể chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bởi dự báo phát triển của ngành tôm vẫn rất khả quan, đặc biệt là từ nửa cuối năm nay. Tình hình xuất khẩu tôm cũng được nhận định sẽ khởi sắc và tăng nhẹ từ 10 - 15% so với năm 2023, dự kiến sẽ đạt con số hơn 4 tỷ USD trong năm 2024”, ông Thắng nhận định.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển mạnh tại các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển mạnh tại các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Nỗ lực thực hiện đạt mục tiêu

Để vượt qua những thách thức trước mắt và phát triển bền vững ngành hàng tôm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, tận dụng tối đa mọi cơ hội để có thể nhanh chóng vực dậy.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm qua, con tôm Bạc Liêu đã có vị trí nhất định, đã có mặt tại nhiều thị trường được xem là khó tính.

Toàn tỉnh hiện có 45 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Trung Đông… với công suất thiết kế gần 210.000 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm tôm, phát triển ngành nuôi tôm của tỉnh.

“Không chỉ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, Bạc Liêu còn thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tình hình xuất khẩu hàng hóa để doanh nghiệp yên tâm và chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt tỉnh rất quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm nhằm làm tăng sản lượng nuôi dù không tăng diện tích”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Trong quý I, tỉnh Bạc Liêu xuất khẩu trên 19.000 tấn thủy sản, đạt hơn 17% kế hoạch, tăng trên 5,2% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là xuất khẩu tôm. Mục tiêu đề ra của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2024 là nâng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 1,1 tỷ USD (Năm 2023 xuất khẩu thủy sản Bạc Liêu chạm mốc 1 tỷ USD).

Tôm là mặt hàng chính trong xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL.

Tôm là mặt hàng chính trong xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL.

Ông Trần Bé Sáu, Giám đốc điều hành Nhà máy Thủy sản Việt – Úc (nằm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Tuy thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm và sự linh động trong xuất khẩu, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Song song đó là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh đáp ứng nhu cầu thị trường và vượt qua các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu”.

Tính đến hết quý I năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt trên 270 triệu USD, đạt 21,6% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ.

"Cà Mau đã và đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn thực hiện phương án phát triển ngành tôm thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành trung tâm lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước về ngành tôm.

Phương án thực hiện hiệu quả, chắc chắn sẽ nâng cao kim ngạch xuất khẩu tôm của địa phương nói riêng, cả nước nói chung”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Thủy sản là một trong những mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó, con tôm đóng vai trò trọng yếu. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Hiện nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang khoảng 100 thị trường; đồng thời nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước: Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Khu vực ĐBSCL có 3 tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu tôm của cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ