Chị Nguyễn Thanh Vân, nhà phố Cát Linh, hành khách thường xuyên đi làm trong Hà Đông trên tuyến buýt BRT 01 so sánh, trước đây khi chưa có tuyến buýt này, quãng đường từ Giảng Võ đến Mỗ Lao (Hà Đông) mất khoảng 35 – 45 phút. Tuyến buýt nhanh BRT 01 từ khi đi vào hoạt động (tháng 1/2017), được chạy trên làn đường riêng chỉ mất khoảng 15 – 20 phút cho quãng đường trên, vừa sạch sẽ, mát mẻ, thời gian rút ngắn, nên được nhiều hành khách lựa chọn.
Tuy nhiên, sau một thời gian, đến nay, đi buýt nhanh thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn cả buýt thường, nhất là vào giờ cao điểm.
Tuyến buýt nhanh BRT 01 chôn chân giữa rừng phương tiện trên đường Láng Hạ.
Vào giờ cao điểm, sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, chiều từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút, hầu hết các chuyến buýt nhanh dường như đều chôn chân giữa rừng phương tiện trên trục đường chính của BRT dài khoảng 3 km từ Giảng Võ đến Lê Văn Lương. Không ít thời điểm, có tới 3 xe buýt nhanh nối đuôi nhau trên làn đường riêng và “dậm chân tại chỗ”. Thậm chí, xe buýt nhanh còn lấn hắn sang làn đường xe máy, chỉ để mong tăng tốc, nhưng vô vọng.
Ba xe buýt nhanh BRT nối đuôi nhau.
Sở GTVT Hà Nội vừa phê duyệt phương án tăng tần suất hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT 01 trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 7, nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách tăng mạnh. Số chuyến tăng được phân bổ theo khung giờ cao điểm: Sáng tăng 8 lượt và chiều tăng 12 lượt. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc tăng tuần suất này bất hợp lý bởi lượng khách chưa thực sự tăng cao, trong khi làn đường riêng buýt nhanh BRT vào giờ cao điểm gần như mất tác dụng bởi ùn tắc và BRT không phát huy được yếu tố nhanh nếu tăng chuyến.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, việc một số phương tiện cố tình lấn làn làm giảm về chất lượng dịch vụ buýt nhanh, gây mất an toàn giao thông. Với làn riêng, buýt nhanh BRT sẽ chạy được với tốc độ 20 – 30 km/giờ, tần suất 5 – 10 phút/chuyến, nhanh hơn hẳn so với xe buýt thông thường.
Buýt nhanh BRT lấn sang làn phương tiện khác, nhưng không thoát khỏi ùn tắc.
Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Đại học GTVT, trong khi khâu xử lý phương tiện vi phạm lấn làn buýt nhanh BRT chưa được bao nhiêu, thì việc các phương tiện đều vô tư đi chen lấn trên làn đường riêng bất kể thời gian nào, đang làm hạn chế tốc độ buýt nhanh, khiến buýt nhanh trở thành buýt thường. Thực tế này đang khiến buýt nhanh mất khách. Các cơ quan liên quan cần phải xử lý nghiêm hành vi lấn làn buýt nhanh; đánh giá chất lượng tuyến này, nếu lượng khách đông, nhiều người sử dụng xe cá nhân chuyển sang xe buýt nhanh sẽ tiếp tục nhân rộng, ngược lại nên để buýt nhanh thành buýt thường và trả lại làn đường cho người dân lưu thông.
Theo quan sát của phóng viên báo Tin tức, hằng ngày, tại trạm buýt nhanh bến xe Yên Nghĩa là điểm xuất phát nhưng khá vắng vẻ. Thời điểm khởi hành sáng thường chỉ khoảng 6 - 8 khách, trong khi, khối lượng chuyên chở tới 90 khách/chuyến. Thường xe phải qua tới 4 - 5 nhà chờ mới đạt lượng khách khoảng 30 khách/chuyến.
Đặc biệt, tình trạng “chen chân” giữa rừng phương tiện của buýt nhanh hiện nay diễn ra phổ biến và lưu thông không khác gì buýt thường. Lộ trình bình thường của buýt nhanh là 45 phút/ chuyến, Song thực tế, tuyến buýt nhanh 01 cũng đang rơi vào cảnh tương tự, thường xuyên chậm giờ so với lịch trình. Rõ ràng, nếu không xử lý được tình trạng lấn lần buýt nhanh, thì tuyến BRT 01 sẽ khó đảm bảo tần suất và thời gian di chuyển.