Bức mật thư khiến cảnh sát Mỹ không thể giải mã suốt 12 năm

Hai bức mật thư dài 30 dòng thu trên một thi thể khiến FBI bó tay trong nhiều năm điều tra án mạng.

Bức mật thư khiến cảnh sát Mỹ không thể giải mã suốt 12 năm

Ngày 30.6.1999, thi thể Ricky McCormick, 41 tuổi, được phát hiện bên đường 367 tại cánh đồng ngô ở hạt Charles, bang Missouri, Mỹ.

Cảnh sát không nhận được tin báo Ricky McCormick mất tích, nhưng lần cuối cùng người ta nhìn thấy anh vào ba ngày trước đó ở nơi làm việc - trạm xăng.

Thi thể nạn nhân được phát hiện cách nhà riêng ở thành phố St.Louis 32 km, trong khi anh ta không có xe và không biết lái xe, quanh vùng không có phương tiện giao thông công cộng.

Thi thể nạn nhân cũng có nhiều điểm kỳ lạ. Nhiều khả năng Ricky McCormick mới chết được ba ngày, nhiệt độ thời tiết không quá ấm nhưng xác chết đã bị phân hủy nặng, đốt xương rơi rụng.

Theo Riverfronttimes, khám nghiệm pháp y không xác định được nguyên nhân tử vong nhưng cảnh sát nghi ngờ đây là vụ án mạng. Vì khu đất hẻo lánh nơi tìm thấy thi thể Ricky McCormick là nơi tội phạm thường xuyên vứt xác phi tang, cảnh sát cho rằng nạn nhân đã bị giết ở nơi khác rồi chuyển tới đây. Trước khi bị vứt, xác được để trong lán trại hoặc thùng xe.

Cảnh sát lần theo các manh mối tìm được, phỏng vấn người thân và bạn bè nạn nhân nhưng mọi hướng điều tra đều đi vào ngõ cụt. Vụ án dần đi vào quên lãng và chỉ thu hút được sự chú ý của dư luận vào 12 năm sau.

Tháng 3.2011, FBI công bố hai bức mật thư tìm thấy trong túi quần của Ricky McCormick.

Dan Olsen – trưởng phụ trách Đơn vị Lưu trữ Giải mã và Hành vi bất hợp pháp (CRRU) cho biết trong nhiều năm FBI không thể giải mã mật thư của Ricky McCormick và muốn vận động sự trợ giúp từ mọi người để tìm được manh mối phục vụ cho việc điều tra.

buc mat thu khien canh sat my khong the giai ma suot 12 nam hinh anh 1

Trang một của bức mật thư.

Bức thư dài 30 dòng viết dưới dạng mật mã, bao gồm số, chữ cái và dấu ngoặc. “Các chữ cái không hề ngẫu nhiên. Ví dụ, chữ “E” xuất hiện nhiều, có thể được dùng như dấu cách. Nhiều đặc điểm (ví dụ có nhiều cụm kí tự lặp đi lặp lại) cho thấy bức thư có thể được giải mã”, Dan Olsen cho hay.

Trang web của FBI cung cấp bốn bước cơ bản để giải mật mã: Đầu tiên là xác định ngôn ngữ được sử dụng, sau đó xác định phương pháp mã hóa, tiếp theo là tái dựng chìa khóa, cuối cùng là dùng chìa khóa tái dựng văn bản bị mã hóa. Song cơ quan này không thể vượt qua bước hai khi phân tích bức thư.

Cho tới nay, bức thư đã làm khó những nhà giải mã hàng đầu thế giới, đứng thứ ba trên danh sách mật mã không giải quyết được của FBI.

Theo Thetruecrimefiles, có ba giả thuyết về nguồn gốc của mật thư. Giả thuyết thứ nhất, kẻ giết người là tác giả của hai bức thư. Hung thủ có thể đã viết thư dưới dạng mật mã và cài vào người Ricky McCormick để đánh lạc hướng cảnh sát. Tuy nhiên nếu xét tới độ phức tạp của lá thư và thời gian cần thiết để sáng tạo ra ngôn ngữ mật mã thì việc này ít khả năng xảy ra.

Giả thuyết thứ hai được nhiều người tin nhất là lá thư do chính Ricky McCormick viết. Dan Olsen nhận định lá thư dường như được viết cho chính mình hơn là để gửi cho người khác.

buc mat thu khien canh sat my khong the giai ma suot 12 nam hinh anh 2

Trang hai của bức mật thư.

Nhưng tới đây, nhà chức trách đặt câu hỏi liệu Ricky McCormick, người bỏ học cấp ba giữa chừng, lại có thể sáng tạo ra đoạn mật mã mà ngay cả FBI cũng không giải quyết được?

Cảnh sát cho biết nạn nhân được người thân miêu tả là có đầu óc đơn giản, “hành vi cư xử khác thường và hay kể chuyện hoang đường”. Người nhà kể Ricky McCormick phải vật lộn với bệnh thần kinh và khiếm khuyết khả năng học tập, từng bị mẹ mắng là “đồ thiểu năng”.

Phần lớn mọi người tin rằng mật thư của Ricky McCormick được viết theo kiểu viết láu tự nghĩ (ví dụ: viết chữ theo cách đánh vần sai). Nếu phỏng đoán này là đúng thì có thể bức thư sẽ không bao giờ được giải mã vì kiểu viết tắt của anh sẽ chịu ảnh hưởng từ chứng bệnh thần kinh.

Người muốn giải mã sẽ cần phải nghiên cứu ngôn ngữ riêng của nạn nhân. Nếu vậy, có thể FBI đã gặp vấn đề ngay từ bước đầu, “xác định ngôn ngữ được sử dụng”, chứ không phải bước hai, “xác định phương pháp mã hóa”.

Các thành viên trong gia đình Ricky McCormick cũng không thống nhất khi kể về nạn nhân. Một số người cho biết anh không biết đọc và viết nên không thể nào viết ra thông điệp mật mã phức tạp như vậy. Một số khác lại nói ngay từ nhỏ anh đã viết dưới dạng mật mã bí mật của riêng mình. Tuy vậy, không ai lưu giữ thư từ riêng của Ricky McCormick nên không có gì để so sánh với hai bức mật thư.

Theo nhà mật mã học Elonka Dunin, giả thuyết thứ ba là Ricky McCormick chỉ là người đưa thư. Nghiên cứu về bối cảnh sống của anh, Elonka Dunin thấy rằng đoạn thời gian trước khi mất tích, Ricky McCormick làm thêm cho trạm xăng ở đại lộ Chouteau tại thành phố Saint Louis, Missouri. Chủ trạm xăng là Juma Hamdallah có em trai là Baha Hamdallah. Baha Hamdallah từng có tiền án, tiền sự.

Bạn gái Ricky McCormick kể anh thường nhận chuyển hàng cho Baha Hamdallah tới thành phố Orlando, Florida để đổi lấy tiền công. Thỉnh thoảng anh thường mang về cần sa trong túi zip, nói là giữ hộ hàng cho Baha Hamdallah. Bạn gái Ricky McCormick còn cho biết anh có vẻ khác thường và sợ hãi sau lần cuối cùng trở về từ Orlando. Tuy vậy, cảnh sát không tìm được liên hệ giữa Baha Hamdallah với cái chết của Ricky McCormick.

Từ ấy, Elonka Dunin nhận định Ricky McCormick đã làm người đưa mật thư được mã hóa cho tội phạm. Tuy nhiên, nếu nạn nhân bị sát hại vì đưa thư cho kẻ xấu thì tại sao hung thủ lại bỏ lại bức thư trong túi quần?

Một giả thuyết cuối cùng, mật thư là do Ricky McCormick viết cho chính mình. Anh bị giết vì có dính líu tới hoạt động phạm pháp của Baha Hamdallah. Bức thư không hề có liên hệ tới cái chết của anh.

Dù tác giả bức thư là ai, có liên hệ gì tới cái chết của Ricky McCormick, câu chuyện về cái chết của anh ta vẫn là bí ẩn.

Theo Dân việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ