“Kho báu” trong phân khủng long hóa thạch

GD&TĐ - Nghiên cứu một mẫu phân khủng long hóa thạch, các nhà khoa học đã phát hiện một loài bọ cánh cứng 230 triệu năm tuổi chưa từng được biết đến.

Hình ảnh khủng long Silesaurus opolensis.
Hình ảnh khủng long Silesaurus opolensis.

Được bảo quản tốt

Được đặt tên là Triamyxa coprolithica, những con bọ nhỏ cũng là loài côn trùng đầu tiên được mô tả từ phân hóa thạch (còn gọi là coprolite) và có thể nhìn thấy bằng phương pháp quét sử dụng chùm tia X mạnh – theo một nghiên cứu trên Tạp chí  Current Biology.

Bên cạnh việc phát hiện ra loài bọ trong phân khủng long hóa thạch, tên khoa học của con bọ còn đề cập đến kỷ Trias, kéo dài từ khoảng 252 triệu đến 201 triệu năm trước, và phân bộ bọ có tên Myxophaga – loài bọ sống dưới nước hoặc bán thủy sinh nhỏ ăn tảo.

Tuy không tham gia nghiên cứu trên nhưng Giám đốc Sam Heads của Trung tâm Cổ sinh vật học PRI tại ĐH Illinoise (Mỹ) cho biết, hóa thạch côn trùng thuộc loại này được bảo quản trong không gian 3 chiều như vậy thực sự chưa từng có từ kỷ Trias, vì vậy khám phá này rất quan trọng.

“Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những con bọ được bảo quản tốt như thế, khi chúng được mô hình hóa trên màn hình, trông như chúng đang nhìn thẳng vào bạn” – tác giả đầu tiên của nghiên cứu Martin Qvarnstrom, một nhà cổ sinh vật học và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Uppsala, Thụy Điển cho biết.

“Điều này được tạo điều kiện thuận lợi nhờ thành phần canxi photphat của phân hóa thạch. Cùng với quá trình khoáng hóa sớm bởi vi khuẩn, nó có thể đã giúp bảo tồn những hóa thạch mong manh này”, ông nói thêm.

Canxi photphat rất quan trọng cho sự hình thành và duy trì xương và quá trình khoáng hóa là khi các hợp chất hữu cơ được chuyển thành các hợp chất vô cơ trong quá trình phân hủy.

“Sản phẩm” của loài khủng long ăn tạp

“Kho báu” trong phân khủng long hóa thạch ảnh 1

Dựa trên kích thước, hình dạng và các đặc điểm giải phẫu khác của phân hóa thạch được các tác giả của nghiên cứu hiện tại phân tích trong nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học kết luận rằng coprolite được bài tiết bởi Silesaurus opolensis – một loài khủng long nhỏ.

“Silesaurus sở hữu một cái mỏ ở đầu hàm của nó, có thể được dùng để bới và có thể mổ côn trùng trên mặt đất, giống như các loài chim hiện đại”, một bản tin nói.

Theo ông Qvarnstrom, “mặc dù Silesaurus dường như đã ăn thịt nhiều cá thể Triamyxa coprolithica nhưng loài bọ này có thể quá nhỏ để trở thành con mồi mục tiêu duy nhất. Thay vào đó, Triamyxa có khả năng đã sống cùng với những con bọ lớn hơn, nhưng chỉ ở dạng các mảnh phân bố trong coprolite, và những con mồi khác nữa.

Tuy nhiên, chúng không bao giờ có trong coprolite ở một hình dạng dễ nhận biết. Vì vậy, có vẻ như Silesaurus ăn tạp, một phần trong chế độ ăn của nó bao gồm cả côn trùng”.

“Không đủ bằng chứng tại thời điểm này để nói chắc chắn liệu Silesaurus có lựa chọn cụ thể những con bọ này hay không” – theo ông Heads – “Có thể đó là một loài động vật ăn sâu bọ, nói chung chộp lấy bất cứ loài côn trùng nào mà chúng có thể bắt được. Tuy nhiên, bọ cánh cứng là loài duy nhất sống sót sau quá trình tiêu hóa nhờ bộ xương ngoài rất cứng và mạnh mẽ của chúng”.

“Kích thước nhỏ của chúng chắc chắn sẽ giúp một số con vẫn còn nguyên vẹn vì có nhiều khả năng chúng bị nuốt chửng mà không bị nhai” – ông Heads nói thêm.

Hứa hẹn những phát hiện mới

Các nhà nghiên cứu đưa ra một gợi ý khác, dựa trên những phát hiện của họ là coprolite có thể là một chất thay thế cho một vật liệu khác được biết đến trong việc tạo ra các hóa thạch côn trùng được bảo quản tốt nhất.

Đó là hổ phách. Đây là loại nhựa hóa thạch cứng, hơi vàng nhưng trong mờ, được tạo ra bởi những cây đã tuyệt chủng ở kỷ Đệ Tam kéo dài từ khoảng 66 triệu đến 2,6 triệu năm trước.

“Tôi đã nghiên cứu về hóa thạch côn trùng được bảo quản trong hổ phách nhiều năm và đồng ý với các tác giả rằng mức độ bảo quản được thấy trong mẫu vật coprolite là rất giống nhau về cả mức độ hoàn chỉnh và mức độ bảo quản. Nó thực sự rất đáng chú ý”, ông Heads cho biết thêm.

Các hóa thạch lâu đời nhất từ hổ phách có niên tại khoảng 140 triệu năm tuổi nhưng các coprolite lâu đời hơn nhiều, nó có thể giúp các nhà nghiên cứu tiến sâu hơn vào quá khứ chưa được khám phá.

“Chúng tôi không biết côn trùng trông như thế nào trong kỷ Trias và bây giờ chúng tôi đã có cơ hội biết việc này” – đồng tác giả nghiên cứu Martin Fikacek, một nhà côn trùng học tại ĐH Quốc gia Tôn Trung Sơn ở Đài Loan cho biết trong một tuyên bố.

“Có thể, khi nhiều coprolite khác được phân tích, chúng ta sẽ thấy một số nhóm bò sát tạo ra coprolite không thực sự hữu ích, trong khi những nhóm khác có coprolite chứa đầy những loài côn trùng được bảo quản độc đáo mà chúng ta có thể nghiên cứu. Chúng ta chỉ cần bắt đầu tìm kiếm bên trong coprolite để có được ít nhất là một số ý tưởng”, ông Martin Fikacek nói.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, côn trùng trong coprolite có thể được quét như các nhà khoa học quét côn trùng trong hổ phách – ông Fikacek nói thêm – “Về mặt này, khám phá của chúng tôi rất hứa hẹn.

Cơ bản, nó nói với mọi người rằng ‘hãy kiểm tra thêm coprolites bằng cách quét cắt lớp vi mô CT, rất có thể sẽ tìm thấy côn trùng đó đó và nếu bạn tìm thấy thì nó có thể được bảo quản rất tốt’”.

Theo ông Qvarnstrom, mục tiêu nghiên cứu cuối cùng của nhóm là “sử dụng dữ liệu coprolite để tái tạo lại mạng lưới thức ăn cổ đại và xem chúng thay đổi như thế nào theo thời gian”.

Dựa trên kích thước, hình dạng và các đặc điểm giải phẫu khác, các nhà khoa học xác định phân hóa thạch chứa loài bọ mới được phát hiện do loài khủng long Silesaurus opolensis bài tiết. Đây là loài khủng long nhỏ dài khoảng 2m, nặng khoảng 15kg và sống ở Ba Lan khoảng 230 triệu năm trước trong kỷ Tam Điệp.
Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.