Trước nay, xã hội luôn đặt nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Thời phong kiến, vị trí của thầy giáo chỉ xếp sau vua và trên cả cha mẹ với thứ tự: Quân, sư, phụ. Thời nay, bước chân vào trường học, khẩu hiệu thường hay thấy là “Tôn sư trọng đạo”, để nói về việc cần tôn trọng những người hàng ngày đứng trên bục giảng dạy dỗ học sinh, sự tôn trọng này không chỉ là học sinh đối với các thầy cô, mà là toàn xã hội đối với nghề giáo.
Thế nên vụ việc mới xảy ra ở Long An khiến nhiều người phẫn nộ. Cô giáo N do áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối nên có một số em sợ không đi học, từ đó khiến phụ huynh bức xúc đến trường tạo áp lực. Cô nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục sai sót. Tuy nhiên, do áp lực của phụ huynh, cô N phải quỳ trước 4 vị cha mẹ học sinh nhận lỗi để họ vừa lòng.
“Tôi thấy đau” – Một giáo viên xin được giấu tên chia sẻ cảm xúc sau khi biết thông tin vụ việc. “Tôi thương cho người đồng nghiệp và cũng thấy thương cho nghề nghiệp chúng tôi theo đuổi. Dẫu rằng cô giáo nóng vội, muốn học sinh tốt lên ngay nên dùng biện pháp kỷ luật không đúng sư phạm, nhưng không thể vì thế mà bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi được. Đó không phải là cách giải quyết khiến tình hình tốt lên, mà đó là vi phạm pháp luật”.
Cô giáo cũng chia sẻ thêm: Khi đang làm việc ở trường học, tôi mong được Ban Giám hiệu có những động thái để bảo vệ giáo viên. Nếu thầy hiệu trưởng ở Long An quyết liệt hơn thì có lẽ cô giáo đã không phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh như vậy. Cần có những tổ chức, đoàn thể nhà trường đứng ra làm trọng tài phân xử đúng – sai và có những biện pháp giải quyết hợp lý.
Trước đó cũng có không ít vụ việc cha mẹ học sinh đến tận trường để tạt tai cô giáo vì làm xước má con, hành hung, lăng mạ giáo viên ngay trong lớp học... Những vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường, với đối tượng bị đe dọa là thầy cô giáo.
Ngẫm lại mới thấy, trước nay ta cứ nói bạo lực học đường là nghĩ đến học sinh đánh nhau, rồi thầy giáo đánh học sinh mà ít đề cập đến việc cha mẹ học sinh đến trường học để hành hung thầy cô giáo, đặc biệt là những hành vi bạo lực về tinh thần. Đây có lẽ là một lỗ hổng, thiếu sót lớn trong việc nhìn nhận những nguy cơ trong việc bảo đảm an toàn trường học.
Người ta vẫn nói “bục giảng là thánh đường của nhân cách”, thánh đường này được xây nên không chỉ bởi học sinh và những người thầy – cha mẹ thứ hai của học sinh mà còn được vun xới bởi các phụ huynh, những người kề vai sát cánh cùng các thầy cô giáo dạy dỗ con em mình.
Quá nghiêm khắc với học trò, sợ mất việc và bị khiển trách, hôm nay cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh. Ngày mai cô lo lắng, bồn chồn giảng bài như một con rô bốt trên bục giảng. Ngày mai nữa, học sinh không còn biết sợ thầy cô và rồi sẽ về nhà, chính bố mẹ lại phải sợ sệt con cái… Nghĩ đến những hệ quả này mà thấy thật nguy hại!