Mảnh ghép bền vững trong bức tranh xuất khẩu tôm tỷ USD

GD&TĐ - Người nuôi tôm được cung cấp giống, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật nuôi trồng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Mảnh ghép bền vững trong bức tranh xuất khẩu tôm tỷ USD

Đó là điều mà người nông dân ở vùng bán đảo Cà Mau được thụ hưởng khi tham gia dự án “Nhân rộng quy mô nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

Dự án trị giá 1,5 triệu đô la Úc, trong giai đoạn 2023-2025 nhằm giúp nông dân sản xuất nhỏ thực hành các kỹ thuật nuôi tôm thích ứng với khí hậu nhằm cải thiện chuỗi cung ứng tôm đồng thời cải thiện cảnh quan rừng ngập mặn.

Khi tham gia dự án này, người nuôi tôm quy mô nhỏ có thể trở thành nhà cung cấp được chứng nhận. Tôm thành phẩm đạt chứng nhận hữu cơ có thể xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Sau 30 năm nuôi tôm theo kiểu truyền thống, cách đây 1 năm, ông Nguyễn Thuỷ, một nông hộ ở huyện Năm Căn, Cà Mau đã chuyển hướng sang canh tác theo kiểu hữu cơ.

Ông Thuỷ chia sẻ, lợi ích lớn nhất của việc tham gia dự án là tôm giống ít bị bệnh, sinh trưởng nhanh hơn, kích cỡ lớn và đồng đều hơn.

Ông cũng được hỗ trợ kỹ thuật nuôi không sử dụng kháng sinh, được hỗ trợ khoảng 20.000 con giống trên một hecta nuôi tôm mỗi năm và được thu mua sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 2-5%.

Ông Ciaran Chestnutt, Phó Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM (ở giữa) thăm mô hình nuôi tôm hữu cơ tại huyện Năm Căn, Cà Mau.

Ông Ciaran Chestnutt, Phó Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM (ở giữa) thăm mô hình nuôi tôm hữu cơ tại huyện Năm Căn, Cà Mau.

Mức thu nhập tốt hơn là lợi ích thiết thực nhất mà ông Thuỷ cũng như các nông hộ tham gia dự án nhận được. Với sáu hecta diện tích mặt nước canh tác tôm, mỗi năm, ông Thuỷ thu về hơn 250 triệu đồng.

Số tiền này bao gồm tiền bán tôm và nuôi xen cua, sò huyết trên diện tích thả tôm.

Ngoài ra, cứ mỗi ba năm, ông Thuỷ có thể nhận được khoảng 100 triệu đồng từ khai thác rừng ngập mặn và còn nhận thêm các khoản kinh phí hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng ngập mặn.

Một trong những đối tác địa phương của Chính phủ Úc trong dự án “Nhân rộng quy mô nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” là Công ty Cổ phần Tôm miền Nam (SVS). Doanh nghiệp này sẽ triển khai chứng nhận tôm hữu cơ, thiết lập chuỗi giá trị tôm hữu cơ và thu mua sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn từ các trang trại nuôi tôm trong dự án.

“Sự phối hợp của chính quyền, cộng đồng và người nông dân bản địa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của các dự án.

Những dự án này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn góp phần cải thiện môi trường sống và thu nhập cho những người nông dân ở địa phương.

Bằng cách hợp tác cùng cộng đồng và tận dụng hiểu biết về vùng đồng bằng của họ, chúng tôi có cơ sở để đảm bảo về sự thành công và tính bền vững của các dự án này”, ông Ciaran Chestnutt, Phó Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM phát biểu sau chuyến thị sát các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu được Chính phủ Úc tài trợ tổ chức vào cuối tháng 2/2024 vừa qua.

Được biết, ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2023 đạt giá trị 3,346 tỷ USD.

Theo Đề án Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 ban hành tháng 8/2018, đến năm 2030, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt trên 12 tỷ USD.

Đề án đặt nhiệm vụ phát triển các hình thức nuôi tôm thương phẩm hiệu quả cao, trong đó có nuôi tôm hữu cơ, sinh thái, nuôi tôm kết hợp trồng lúa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ