(GD&TĐ) - Chiếc xe lăn vẫn quay những vòng đều đều để thay cho từng bước chân trên bục giảng. Thầy vẫn lẳng lặng ươm những mầm cây cho đời. Người ta vẫn gọi thầy là thầy Trang (tên đầy đủ là Phạm Viết Trang), sinh năm 1971 ở làng Gia Hội- Quế Phong – Quảng Nam.
Trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 30m2 với những chiếc bàn thô sơ, cái bảng đen cũ kỹ ấy, hình ảnh người thầy trên chiếc xe lăn dạy học không biết từ bao giờ đã trở thành những kỉ niệm khó quên của đám học trò nghèo làng quê ấy.
Thầy Trang giảng bài trong "lớp học" đặc biệt |
Lớp học của thầy Trang rất đặc biệt, bởi lớp không phân biệt lứa tuổi, trình độ. Ai không hiểu cái gì thì thầy bày, không biết gì thì thầy dạy. Chỉ biết rằng, hơn 6 năm nay, lớp của thầy ngày càng đông học sinh hơn.
Là một người ham học, có hoài bão nhưng trong một tai nạn đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân nên anh đành gác lại bao dự định của mình. “Tôi thấy những đứa trẻ ở đây rất ngoan, giỏi nhưng nhà nghèo nên không có điều kiện học thêm. Tôi chỉ khích lệ và giúp chúng học tốt hơn” - Anh kể.
Tiếp lời anh, chị Tư, vợ anh Trang nói thêm “Từ hồi có mấy đứa học nhà tôi khi nào cũng vui. Ngày mô cũng có đứa sang chơi, hỏi bài hoặc sang khoe điểm 9,10. Kì nào cũng có đứa đạt loại giỏi.”
Biết thầy Trang là người tận tình dạy bảo, các bậc phụ huynh xin gởi ít tiền bồi dưỡng nhưng anh dứt khoát không nhận. Anh bảo dạy vì tình thương đối với những đứa trẻ nghèo và để mình không cảm thấy bất lực trong cuộc đời này.
Hỏi chuyện về lớp học miễn phí của thầy Trang, ông Phạm Tám, trưởng thôn cho biết “Thầy Trang không chỉ có nghị lực phi thường mà còn có tình thương với trẻ em nghèo, thật đáng quý. Nhiều gia đình trong thôn biết ơn anh lắm”.
Sau “những giờ lên lớp”, anh lại cùng với vợ nuôi hơn 600 con gà, vịt, chăm sóc gần 100 trụ tiêu đang mùa ra trái để phụ giúp gia đình.
Ngoài ra, anh còn làm nhang để phân phối cho các tiệm tạp hóa. Hai cô con gái nhỏ nhắn của anh ngoài giờ học cũng phụ ba xe nhang. Được biết cả hai đều là học sinh xuất sắc của trường cấp 2 Quế Phong.
Ngày ngày trong căn nhà nhỏ của anh vẫn ê a tiếng trò học. Chiếc xe lăn vẫn đều đều những vòng quay, vun đắp bao ước mơ học tập của lớp trẻ ở vùng đất bán sơn cước nghèo khó này.
Tuyết Nhung