Bữa ăn cuối cùng được bảo quản trong hóa thạch khủng long

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã phát hiện bữa ăn cuối cùng của một con khủng long vào thời điểm trong Kỷ Phấn Trắng, khoảng 120 triệu năm trước.

Hóa thạch Microraptor được phát hiện ở Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc vào đầu những năm 2000.
Hóa thạch Microraptor được phát hiện ở Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc vào đầu những năm 2000.

Bữa ăn cuối cùng của loài khủng long này được bảo quản trong hoá thạch. Đây là loài động vật có vú nhỏ với kích thước bằng một con chuột.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bàn chân của động vật có vú này được bảo quản bên trong ruột của hoá thạch khủng long Microraptor zhaoianus.

“Lúc đầu, tôi không thể tin được”, ông Hans Larsson - Giáo sư sinh vật học tại Bảo tàng Redpath của Trường Đại học McGill ở Montreal (Canada), cho biết. Giáo sư Larsson đã phát hiện một bàn chân động vật có vú nhỏ giống loài gặm nhấm dài khoảng một centimet (0,4 inch) được bảo quản hoàn hảo bên trong hoá thạch của Microraptor. Ông Larsson tình cờ biết đến hóa thạch của khủng long này khi đến thăm các bộ sưu tập bảo tàng ở Trung Quốc.

“Những phát hiện này là bằng chứng chắc chắn duy nhất mà chúng tôi có về việc tiêu thụ thức ăn của những loài động vật đã tuyệt chủng từ lâu này. Hiện tượng này cực kỳ hiếm”, Giáo sư Larsson cho biết.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cổ sinh vật học có xương sống. Nghiên cứu cho biết, đây là ví dụ thứ 21 được biết đến về một con khủng long hóa thạch với bữa ăn cuối cùng vẫn được bảo quản.

“Chúng tôi đã biết về các mẫu vật Microraptor được bảo quản với bộ phận của cá, chim và thằn lằn trong bụng. Phát hiện mới này bổ sung một loài động vật có vú nhỏ vào chế độ ăn của chúng. Điều đó cho thấy, những con khủng long này là kẻ cơ hội và không kén ăn”, ông Larsson - đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ.

Chuyên gia này giải thích, việc biết rằng, Microraptor là một loài ăn thịt nói chung đặt ra một quan điểm mới về cách thức hoạt động của hệ sinh thái cổ đại. Theo nghiên cứu, Microraptor là ví dụ đầu tiên được biết đến về động vật ăn thịt nói chung trong kỷ nguyên khủng long.

Nghiên cứu cho biết, có thể những loài khủng long khác thuộc họ therapod, bao gồm cả Tyrannosaurus rex, cũng có thể có chung chế độ ăn uống không cầu kỳ tương tự. Hóa thạch Microraptor được phát hiện ở Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Mẫu vật có bộ lông trên cánh tay và chân. Đây là một trong những loài khủng long có lông vũ đầu tiên được khai quật.

Tiến sĩ David Hone - đồng tác giả nghiên cứu, thuộc Trường Đại học Queen Mary, London (Anh), cho biết: “Nghiên cứu này vẽ nên bức tranh về một khoảnh khắc hấp dẫn trong thời gian. Đây là một trong những kỷ lục đầu tiên về việc khủng long ăn thịt động vật có vú”.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ